Xét về “võ mồm” thì Khổng Minh còn thua nhân tài Việt mấy bậc

Lê Giốc là một trong những bề tôi tiết nghĩa nổi tiếng thời Trần, được truy phong tước hầu với danh hiệu rất lạ là “Mạ tặc trung vũ”.

Muay Thai kết hợp cùng hiphop tạo ra kungfu “bá đạo”
Võ công của “gã mặt lạnh” Trương Tấn đạt đến cảnh giới nào?

Người con của một mối tình kỳ lạ

Lê Giốc (hay Lê Bá Giốc), có sách chép là Lê Giác (? – 1378), quê ở làng Kẻ Rỵ, giáp Bối Lý, huyện Đông Sơn, lộ Thanh Hoa (nay là làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), vốn thuộc dòng dõi Thái sư Lê Văn Thịnh thời Lý – người “khai khoa” của nền khoa cử Nho học Việt Nam.

Lê Giốc xuất thân trong một gia đình khoa bảng danh tiếng, cha Lê Quát (tên khác là Lê Bá Quát) làm quan đến chức Thượng thư Hữu bật, nhập nội hành khiển (tương đương chức Thủ tướng ngày nay).

Tuy nhiên ít ai hay rằng cha mẹ của Lê Giốc có một mối tình rất đẹp. Chuyện kể rằng cha ông là Lê Quát do nhà nghèo quá nên không có điều kiện đi học, không biết chữ.

Mồ côi cha từ nhỏ, hai mẹ con chàng phải trú tạm trong một căn lều rách ở góc chợ, hàng ngày quét rác thuê nuôi thân, cái tên Lê Quát dường như chẳng ai nhớ đến, người ta chỉ quen gọi anh là chàng Quét hay anh Quét.

2-1480706990247
Từ anh quét chợ trở thành quan lớn. (Hình minh họa – Nguồn: sachxua.net)

Ở cùng làng Kẻ Rỵ có một viên quan đại thần về hưu, ông này chỉ có một cô con gái rất xinh đẹp, nhiều đám thuộc các gia đình quan lại, giàu có ướm lời nhưng cô gái đều khéo léo từ chối.

Một hôm cô gái đi chợ, gặp đám thanh niên con cái quan lại, những kẻ đã bị cô từ chối. Sẵn ôm mối tức giận, cả đám gọi anh Quét lại, xui anh đến xin cô gái miếng trầu.

Thấy chàng trai mặt mũi sáng sủa, vẻ thật thà nên cô gái nể tình mở túi lấy trầu cho chàng Quét. Đám công tử kia chỉ chờ có vậy đi khắp nơi rêu rao cô gái kiêu kỳ không nhận trầu cau của nơi môn đăng hộ đối, nay lại có tình ý với kẻ hèn mọn làm nghề quét chợ.

Chuyện đó chẳng mấy chốc đến tai quan đại thần, ông vô cùng tức giận, gọi con đến mắng, cho là làm thế nhục đến gia môn nên đuổi ra khỏi nhà.

Cô gái không biết đi đâu, cuối cùng đành tìm đến căn lều tồi tàn của mẹ con chàng Quét nói rằng:

– Chỉ vì cho anh miếng trầu mà tôi bị cha đuổi khỏi nhà. Có lẽ đó cũng là số phận gắn bó đôi ta, anh cho tôi được ở lại đây để hầu mẹ, hầu anh.

Từ đó, cô gái đảm đang, chăm lo quán xuyến mọi việc trong nhà, gia cảnh nghèo khó những cô không có lấy một lời than vãn.

Cô còn khuyên chồng tìm thầy học chữ. Nghe theo lời vợ, chàng Quét tìm đến một thầy đồ trong làng xin học.

Ban đầu Lê Quát vì mải chơi, không chú tâm đến bút nghiên, học rất tối dạ, sau nhờ vợ động viên, khích lệ nên đã cố công gắng sức học hành, chăm chỉ đèn sách nên trí tuệ dường như được đánh thức, học đâu hay đấy, học ngày càng hiểu, ngày càng nhập tâm.

Đến năm Ất Dậu (1345) đời vua Trần Dụ Tông, triều đình mở khoa thi Thái học sinh, Lê Quát tham gia ứng thí và đỗ đầu, làm quan lớn.

Sự thành đạt của Lê Quát ngoài nỗ lực của bản thân có góp phần công sức lớn của người vợ hiền thục, đảm đang. Bà còn sinh cho ông một người con trai tài năng, sau này trở thành tấm gương khí tiết nổi tiếng trong lịch sử, đó chính là Lê Giốc.

Bối cảnh thời Lê Giốc: Nhà Trần mất ngôi

Chính sử không ghi chép nhiều về Lê Giốc nhưng căn cứ vào Bản xã tiên hiền và Lê gia chính phả (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thì Lê Giốc học giỏi, đỗ đạt dưới triều vua Trần Hiến Tông.

Tài liệu này thì ghi ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi (1331), nhưng sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục lại viết ông đỗ Thái học sinh khoa thi năm Giáp Tuất (1334).

Thời vua Trần Nghệ Tông, khi đang giữ chức Tả tham chính, ông được vua phong làm An phủ sứ trấn thủ đất Nghệ An.

Bấy giờ nhân triều Trần đã suy yếu, Chiêm Thành ở phía Nam thường đem quân xâm lấn, quấy nhiễu; Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính để lên làm Thái thượng hoàng.

Hoàng đế kế nghiệp (tức Trần Duệ Tông) muốn diệt mối họa Chiêm Thành mới đem quân đi đánh nhưng thất bại, vua và nhiều nhiều quan tướng tử trận tháng 1 năm Đinh Tị (1377), hoàng thân Ngự Câu vương Trần Húc đầu hàng giặc.

Trước rừng gươm giáo vẫn hiên ngang không run sợ. (Hình minh họa – Nguồn: arthistory)
Trước rừng gươm giáo vẫn hiên ngang không run sợ. (Hình minh họa – Nguồn: arthistory)

Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông lập con Trần Duệ Tông là Trần Hiện lên ngôi (tức Trần Phế đế).

Năm Mậu Ngọ (1378), Lê Giốc được triệu về Thăng Long giữ chức Kinh doãn (Đại doãn kinh sư), chưa được bao lâu thì đến tháng 5 năm đó quân Chiêm Thành đánh chiếm Nghệ An, đưa Ngự Câu vương Trần Húc về làm vua để chiêu dụ dân chúng.

Đến tháng 6, quân Chiêm theo đường thủy tiến ra Bắc, đánh vào sông Đại Hoàng (là khúc sông Hồng chảy qua Hưng Yên và Nam Định; nay là ngã ba Tuần Vương).

Quân Trần chống không nổi, nhân thế quân Chiêm đánh vào kinh thành Thăng Long; Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mang vua cháu là Trần Phế Đế bỏ chạy, quan Kinh doãn kiêm An phủ sứ Lê Giốc bị quân Chiêm bắt được.

Gương sáng cho đời sau

Sách sử cho biết như sau: Tháng 6, giặc đánh vào sông Đại Hoàng, vua sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đi chống giữ. Quan quân tan vỡ. Giặc liền đánh vào kinh sư, bắt người cướp của rồi rút về. An phủ sứ Lê Giốc bị giặc bắt.

Giặc buộc Lê Giốc phải lạy, Giốc trả lời chúng:

– Ta là quan của nước lớn, sao phải lạy chúng mày!

Giặc nổi giận, giết ông. Giốc luôn miệng chửi chúng. Việc này tâu lên, Giốc được truy phong là Mạ Tặc Trung Vũ hầu (nghĩa: trung dũng chửi giặc), cho con ông là Nhuế làm Chánh chưởng bốn cục Cận thị chi hậu (Đại Việt sử ký toàn thư).

Theo dã sử, quân Chiêm đưa Ngự Câu vương Trần Húc đến lôi kéo Lê Giốc hàng phục, ông khinh bỉ mắng nhiếc khiến Trần Húc hổ thẹn phải bỏ đi.

Tướng Chiêm bắt ông quỳ lạy, bị ông chửi không ngớt miệng, chúng tức giận trói ông vào cột, chất củi thiêu sống. Lửa càng to, lời chửi vẫn vang dội, cho đến khi ông chết mới thôi, làm giặc phải khiếp vía.

Tương truyền khi tiếng chửi vừa dứt thì Lê Giốc cưỡi khói bay lên, chứng kiến cảnh lạ lùng ấy, quân Chiêm cho là người trời lấy làm kinh sợ vội quỳ xuống bái lạy.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí cũng chép chuyện về Lê Giốc, xếp ông là một trong 7 bề tôi tiết nghĩa đời Trần nhưng cho rằng ông bị quân Chiêm bắt và giết ở Nghệ An.

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư sử thần triều Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên có lời khen ngợi Lê Giốc: ” Bỏ sống đễ giữ nghĩa còn hơn là sống; cầu sống mà nhục, người quân tử không làm. Kinh dịch nói: Người quân tử thà hy sinh tính mạng để thực hiện chí hướng của mình. Giốc là người như vậy”.

Theo Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức triều Nguyễn đọc sử cũng có thơ vịnh về sự trung nghĩa của Lê Giốc như sau:

Đời mạt văn tàn võ chẳng trau,

Quân thua một trận thật là đau.

Chỉ đem tấc lưỡi la quân giặc,

Để tiếng ngàn thu “Mạ tặc thần”.

Sau khi truy phong tước hiệu cho Lê Giốc, triều Trần còn sai lập đền thờ phụng, các triều đại sau đều sắc phong ông là phúc thần.

Ngày nay, ở làng Kẻ Rỵ vẫn còn đền thờ Lê Giốc, ông được dân chúng tôn là Tiên hiền với duệ hiệu là: “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, Mạ tặc trung vũ hầu Lê tướng công”. Trong đền thờ có đôi câu đối rằng:

Mạ tặc trung thần thanh vạn đại,

Thượng thiên ánh tuyết bạch tam quan.

Nghĩa là:

Trung thần chửi giặc tiếng lưu vạn đại,

Ánh hào quang trên trời vẫn rọi chiếu cửa đền.

Ở một vế câu đối khác sau này cũng có nhắc đến ông: “Trần triều Lê Mạ tặc hầu vi trung vi hiếu” (Nghĩa là: Triều Trần, ông hầu họ Lê chửi giặc nên trung nên hiếu).

Một câu khác thì ca ngợi cha của ông là Lê Quát và niềm vẻ vang của gia đình ông như sau:

Thi như đôn nghiệp thiện thuận dật tiền nha,

Trung hiếu truyền gia triệu bồi lưu hậu trạch.

Nghĩa là:

Văn thơ nức tiếng người đời ai cũng biết,

Trung hiếu gia đình còn lưu mãi về sau.

Lời bình

Thời Tam Quốc ở phương Bắc có chuyện Khổng Minh chửi đến chết tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy, nổi tiếng muôn đời, nhưng xem ra còn thua xa chuyện “Thần chửi giặc” trong sử Việt.

Bởi Khổng Minh chỉ làm cho một tên quan hộc máu mà chết, đâu thể như Lê Giốc, khiến cả ngàn vạn tên giặc kính sợ mà bái quỳ!

theo Trí Thức Trẻ