Yi Long: Gã du mục đáng thương của võ thuật Trung Quốc

Chiến thắng của Yi Long trước Buakaw không được nhiều người đón nhận. Nhưng ở một khía cạnh khác, võ sĩ của Thiếu Lâm đáng thương hơn là bị chỉ trích.

Báo chí Trung Quốc: “Yi Long thắng bẩn”
Video: Chứng kiến Yilong bị Buakaw cho “ăn hành”, bạn gái Yilong chắp tay cầu nguyện

TỪNG SUÝT BỊ CHẾT ĐÓI VÌ HẾT TIỀN

Từ trước đến nay, võ thuật Thiếu Lâm vốn dĩ được biết đến qua các tiểu thuyết hay các bộ phim kiếm hiệp. Ở đó, Thiếu Lâm được “thần thánh hóa” với những tuyệt kỹ võ công khiến các môn phái khác phải khiêm nhường. Tàng kinh các được cho là nơi lưu giữ hầu hết tuyệt học võ thuật của Thiếu Lâm Tự. Nhưng ít người để ý rằng, những võ sư Thiếu Lâm bước ra từ môn phái truyền thống để thượng đài thường rất hiếm, thậm chí là không có. Nhưng Yi Long – một võ sĩ không phải Thiếu Lâm chính gốc lại dám mang cả nền võ học đi chiến đấu với nhiều môn phái khác nhau trên thế giới. Đó là điều đáng được tôn trọng.

Yi Long tên thật là Lưu Nhất Long, sinh năm 1987 tại vùng đất Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Từ khi còn bé, Yi Long có niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật. Cơ duyên võ thuật của anh đến từ người cha và chị. Lúc nhỏ, nhà Long nghèo, anh khá gầy gò, ốm yếu nhưng vì không có điều kiện nên Long không có cơ hội để theo tập võ.

Tất cả những gì anh học được chính là môn võ Judo từ người chị gái của mình. Có thể khẳng định, môn võ đầu tiên mà Yi Long tiếp xúc chính là Judo. Chị của Yi Long là vận động viên trong đội tuyển của địa phương, chị luôn mang những gì học được để truyền dạy lại cho cậu em trai ốm yếu.

Cuộc sống của Yi Long thuở nhỏ gặp nhiều khó khăn.
Cuộc sống của Yi Long thuở nhỏ gặp nhiều khó khăn.

Vào năm 2001, Yi Long đến Hà Bắc để quyết tâm theo đuổi con đường võ thuật của bản thân. Anh học bất kỳ nơi nào anh thích, nếu không hợp thì sẽ bỏ đi. Trong khoảng thời gian ngắn, Long đã đi qua nhiều tỉnh khác nhau như: Giang Tô, Hàn Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh… Ở mỗi nơi, mỗi môn phái, anh học được mỗi ít rồi tích góp kinh nghiệm cho riêng mình. Vì thế, có thể nói phong cách võ thuật của Yi Long rất đa dạng chứ không phải Thiếu Lâm chính tông như nhiều người lầm tưởng. Danh sách môn võ mà anh học được có thể kể đến: Judo, Vịnh Xuân, Thái Cực, đấu vật, boxing, Muay Thai và cả Jiu Jitsu.

Khi đến tỉnh Quảng Đông, Yi Long không còn tiền để theo đuổi giấc mơ. Đã có lúc tưởng chừng như anh gục ngã vì đói và khát. Nhưng bằng chính nghị lực của bản thân, anh không ngại làm thuê để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống tại miền đất võ Phật Sơn đã tôi rèn cho Yi Long bản lĩnh, khả năng chịu đựng với những cay đắng trong cuộc đời.

Năm 2007, lần đầu tiên cái tên Yi Long được vinh danh ở một giải đấu lớn. Đó là  chức vô địch Vịnh Xuân Quyền Phật Sơn, Quảng Đông.

Chức vô địch đáng quý của Yi Long.
Chức vô địch đáng quý của Yi Long.

Hành trình từ một cậu bé ốm yếu đến nhà vô địch Vịnh Xuân là chặng đường dài 20 năm gian khổ của Yi Long. Anh đã bước đi trên chính  đôi chân của mình với nghị lực phi thường của một người võ sĩ trẻ. Đó là điều rất đáng khâm phục. Ở một khía cạnh khác, Yi Long đáng thương và đáng được tôn trọng. Anh không có cơ hội rèn luyện võ thuật chuyên sâu như nhiều võ sĩ khác nhưng biết cách dung hòa giữa các môn phái và tạo nên thương hiệu riêng của mình.

“BIỂU TƯỢNG” THIẾU LÂM

Nói một cách công bằng, võ thuật mà Yi Long có được không xuất phát từ Thiếu Lâm chính tông mà chỉ là sự tổng hợp của nhiều trường phái võ thuật khác nhau. Yi Long thừa nhận rằng mình không phải là võ tăng Thiếu Lâm nhưng anh cũng nhấn mạnh là rất thích môn võ này và muốn quảng bá rộng rãi nó đến bạn bè trên toàn thế giới.

Truyền thông Trung Quốc quá thổi phồng về Yi Long.
Truyền thông Trung Quốc quá thổi phồng về Yi Long.

Vậy thì tại sao người Trung Quốc lại sùng bái và xem anh như một người hùng? Nhìn vào nền thể thao Trung Quốc trong nhiều năm qua, có những điều rất khó lý giải. Một đất nước hơn 1,4 tỷ dân nhưng chưa có một tên tuổi nào sáng giá trên sàn đấu võ thuật hiện điện như MMA, UFC. Mặc dù người dân nước này vẫn luôn tự hào là cái nôi của võ thuật. Võ thuật Trung Quốc chỉ là hư danh, được tâng bốc quá đà trong các bộ phim kiếm hiệp. Vì không có một võ sĩ tên tuổi nào xứng tầm để bước ra võ đài thế giới nên khi Yi Long có những chiến thắng trước các môn phái khác, ngay lập tức tên tuổi của anh nổi như cồn.

Khi mới bước chân vào võ thuật đối kháng, Yi Long lần lượt chiến thắng võ sĩ người Nga Caucasus Eagle, tiếp đến là võ sĩ boxing “dỏm” David Hayes. Davide Hayes thực chất là tay đấm rất tầm thường chứ không phải võ sĩ boxing lừng danh cùng tên. Giới truyền thông đã thổi phồng trận đấu này thái quá khiến nhiều người lầm tưởng về sức mạnh của Yi Long.

Võ sư Thiếu Lâm thường thách đấu với nhiều môn phái khác.
Võ sư Thiếu Lâm thường thách đấu với nhiều môn phái khác.

Vào năm 2013, Yi Long tiếp tục thắng Jin Min Young – nhà vô địch Taekwondo Full Contact thế giới người Hàn Quốc. Thực chất đây cũng chỉ là một võ sĩ vô danh, không có tiếng tăm trên đấu trường quốc tế. Tiếp đến, Yi Long chạm trán với Adrienne Grotte, đội trưởng lực lượng SWAT Arizona. Trận đó, Nhất Long bị hạ đo ván. Cả thế giới bàng hoàng khi biết tin Thiếu Lâm Công Phu bị đánh bại bởi một viên sĩ quan của Mỹ. Đến lúc này, nhiều người mới tỉnh ngộ và có cái nhìn khác về Lưu Nhất Long.

Người dân Trung Quốc sùng bái Yi Long, họ phong cho anh các biệt danh “Đệ nhất Thiếu Lâm”, “Cao thủ Thiếu Lâm”… thực chất chỉ là một cách ngưỡng mộ những gì anh đã làm được cái điều trước nay võ thuật Thiếu Lâm chưa ai làm được đó là bước vào đấu đối kháng ở các võ đài trên thế giới. Biểu tượng Yi Long cũng từ đó mà ra.

Hai trận đấu với Buakaw là minh chứng cho bản lĩnh của Yi Long so với các võ sĩ Trung Quốc khác.
Hai trận đấu với Buakaw là minh chứng cho bản lĩnh của Yi Long so với các võ sĩ Trung Quốc khác.

Hai trận đấu với Buakaw là hai kịch bản khác nhau. Ở trận đấu năm ngoái, Yi Long được thổi phồng lên đỉnh điểm. Cụm từ “trận đấu thế kỷ” thường xuyên được sử dụng một cách không thương tiếc. Xét về mối tương quan giữa hai võ sĩ thì khoảng cách vẫn còn khá chênh lệch. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau mà Yi Long – Buakaw được đẩy lên mức cao nhất.

Một trận thua và một trận thắng của Yi Long trước Muay Thai không đủ làm thuyết phục những người khó tính của nước này. Thua thì tức giận, thắng cũng tức giận. Yi Long cũng có nỗi khổ của riêng mình. Anh không quá mạnh như nhiều người vẫn lầm tưởng và thắng thua vốn dĩ không phải do anh quyết định. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, dư luận cứ đổ hết mọi tội lỗi lên Yi Long. Đó là điều không công bằng. Hình ảnh biểu tượng Thiếu Lâm do chính số đông người hâm mộ Trung Quốc đặt ra và cũng chính số đông đó quay qua chỉ trích..

Ở một khía cạnh nào đó, Yi Long đáng thương hơn là bị chỉ trích.
Ở một khía cạnh nào đó, Yi Long đáng thương hơn là bị chỉ trích.

Ở một góc cạnh nào đó, Yi Long giống như một quân cờ trong bàn cờ nhiều nước đi. Nhưng nó khác ở chỗ anh không có quyền chọn nước đi đúng hay sai mà phải trông chờ vào nhiều phía.

“Biểu tượng Thiếu Lâm” là danh dự cao quý. Yi Long đáng thương hơn là đáng trách, anh xứng đáng nhận danh hiệu đó với tất cả sự tôn trọng.

V.Đ – VoThuat.vn

https://youtu.be/DGM9UzuG9e0