Sự thật về cuộc đời Hoàng Phi Hồng: Chết không áo quan, mộ thất lạc

(VoThuat.vn) – Sinh thời Hoàng Phi Hồng là Nhất đại tông sư của giới võ lâm vùng Lĩnh Nam, ông cũng là một danh y có tấm lòng nhân đức, cứu giúp người hoạn nạn nhưng đến khi về già, gia cảnh lại vô cùng đìu hiu, nghèo khổ.

Hoàng Phi Hồng được biết đến nhiều trong lĩnh vực điện ảnh, là nhân vật truyền kỳ đã chinh phục hàng triệu trái tim khán giả qua tài diễn xuất của các bậc thầy võ thuật.

Lý Liên Kiệt là diễn viên thể hiện thành công nhất hình tượng Hoàng Phi Hồng.

Từ cuối năm 1940 đến nay, Hong Kong đã thực hiện hàng trăm bộ phim và kịch truyền hình về Hoàng Phi Hồng khiến tên tuổi nhà võ thuật yêu nước này trở nên thân thuộc với mọi tầng lớp khán giả. Sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách, các tác phẩm về Hoàng Phi Hồng được người dân Quảng Đông chào đón nhiệt liệt. Đề tài Hoàng Phi Hồng thực sự trở thành cơn sốt. Cuộc đời Hoàng Phi Hồng cùng với võ công siêu việt và đức độ trong sáng của ông đã thật sự chinh phục những người mê võ thuật thật sự.

Song, nội dung trong tất cả những dự án phim đều phần nhiều là được hư cấu, không hoàn toàn đúng theo sự thật. Trên phim, Hoàng Phi Hồng là một nhân vật hoàn hảo, tiếng tăm, có dung mạo xuất chúng, khí chất phi phàm, tính cách trượng nghĩa và quan trọng hơn hết, đó là một bậc thầy về võ thuật khiến người đời ngưỡng mộ, giới võ lâm nể phục và kính trọng.

Cuộc đời của Hoàng Phi Hồng trên phim rất nhiều sóng gió, nhưng Hoàng Phi Hồng ngoài đời lại sống khá yên lặng, không nổi danh đến như vậy.

Nhất đại tông sư của giới võ lâm vùng Lĩnh Nam

Chân dung Hoàng Phi Hồng.

Hoàng Phi Hồng là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Ông sinh năm 1847 vào giai đoạn cuối thời nhà Thanh, đầu thời kỳ Dân quốc, tại thị xã Phật Sơn nay là một phần của phường Tổ Miếu, quận Thiền Thành, thành phố Phật Sơn, Quảng Đông.

5 tuổi, Hoàng Phi Hồng bắt đầu học Kungfu từ cha là Hoàng Kỳ Anh – là một trong 10 con hổ của ‘Quảng Đông thập hổ’. Cha ông thường biểu diễn võ thuật và bán thuốc rong trên đường (thường gọi là Sơn Đông mãi võ).

Năm 13 tuổi, Hoàng Phi Hồng chạm trán với Lâm Phúc Thành – học trò của “Thiết Kiều Tam” Lương Khôn trên đường Đậu Xì, Phật Sơn. Lâm Phúc Thành đã dạy ông cách dùng băng tay và những thế quan trọng của võ thuật Thiết Tuyến quyền. Sau đó, ông học Vô Ảnh cước từ Tống Huy Thang.

Hoàng Phi Hồng đã học thêm nhiều danh sư các môn võ khác nhau, do đó tài nghệ của ông còn hơn cả cha mình. Đương thời có người lớn thách đấu, Hoàng Phi Hồng đã sử dụng côn pháp để chiến thắng, nhờ thế được nhiều người biết đến.

Sinh thời Hoàng Phi Hồng là Nhất đại tông sư của giới võ lâm vùng Lĩnh Nam.

Tuyệt chiêu của Hoàng Phi Hồng bao gồm Hổ Hạc Song Hình quyền, Thiết Tuyến quyền, Cung Tự Phục Hổ quyền, Vô Ảnh cước, Tử Mẫu đao, Đơn song hổ trảo, Tứ Lượng Tiêu Long côn, Song phi đà, La Hán bào. Một trong những điểm đáng chú ý của Hoàng Phi Hồng là tinh thần cầu tiến, ham học hỏi.

Ngoài danh nghĩa võ sư, Hoàng Phi Hồng còn được biết đến là một thầy thuốc. Mở hiệu thuốc Bảo Chi Lâm ở đường Nhân An, chuyên bán thảo dược trị thương.

Mặc dù là võ sư dân gian nhưng cuộc đời Hoàng Phi Hồng vẫn gắn liền với lịch sử Trung Quốc cận đại, dấu chân của mãnh hổ này đã in lên nhiều nơi. Năm 1885, tướng Quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc tấn công quân Pháp ở Việt Nam. Năm sau danh tướng Lưu Vĩnh Phúc được điều động về Phúc Kiến làm tổng binh. Hoàng Phi Hồng được Lưu Vĩnh Phúc chọn làm trưởng ban huấn luyện.

Cũng trong năm 1895 Chiến tranh Trung – Nhật nổ ra, Hoàng Phi Hồng theo Lưu Vĩnh Phúc đến Đài Loan. Quân nhà Thanh đại bại, triều đình cắt Đài Loan cho Nhật, quân dân Đài Loan khởi nghĩa và phong Hoàng Phi Hồng lên làm “Điện Tiền Tướng Quân” thống lãnh. Sau này Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, Lưu Vĩnh Phúc mời Hoàng Phi Hồng làm “giáo luyện dân đoàn tỉnh Quảng Đông”.

Hoàng Phi Hồng từng đặt chân đến Hong Kong, gặp lại môn đồ Lục Chính Cương và được mời đến võ đường của Lục Chính Cương tham quan. Thời gian ở đây do bất bình trước cảnh một người cô thế bị uy hiếp, Hoàng Phi Hồng ra tay can ngăn và bị một đám đông có vũ khí bao vây. Một mình đánh bại cả chục người, Hoàng Phi Hồng trở thành vị cứu tinh của những người bị áp bức. Bị triều đình truy nã, Hoàng Phi Hồng phải chạy trốn. Về sau Lục Chính Cương tìm đến nơi trú ẩn của Hoàng Phi Hồng, kể lại chuyện người phương Tây đem chó berger đến khiêu chiến và nhiều nhà sư bị chó tấn công. Hoàng Phi Hồng đùng đùng nổi giận lập tức đến Hương Giang đập gãy xương sống con chó hung thần ấy. Ngày hôm sau báo chí Hong Kong chạy tên bài đỏ về tin này và gọi đó là “chí khí người Trung Quốc”.

Sau này, trở về Quảng Đông, Hoàng Phi Hồng mở thêm một nhà thuốc nữa ở Phật Sơn, trở thành một trong 4 vị thầy thuốc lớn nhất Quảng Đông bấy giờ.

Khoảng thời gian Hoàng Phi Hồng mở thêm hiệu thuốc thứ 2 là khoảng thời gian ông lấy người vợ thứ tư tên Mạc Quế Lan. Đây cũng là khoảng thời gian ông được sống sung túc nhất. Nhưng Hoàng Phi hồng lại không được hưởng thụ nhiều.

Cuộc bạo loạn chống chính quyền Tôn Trung Sơn đã khiến Hoàng Phi Hồng mất đi tài sản, nhà cửa, rơi vào cảnh bần hàn. Quá tức giận ông đã ngã bệnh rồi qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Hoàng Phi Hồng chết không áo quan, mộ thất lạc

Năm 2015, tròn 90 năm ngày mất của Hoàng Phi Hồng. Như một cách để tưởng nhớ đến nhân vật được biết đến ở cả trong và ngoài Trung Quốc này, đệ tử đời thứ ba của ông –  Hoàng Đạt Sinh đã có những chia sẻ làm thỏa lòng trí tò mò và hiếu kỳ của người đời.

Hoàng Đạt Sinh khi đó đã 77 tuổi và là truyền nhân đời thứ ba của Hoàng Phi Hồng. Ông từng giữ chức phó chủ tịch hiệp hội võ thuật Quảng Đông, Trung Quốc.

Hoàng Đạt Sinh – đệ tử đời thứ 3 của Hoàng Phi Hồng.

“Nhiều người biết rằng Hoàng Phi Hồng khi về già, lâm bệnh và qua đời tại Tây Quan (Quảng Châu, Trung Quốc). Điều đáng tiếc là đến giờ, người ta vẫn chưa tìm ra mộ của ông.

Các huynh đệ trong và ngoài nước đã giao cho tôi việc tìm mộ cụ nhưng đến nay, tôi vẫn chưa hoàn thành trọng trách đó”, Hoàng Đạt Sinh chia sẻ.

Hoàng Phi Hồng lúc sinh thời lẫy lừng khắp bốn phương nhưng đến khi về già, gia cảnh lại vô cùng đìu hưu, nghèo khổ. Ông sống trong cảnh loạn lạc cuối nhà Thanh và giai đoạn đầu của thời kỳ Dân quốc.

Là Nhất đại tông sư của giới võ lâm vùng Lĩnh Nam, Hoàng Phi Hồng đồng thời cũng là một danh y có tấm lòng nhân đức, cứu giúp người hoạn nạn.

Tháng 10/1924, tổng trưởng thương đoàn Quảng Châu là Trần Liêm Bá được đế quốc Anh hỗ trợ, thừa lúc Tôn Trung Sơn bắc phạt, đã phát động bạo loạn vũ trang ở Quảng Châu, cả dải Quan Tây chìm trong khói lửa.

Bảo Chi Lâm mà Hoàng Phi Hồng khổ tâm cả đời gầy dựng bỗng chốc trở thành đống tro tàn. Trước cảnh tượng đó, ông suy sụp nặng, uất ức thành bệnh mà qua đời vào ngày 17/4/1925, thọ 77 tuổi.

Khi đó gia đình ông nghèo đến mức không có đủ tiền mua một cỗ quan tài. Các đệ tử nghe tin, liền góp tiền mua quan tài cho sư phụ.

Các sư phụ của Hoàng Đạt Sinh kể lại rằng Hoàng Phi Hồng được an táng tại núi Tượng Cương, phố Lưu Hoa, Nghĩa Trủng. Tuy nhiên cho đến nay, toàn bộ khu đó đã “chuyển mình” thành nhà cao tầng.

90 năm đã thay đổi rất nhiều, khiến nguyện vọng tìm được mộ tổ Hoàng Phi Hồng của các đệ tử trở nên mong manh, khó trở thành hiện thực.

Anh Thư (T.H)