Nghệ thuật dùng kiếm cổ của Hàn Quốc (Phần 1)

Những thanh kiếm lâu đời nhất ở Hàn Quốc được gọi là “jik do”, với hai lưỡi thẳng sắc bén. Hầu hết các học giả tin rằng kĩ nghệ tạo kiếm cổ xưa đã được đưa đến xứ sở kim chi từ Trung Quốc – cùng với nét văn hóa và công nghệ của quốc gia này.

Lịch sử cổ kiếm 

Hầu hết là vũ khí trưng bày trong các viện bảo tàng của Hàn Quốc là vũ khí của Nhật Bản từ thời thuộc địa (1910-1945). Rất nhiều trong số này đã được lấy từ những lính Nhật bị bắt hoặc chết.

Những thanh kiếm này có hai loại khác nhau rõ rệt: “kum” và “do”. “Kum” (cũng có thể được phát âm là “geom” hoặc “gum”) là một vũ khí hai lưỡi nhẹ chỉ dành để sử dụng một tay. Còn “do” là một vũ khí nặng hơn với tay cầm lớn nên phải cầm bằng cả hai tay. Lưỡi dao chỉ sắc trên một cạnh và chủ yếu dành cho kỹ thuật chém.

Trong quá khứ, các nhà luyện kiếm Trung Quốc tập trung vào sản xuất “kum” vì kỹ năng kiếm thuật của họ tập trung vào các kỹ thuật một tay, tay kia cầm một cái khiên. Sau đó các kỹ thuật và kỹ năng này được du nhập sang Hàn Quốc, các thợ thủ công địa phương đã phát triển các quy trình sản xuất tiên tiến hơn và từ đây đã giúp cho những lưỡi gươm Hàn Quốc vang danh khắp châu Á.

Người ta tin rằng ở phía nam Hàn Quốc các kỹ năng kiếm thuật của Nhật Bản du nhập vào đây. Các thợ thủ công Nhật Bản đã tiến hành hoàn thiện quy trình, trong khi tại Hàn Quốc, sự trỗi dậy của Nho giáo dẫn đến sự coi thường hoàn toàn đối với nghệ thuật chiến tranh. Do đó, xã hội quân phiệt của Nhật Bản thời phong kiến khuyến khích chế tạo vũ khí, trong khi xã hội kinh viện của Hàn Quốc lại coi thường nó.

Kỹ thuật chế tạo kiếm của Hàn Quốc vì thế đã bị thất lạc. Nếu không thì, những thanh kiếm dài của Hàn Quốc có thể đã được các nhà sưu tập hiện đại trên khắp thế giới đánh giá cao, giống như thanh “katana” của Nhật Bản thời đại ngày nay.

Kiếm Hàn – Kiếm Nhật

Quan sát tỉ mỉ một số đặc điểm sẽ giúp khách đến bảo tàng Hàn Quốc phân biệt được kiếm Hàn Quốc với kiếm Nhật. Gần rìa cùn của một lưỡi kiếm Nhật Bản người ta thường thấy một đường dọc, được gọi là “bo hi”. Kiếm Hàn thường không có thứ này. Các đầu kiếm của Nhật Bản thường có các đường có thể nhìn thấy nơi các góc và cạnh cắt khác nhau được tạo ra. Kiếm Hàn có xu hướng trơn tru từ cạnh cùn đến cạnh sắc và đỉnh. Hơn nữa, kiếm Hàn thường không có chóp góc cạnh (“shinogi” trong tiếng Nhật) chạy dọc theo chiều dài của lưỡi kiếm.

Người Nhật thường quấn tay cầm thanh kiếm của họ bằng da lộn, da hoặc lụa (“tsuka ito”). Người Hàn lại thường chế tạo tay cầm kiếm từ gỗ. Vỏ của thanh kiếm Nhật Bản thường được làm bằng gỗ đen, mịn. Vỏ của kiếm Hàn lại xa hoa hơn, thường được tô điểm bằng vàng hoặc xà cừ. Thỉnh thoảng, một biểu tượng Phật giáo nhìn giống như một hình chữ vạn đảo ngược cũng được sử dụng, cùng với các dải kim loại và vòng thắt được gắn vào.

Người khổng lồ

Người mê kiếm Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến Hyon Chung Sa, một ngôi đền nằm ở tỉnh Chungchong-namdo, Hàn Quốc. Ngôi đền được dành riêng cho Đô đốc Yi Sun-shin – anh hùng dân tộc đáng kính nhất Hàn Quốc.

Đô đốc Yi Sun-shin được biết đến là người anh hùng chiến đấu chống lại quân xâm lược Nhật Bản với sự trợ giúp của hai thanh kiếm khổng lồ dài 195cm, nặng 5kg. Đây là hai thanh kiếm Trung Quốc do hoàng đế Trung Quốc dâng tặng cùng với giáo, mũi tên lửa và một mô hình của một con tàu được gọi là tàu rùa (tàu bọc sắt đầu tiên trên thế giới, do Đô đốc Yi Sun-shin phát triển).

Cả hai thanh kiếm của Đô đốc Yi Sun-shin có thể được nhìn thấy trong bảo tàng. Những bức ảnh gần đã cho thấy chữ “hanja” (chữ viết kiểu Trung Quốc) được khắc trên cái chuôi, một phần của lưỡi kiếm được giấu bởi tay cầm. Một tấm bảng liệt kê các thông số kỹ thuật và lịch sử của thanh kiếm.

Một số ghi chép ở Hàn Quốc đã giải thích làm thế nào để một người phàm có thể sử dụng vũ khí lớn như vậy. Một số người cho rằng người Hàn Quốc ngày càng lớn hơn (khoảng 400 năm trước) và việc sử dụng thanh kiếm 5kg là có thể. Những người khác lại nói rằng những thanh kiếm không bao giờ được sử dụng trong trận chiến mà chỉ là những biểu tượng, tương tự như cờ và cột, xung quanh đó quân đội sẽ tập hợp lại.

Tuy nhiên, những người Hàn khác lại giải thích rằng vì Đô đốc Yi Sun-shin chiến đấu chủ yếu từ boong tàu, phần lớn các màn đấu kiếm của anh sẽ chống lại kẻ thù đang cố gắng phóng vào các cạnh của con tàu. Dù không biết thực hư, nhưng cũng không khó để hình dung một người đàn ông mạnh mẽ giơ một thanh kiếm trên đầu, sau đó sử dụng một chút cơ bắp để giúp trọng lực kéo nó xuống đầu và vai của những kẻ tấn công đang leo trèo. Hành động sẽ không quá khác biệt so với việc sử dụng rìu năng để chẻ gỗ.

Lâm Oanh