“Mỗi ngày, chúng tôi đều phải luyện tập từ sáng sớm đến giữa đêm và ai không cố gắng hết sức sẽ bị đánh và bỏ đói.”

Đã từ lâu trước khi các hiệu ứng máy tính xuất hiện để bảo vệ các diễn viên hàng đầu an toàn trong các pha hành động nghẹt thở, siêu sao Hồng Kông Thành Long đã cho cả thế giới thưởng thức những cảnh quay khó tin này bằng cách đánh cược bằng chính cơ thể và tính mạng của mình trong mỗi cảnh quay. Những bộ phim như “Túy quyền” và “Câu chuyện cảnh sát” cho thấy sự sẵn sàng chịu đựng của Thành Long để cho khán giả những pha hành động võ thuật hài hước đặc trưng của mình.

Tuy nhiên, sự thành công của anh tại Hollywood không chỉ nhờ khả năng đấm đá thôi. Mà đó là nhờ sự sáng tạo không ngừng và năng lượng dường như vô tận trong ngành công nghiệp điện ảnh, sự sáng tạo ấy có thể được lấy cảm hứng từ một số trải nghiệm đau khổ nhất trong cuộc đời của Thành Long. Nhờ sự tập luyện và làm việc không ngừng nghỉ cũng như việc không ngại hi sinh thân thể mình, chính sự kiên cường đã đưa anh đến thành công.

Thời niên thiếu và một nền giáo dục đầy thách thức

Thành Long sinh ra ở Hồng Kông vào ngày 7 tháng 4 năm 1954. với tên khai sinh là Chan Kong-sang, anh là con duy nhất của một gia đình nghèo khổ, cả bố và mẹ đều là người tị nạn từ Nội chiến Trung Quốc.

Gia đình nhỏ của anh sống ở quận Victoria Peak, một khu có mức sống khá cao ở Hồng Kông. Nhưng lối sống của gia đình anh thì hoàn toàn không có một chút gì có thể gọi là cao. Họ sống trong khu nhà của người hầu trong khi cha anh làm đầu bếp và mẹ anh làm người hầu cho Đại sứ Pháp.

Khi còn là một đứa trẻ Thành Long cực kì hiếu động, anh được đặt cho biệt danh là Pao-Pao, nghĩa là súng thần công. Cha của anh sẽ đánh thức anh dậy sớm để luyện tập Kung Fu và tạo cho Thành Long một sân chơi nhằm thỏa mãn sự hiếu động của anh. Với nền tảng đến từ người cha và sự chăm chỉ luyện tập, Thành Long đã dần học được giá trị của sức mạnh, sự kiên nhẫn và sự tôn trọng.

Hình dáng của một võ sĩ càng ngày càng hiện rõ lên trong anh, thì trong lúc đó việc học trở nên càng ngày càng khó khăn hơn. Thành Long mắc chứng khó đọc nhưng không ai biết về điều này. Kết quả là, anh đã gặp trở ngại ngay năm đầu tiên tại trường tiểu học và bị bỏ lại phía sau. Nhưng thấy được tiềm năng của cậu con trai với võ thuật, cha anh đã chọn cho Thành Long một hướng đi khác và ghi danh cho anh vào Học viện Hý kịch Trung Quốc.

Khi nhớ lại ngày đầu tiên đến ngôi trường này, Thành Long kể lại rằng anh đã ghì chặt cánh tay của cha khi hai người bước vào cổng trường. Những nỗi sợ hãi của anh biến mất khi ánh mắt anh chạm đến hình ảnh hàng chục đứa trẻ khác đang lộn nhào và luyện tập cùng kiếm và gậy. Hình ảnh này đối với anh dường như đó là cả một thiên đườn. Anh nhanh chóng buông tay cha mình và nắm lấy áo của người thầy mới, Yu Jim-Yuen.

Nhưng hình ảnh thiên đường này đã sớm biến mất và thay vào đó những gam màu tối thực sự của Học viện bắt đầu được thể hiện. Đó là một nơi cạnh tranh khốc liệt, nơi mà giờ học có thể sẽ kéo dài 18-19 giờ một ngày. Ở tại đây Thành Long cũng không phải là một học sinh quá gương mẫu và thường xuyên bị kỉ luật.

Giữa các buổi huấn luyện nghiêm ngặt của mình, anh đã bị những đứa trẻ khác bắt nạt. Điều này kéo dài cho đến khi một ngày anh đứng lên để cứu một học sinh khác khỏi bị bắt nạt. Hành động dũng cảm này đã giúp cho Thành Long thấy được tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác.

Trong khoảng thời gian 10 năm, Thành Long đã học võ thuật, nhào lộn, ca hát và diễn xuất – nhưng với cái giá đắt đỏ là những chuỗi ngày bị đánh, bị bỏ đói và bị phạt khi không tập luyện hết mình dù có là vì lí do gì đi chăng nữa.

“Mỗi ngày chúng tôi đều phải luyện tập từ sáng sớm đến giữa đêm và ai không cố gắng hết sức sẽ bị đánh và bỏ đói.”

Diễn xuất và ước mơ trở thành ngôi sao

 

Vào thời gian này cha mẹ của thành Long đã phải rời Hồng Kông để làm việc tại đại sứ quán Mỹ ở Úc. Điều này khiến anh phải ở một mình ở Hồng Kông đi học khi anh chỉ mới bước vào lứa tuổi thanh xuân.

Đến gần đây anh mới tiết lộ rằng cha anh là một gián điệp và phải trốn ở Úc, mẹ anh ngay sau đó cũng phải rời Hồng Kông để làm việc và trả học phí để Thành Long có thể tiếp tục học tại trường.

Vào năm 8 tuổi, Thành Long đã trở thành thành viên của nhóm Seven Seven Fortunes, một nhóm trẻ của Học viện sẽ được đóng vai phụ trong các bộ phim Trung Quốc. Hứng khởi về điều này, Thành Long đã làm hết các nhiệm vụ được giao cách một cách hết mình.

Một nữ diễn viên người Đài Loan đóng vai mẹ của anh trong phim rất quý Thành Long nên đã yêu cầu anh xuất hiện trong các bộ phim tiếp theo của bà. Mặc dù thầy của anh lấy hết tiền lương nhưng Thành Long vẫn rất hào hứng và bắt đầu mơ ước trở thành một diễn viên nổi tiếng thế giới.

Năm 17 tuổi, Thành Long tốt nghiệp và tiếp tục sự nghiệp diễn xuất với tư cách là một diễn viên phụ và diễn viên đóng thế cho nhiều bộ phim khác nhau của Trung Quốc.

Con đường sự nghiệp của anh không phải lúc nào cũng rộng mở cũng có lúc có những người nói với anh rằng anh là người vô dụng. Nhưng Thành Long đã quyết tâm trở thành người giỏi nhất và anh đã luyện tập chăm chỉ hơn bất kỳ ai. Trong khi mọi người ngủ, anh luyện đi luyện lại các động tác kỹ thuật cho đến tận 4 giờ sáng.

“Đừng bỏ cuộc, thì một ngày ta sẽ thành công”

Dần dần, những nỗ lực của anh bắt đầu mang lại kết quả. Thành Long đã nhanh chóng được biết đến vì sự sẵn sàng và khả năng thực hiện các pha nguy hiểm chết người, những cú nhảy không hề sợ hãi của anh đã định nghĩa lại những điều không thể trong ngành. không ai khác có thể hoặc dám làm những điều đó vào thời điểm đó, vì vậy anh coi đó là cơ hội để tự tạo tên tuổi mình. Cuối cùng, công sức của anh đã được đền đáp.

Trở thành diễn viên đóng thế của Lý Tiểu Long

Trên con đường sự nghiệp của mình, Thành Long đã có cơ hội làm diễn viên đóng thế cho hai bộ phim của Lý Tiểu Long là Fist of Fury (Tinh võ môn) 1972, trong đó anh cũng có một vai nhỏ là một học sinh võ thuật Nhật Bản, và Enter the Dragon(Long tranh võ đấu) 1973. Anh thường hồi tưởng lại về sự ngưỡng mộ của mình đối với Lý Tiểu Long.

Có một lần, Lý Tiểu Long vô tình đánh vào đầu anh bằng một cây gậy khi đang quay phim. Nam diễn viên trẻ nhớ lại lúc đó anh chộp lấy cơ hội để giả vờ với thần tượng rằng anh đang bị đau nghiêm trọng, để Lý Tiểu Long chú ý đến mình càng lâu càng tốt. Vụ tai nạn này đã bắt nguồn cho một cuộc trò chuyện giữa hai diễn viên, sau buổi trò chuyện Lý Tiểu Long rất thích Thành Long.

Năm 1973, sau cái chết bi thảm của Lý Tiểu Long, Thành Long đã có được vai chính đầu tiên trong Little Tiger of Canton. Bộ phim chỉ được phát hành với số lượng giới hạn, dẫn đến lượng người xem không cao. Và Thành Long bấy giờ bắt đầu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc đóng thế và không thể tiến gần hơn đến giấc mơ trở thành ngôi sao Hollywood. Vì vậy, anh đã ngưng diễn xuất và đi đoàn tụ cùng bố mẹ tại Canberra, Úc.

Trong khi ở Úc, anh đăng ký học tiếng Anh tại Dickson College một thời gian ngắn và anh cũng kiếm được một công việc trong lĩnh vực xây dựng. Khi được hỏi về tên tiếng anh của mình, nam diễn viên người Hồng Kông đã trả lời bằng cái tên của người bên cạnh anh, Jack. Nhiều năm sau, anh đổi nó thành Jackie, và cái tên đó đã theo anh trên con đường sự nghiệp cho đến ngày hôm nay.

Đổi mới ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông

Năm 21 tuổi, Thành Long được mời trở lại Hồng Kông để tham gia bộ phim có tên New Fist of Fury (Tân tinh võ môn), do Lo Wei đạo diễn. Những công sức trước đây của anh cuối cùng đã được chú ý, và vì vậy, ngôi sao vừa nổi đã xuất hiện trong một chuỗi phim Kung Fu.

Nhưng không bộ phim nào thành công cả.

Thành Long bị tổn thương, đau khổ và buộc phải suy nghĩ lại về kế hoạch của mình. Anh quyết định không muốn trở thành người kế nhiêmj Lý Tiểu Long Anh mà anh muốn trở thành Thành Long đầu tiên .

Anh nhớ lại những hình mẫu thời thơ ấu của mình, những diễn viên hài như Charles Chaplin và Buster Keaton nên đã quyết định áp dụng hài kịch vào võ thuật. Thành Long đã đưa những tình huống hài hước vào những cảnh hành động và khiến chúng trở nên vui nhộn. Bằng cách này, thể loại Kung Fu hài đã ra đời.

Thành công lớn đầu tiên của anh là vào năm 1978 với Snake in Eagle’s Shadow (Xà quyền diệt độc ưng) và sau đó là Drunken Master, bô phim khiến anh suýt nữa bị mù trong lúc thực hiện một cảnh quay.

Bất kể chấn thương, Thành Long vẫn cảm thấy hạnh phúc vì anh được tự do sáng tạo theo cách của mình. Anh làm việc không mệt mỏi với các đạo diễn để tìm sự cân bằng giữa hài kịch và võ thuật. Quan điểm mới này tạo nên một luồn gió mới mẻ trong các bộ phim Kung Fu – và nhanh chóng khiến Thành Long nổi bật trong giới làm phim lúc bấy giờ.

Năm 1979, tác phẩm đầu tay của anh với vai trò đạo diễn đã ra mắt với cái tên The Fearless Hyena (Tiểu quyền quái chiêu), và nói đã tạo nên một tiếng vang lớn. Anh gia nhập một công ty sản xuất mới sau khi phá vỡ hợp đồng trước đây với Lo Wei. Có điều Wei không hề muốn để Thành Long đi, và đã nhờ đến Hội Tam Hoàng để ‘nói chuyện’ với anh.

Băng đảng tội phạm có tổ chức của Trung Quốc bắt đầu đe doạ cuộc sống hàng ngày của Thành Long. Từ việc bị bắn khi rời khỏi máy bay đến bị bao vây bởi 20 thành viên băng đảng khi đang ở nhà hàng, Thành Long bắt đầu lo sợ cho mạng sống của mình.

“Từ lúc đó tôi luôn mang súng theo bên mình mỗi khi đi ra ngoài.”

Bước vào Hollywood và thành công từ nỗ lực

Đến bây giờ, Thành Long là diễn viên được trả lương cao nhất ở Hồng Kông và đã đạt đến vị thế người nổi tiếng toàn châu Á. Anh quá nổi tiếng khiến Hội Tam Hoàng cũng phải nể và mối thù ngoài ý muốn sớm được giải quyết.

Vào những năm 1980, Thành Long với những thành công của mình đã giúp anh có toàn quyền kiểm soát các bộ phim của mình. Anh đảm nhận nhiều công việc hơn bất cứ ai trên trường quay, từ chỉ đạo đến thể hiện các bài hát. Nhưng Châu Á không phải là đích đến của Thành Long, anh muốn tiến xa hơn tại Hollywood.

Cùng năm đó, anh đến Hoa Kỳ để thử vận ​​may trong bộ phim Hollywood The Big Brawl. Tuy nhiên, thật không may, bộ phim đã không quá thành công. Và một số bộ phim sau đó mà anh đóng vai chính cũng vậy.

Kỹ năng tiếng Anh không mấy tốt của Thành Long đã không cho anh đi quá xa ở Hoa Kỳ. Vì vậy, anh trở về Hồng Kông và làm đạo diễn kiêm nhà sản xuất cho các bộ phim của riêng mình. Anh trở thành người trẻ nhất làm điều phối viên đóng thế, mở trường cho những người có cùng ước mơ như mình và tự đào tạo họ. Các phương pháp đóng thế sáng tạo của anh đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho phim Trung Quốc, mà cho đến ngày nay, thành công quốc tế của những bộ phim đó phần lớn là nhờ sự tiên phong của Thành Long.

Không nản lòng trong giấc mơ trở thành một ngôi sao quốc tế, anh tiếp tục trở lại Hoa Kỳ. Năm 1995, vai diễn của anh trong Rumble in the Bronx (Náo loạn phố Bronx) đã trở thành cánh cửa dẫn đến trái tim của khán giả Mỹ, mặc cho việc bị gãy mũi, xương gò má, ngón tay, đầu gối, vai, cằm, trật khớp xương chậu và nứt hộp sọ.

Kể từ đó, Thành Long đã tham gia một loạt phim bom tấn đưa anh vào danh sách các sao hạng A của Hollywood. Từ Rush Hour đến Kung Fu Panda, anh tiếp tục làm hài lòng khán giả trên toàn thế giới.

Tại quê hương Hồng Kông, anh tiếp tục làm những bộ phim mà anh biết sẽ làm hài lòng người hâm mộ, cách làm phim và tiếp thị sáng tạo cũng tạo tiền đề cho vô số phim hài hành động Trung Quốc theo sau.

Trong những năm qua, sự sáng tạo không mệt mỏi của Thành Long được thể hiện qua những bộ phim hành động và những đóng góp quý giá của anh với tư cách là một nhà văn, điều phối viên đóng thế, và thậm chí là ca sĩ. Nhìn lại quá trình từ tuổi thơ khắc nghiệt và vô số thất bại trong phim, Thành Long không thể không mỉm cười. Anh không hối tiếc bất kỳ điều gì, bằng cách này hay cách khác, tất cả đều truyền cảm hứng cho Thành Long để anh suy nghĩ khác biệt và làm việc chăm chỉ hơn.

Mặc dù Thành Long chưa bao giờ đi học đến nơi đến chốn, việc sử dụng máy tính cũng rất hạn chế nhưng anh không bao giờ ngừng học hỏi. Bây giờ anh có thể nói được bảy thứ tiếng, đóng góp hàng triệu đô la cho các hoạt động từ thiện, và là một doanh nhân sáng tạo với mong muốn làm việc tốt mỗi ngày.

Với nụ cười huyền thoại và chiếc quần jean sờn rách, sự đơn giản và thái độ “tôi có thể làm được”, Thành Long vẫn đầy sức quyến rũ. Anh chia sẻ thành công của mình cho hàng triệu người bằng vốn tiếng Anh không hoàn hảo mà anh tự học với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho mọi người để tiếp tục chiến đấu cho giấc mơ của họ. Khi được hỏi làm thế nào để một người có thể đạt đến vị trí như anh hiện tại, Thành Long mỉm cười và nói đơn giản,

“Never give up – Đừng bỏ cuộc”

Thanh Binh