Dùng cung để cận chiến – điện ảnh hay đời thực?

Trong một số tựa phim cổ điển, trong các cảnh chiến đấu trên trận địa hoặc đấu võ, đôi khi những chiếc cung có thể sử dụng như một vũ khí cận chiến với khả năng gạt đỡ và đánh trả như một chiếc gậy. Nhưng liệu đó có phải sự thật?

Cung tên hiện đại có xuyên thủng được iphone 6s?

Tròn mắt xem cung thủ treo thân bắn 3 mũi tên trong 1 giây

Trước hết, cần hiểu rằng việc đối phó với cận chiến luôn là tình huống quen thuộc với bất cứ chủng quân đội nào, kể cả với những đơn vị đứng ngoài trận địa như cung thủ cổ đại hay các lính bắn tỉa ngày nay. Các đội quân tiên phong với giáo dài của chiến tranh trung đại cũng thường được trang bị thêm dao, rìu hoặc kiếm ngắn để sẵn sàng cho việc đối thủ vượt qua được tầm đánh của mũi giáo và tiến hành xáp lá cà.

Cung tên là nỗi kinh hoàng trên chiến trường trung cổ.

Các cung thủ cũng có cùng nỗi lo đó. Đứng phía sau trận địa tan vỡ hoặc rơi vào trận địa rối loạn, các cung thủ cũng có lúc phải buông bỏ mũi tên và đối mặt với những thanh kiếm. Nhưng liệu chiếc cung gỗ có thực sự là vũ khí đáng tin cậy?

Rất nhiều nhà nghiên cứu vũ khí hiện đại đã tích cực tìm ra câu trả lời. Skallagrim – một nhà sưu tầm và nghiên cứu vũ khí cổ của Canada đã đưa ra một số lập luận sau:

  • Nếu bị áp sát, các cung thủ sẽ không có thời gian tháo bỏ dây cung để biến cây cung thành chiếc gậy. Nếu anh ta có thời gian, bỏ chạy vẫn là ý định hay hơn, vậy nên có thể khẳng định hầu hết trường hợp phải dùng cung để đối kháng, đó là cây cung còn nguyên hình dạng với dây cung căng sẵn.
Skallagrim đặt vấn đề về việc có thể dùng cung như một vũ khí cận chiến hay không.
  • Ở hình dạng cung đã lên dây, cây cung có cấu trúc rất bất lợi khi dùng như một vũ khí cận chiến. Rõ ràng cung không được chế tạo cho mục đích đó. Vì cánh cung có tính dẻo (để căng dây cung) và trọng tâm lại nằm ở giữa thân cung nên mọi động tác quật, đâm của cây cung đều sẽ bị giảm lực đi rất nhiều nếu so với một thanh gậy cùng trọng lượng, kích thước.
  • Hình dáng chữ D khiến cho cây cung rất vướng víu khi được dùng như một vũ khí cận chiến.
  • Do trọng lượng mang vác nhẹ nhàng (cung và tên), không phải trang bị trọng giáp như lính tiền chiến nên việc cung thủ trang bị thêm vũ khí cận chiến như kiếm ngắn là điều hoàn toàn khả thi, không bắt buộc phải dùng cung để cận chiến.
  • Nếu bỏ qua logic đầu tiên, nếu chúng ta có thể tháo được dây cung để thân cung trở lại hình dạng (hơi) thẳng, nó vẫn không phải một vũ khí lý tưởng vì độ dẻo và trọng tâm không cân bằng.

Dẫu vậy, phản bác (hay nói đúng hơn là bổ sung) cho quan điểm của Skallagrim, nhiều nhà sưu tập và nghiên cứu vũ khí khác cho rằng cung tên đã từng được thiết kế cho cả mục đích cận chiến, ít nhất là với với dụ kinh điển suýt chút bị xóa sổ hoàn toàn khỏi lịch sử nhân loại: người da đỏ.

Theo đó, các văn bản cổ, hình ảnh… còn lại cho thấy cung tên của người da đỏ có thân cung tương đối thẳng (kể cả khi đã lên dây, với một được gắn thêm lưỡi bén như ngọn giáo. Tiếc rằng do người da đỏ sớm bị người phương Tây tận diệt trong quá trình chinh phục châu Mỹ nên các di sản vũ khí này không được lưu lại nhiều, hơn nữa hình dạng cung thẳng như của người da đỏ cũng không đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng để bắn tên. Nói cách khác, đây là một loại vũ khí “con lai” giữa cung tên và vũ khí cận chiến nên không thể đạt đến sự hoàn hảo cho riêng mỗi thứ.

Hình vẽ cổ của người phương Tây, mô tả về các thổ dân da đỏ. Bức vẽ cho thấy người da đỏ sử dụng loại cung có mũi dao nhọn ở một đầu
Một tài liệu cũ mô tả về loại cung này. Theo mô tả, loại cung này không thể chịu đựng được va đập quá lớn, nhưng vẫn đủ khả năng để được sử dụng như một chiếc gậy khi cấp bách.
Thân cung không quá cong giúp nó có thể được dùng như một ngọn giáo.

Ngoài ra, một số loại cung dài như trường cung Anh do có độ cong thấp, trọng lượng lớn nên vẫn có thể sử dụng (một cách miễn cưỡng) như một chiếc gậy dài.

Trường cung của Anh.

Phạm Vũ