“Học võ dễ như cách ta làm ruộng hằng ngày”

Quét sân, cuốc đất, cắt lúa, đào ao, phơi rạ…. Chính là những thao tác hình thành nên võ thuật.

Lão võ sư Phan Thọ qua đời
Võ Học Truyền Nhân: câu chuyện của võ sư Phan Thọ và Đào Thanh

Võ sư Phan Thọ, người tinh thông thập bát ban binh khí trường phái Tây Sơn võ thuật đạo, nổi tiếng với câu nói: “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”, được giới võ thuật mệnh danh là huyền thoại làng võ Bình Định.

phan-tho-2
Võ sư Phan Thọ.

Trước khi qua đời, tôi có dịp gặp mặt và được ông chỉ bảo về một vài thế võ ứng dụng hằng ngày thường gặp. Bóp cổ, nắm áo, giật đồ, đâm, chém… là những tình huống hằng ngày chúng ta vẫn gặp. Khi gặp tôi Võ sư Phan Thọ đã 88 tuổi nhưng ông vẫn còn quắt thước và nhanh nhẹn lắm. Chỉ một động tác tránh đòn sau đó là một thế triệt ông đã loại bỏ hết sức mạnh của một chàng trai to lớn mạnh khỏe như tôi.

Khi được hỏi tại sao tuổi đã xế chiều rồi nhưng ông vẫn có thể hóa giải các tình huống đơn giản đến vậy ông chỉ nói gọn lỏn ba từ “quen tay thôi”. Chỉ ba từ nhưng hàm chứa rất nhiều ẩn ý của vị võ sư đại thụ làng võ Bình Định bấy giờ.

Khi tôi vẫn còn mơ hồ chưa hiểu hết ý đồ của ông thì ông nhìn tôi cười và trải lòng một cách chân chất:“Nghe nói võ thì ai cũng nghĩ nó là cái gì đó ghê gớm lắm, nhưng thật ra nó giống như việc hằng ngày ta đi làm ruộng, quét nhà vậy. Phàm những công việc hằng ngày đều ẩn chứa bên trong là các phản xạ tạo ra các thế võ mà ta không hề biết đó thôi.”

“Chẳng hạn như cuốc đất thì trong võ là đòn bổ từ trên xuống, giật cuốc kéo ra sau tạo thành thế đâm sau, khi đất dính nhiều ta lại hắt qua một bên để đập cho ra đất thì tạo thành thế đỡ, thế cản hai bên, vung cuốc vác lên vai tạo thành thế bổ ra sau…anh thấy đấy có gì ghê gớm đâu? Chẳng qua ta làm nhiều lần lâu dần thành thói quen tới khi có chuyện bất ngờ quơ tay trúng thế thì đó là võ”. Nói xong ông cười rất sản khoái.

Thật vậy những thói quen công việc hằng ngày tưởng chừng như vô hại ấy dần dần hình thành nên các phản xạ tự nhiên có điều kiện, để khi có biến thì tự dưng biến thành công cụ bảo vệ cuộc sống con người.

Khi xưa các bậc tiền nhân trước khi dạy cho các môn đệ của mình một bài quyền nào đó họ thường dạy các thế võ ứng dụng trong bài quyền, sau khi đã thuần thục các thao tác thì mới tổng hợp hệ thống lại các thế võ tạo thành một bài quyền. Chính vì lẽ đó mà những cái tên như Bừa cào, Câu liêm, Roi, Đinh ba, Thiết phiến… là những vật dụng thường ngày mà các bậc võ nhân xưa kia hay sử dụng.

phan-tho-1
Võ sư Phan Thọ biểu diễn một thế võ cổ truyền.

Ngày nay trong thời đại kinh tế thị trường, cùng với sự năng động của thời đại. Cùng với đó là lối sống xô bồ, bon chen, thích thể hiện của không ít cá nhân đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Đôi lức ta không tránh khỏi những va chạm bất ngờ không lường trước, việc giữ trong mình một vài “ngón nghề” nào đó là điều cần thiết.

Võ thuật không phải là cái gì đó quá xa lạ, cao siêu đối với chúng ta mà nó rất gần gũi, bình dân và thân thiết lắm. Từng bước chạy, nhảy, ném, đẩy hằng ngày đó chính là bộ pháp, cước pháp, thủ pháp, thân pháp đấy thôi. Việc quan trọng là biến chúng thành một phản xạ để khi cần thì sử dụng hợp lý là được. ví dụ khi người ta tấn công thì ta chạy, người ta đánh dưới thì mình nhảy lên, đối phương ở xa thì mình ném, lại gần thì đẩy ra …

Tuy là vậy nhưng để có được những phản xạ như vậy là cả một quá trình khổ luyện về Thần, Khí, Lực, Nhãn… điều này thì không phải ai cũng có. Bản chất con người từ khi sinh ra và lớn lên có những giai đoạn thay đổi nhất định và Võ thuật cũng vậy lúc thịnh lúc suy, lúc phù hợp với tình huống này, khi lại không phù hợp với tình huống kia. “Học võ không khó, khó hay không là chúng ta có thực sự quen tay hay không”.

Võ sư đai đen BJJ đầu tiên tại Việt Nam Thọ Vũ: “Người Việt học BJJ như chơi cờ tướng” 

https://www.youtube.com/watch?v=yQP2VfpZT-8

Trung Quyền