Tết Bính Thân, thăm truyền nhân võ khỉ

Môn phái võ dựa trên các động tác của loài khỉ, ngoài “Đại Thánh bát quái môn” còn có Hồng phái Hầu Quyền đạo ở Việt Nam cũng rất nổi tiếng.

5 truyền nhân tài giỏi nhất của Triệt Quyền Đạo hiện nay
Lý Tiểu Long tìm ra Triệt Quyền Đạo như thế nào?

Ngoài võ sư chưởng môn, một người khác trong môn phái này thông tuệ Hầu quyền, là võ sư phó chưởng môn Nguyễn Văn Anh (63 tuổi, ngụ TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Sáng một ngày giáp con khỉ, chúng tôi tìm đến thăm võ sư “môn phái khỉ” Nguyễn Văn Anh (phó chưởng môn phái Hầu Quyền đạo, kiêm trưởng môn Hầu Quyền Đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Trên căn gác gỗ cổ kính tại nhà riêng ở đường Bến Nghé, vị võ sư ngồi nơi bộ tràng kỷ cổ thưởng trà, mắt chăm chú đọc cuốn sách võ thuật, xung quanh là những tủ kệ trưng bày các binh khí cổ từ thuở tổ tiên mang gươm đi mở cõi. Không gian như bao bọc màu xưa cũ rêu phong.

Bỏ võ hiện đại, đi theo võ cổ truyền

VS. Nguyễn Văn Anh biểu diễn thế Hầu thủ thâu đào.
VS. Nguyễn Văn Anh biểu diễn thế Hầu thủ thâu đào.

Võ sư Văn Anh đam mê võ thuật từ khi còn rất nhỏ. Mới hơn 10 tuổi cậu bé đã đạp xe khắp các võ đường bái sư học võ. Lần đầu bén duyên với võ thuật, ông chọn Judo, sau một thời gian lại chuyển sang Taekwondo.

Rồi nếu không “nhờ” vào một “biến cố” thời sinh viên, có lẽ ông không có cơ duyên đến với môn phái võ cổ truyền độc đáo. Vị võ sư nhớ lại, ngày đó ông đang là sinh viên năm hai của một trường đại học tại Huế, có người bạn ở cùng nhà. Hai người rất thân, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, đến trường cùng nhau, nhưng đam mê võ thuật lại hoàn toàn trái ngược.

Trong một lần cả hai thách đấu so tài cao thấp, người bạn thân đã khiến cậu sinh viên Nguyễn Văn Anh thua tan tác. Bạn ông là dòng dõi triều nhà Nguyễn, học võ gia truyền từ nhỏ, trong khi ông lại theo dòng võ hiện đại.

Nhận thấy ưu điểm của võ cổ truyền, lại thêm tuổi trẻ không cam tâm chịu thua, ông quyết tâm tìm đến các lò võ cổ truyền, bí mật “tầm sư học đạo”, giấu biệt không để bạn hay biết.

Sau một năm khổ luyện, người bạn của ông ngỡ ngàng khi lần giao đấu sau đó lại thúc thủ trước chính những miếng võ cổ truyền. Tình bạn cũng từ đó không còn keo sơn như xưa.

Ông kể buồn lắm khi nhận ra không phải ai học võ cũng đều có tinh thần thượng võ. Từ khi nhận ra võ cổ truyền dân tộc có quá nhiều thế võ hay, ông càng chuyên tâm nghiên cứu, luyện tập.

Năm 1973, ông đã là võ sư của Vạn An phái. Đam mê võ cổ truyền vẫn không ngừng chảy trong huyết quản của người thanh niên trẻ tuổi, ông tiếp tục nhập môn phái Thiếu Lâm Bắc phái Vi Đà và trở thành võ sư của phái này sau năm 1975.

Năm 1979, ông tình cờ gặp gỡ võ sư Hoàng Thành. Cuộc gặp này mở cánh cửa để ông đặt chân vào môn phái Hầu quyền tại Việt Nam. Võ sư Văn Anh nhớ lại, lần đầu ông gặp võ sư Hoàng Thành là dịp lễ 2/9, thông qua sự giới thiệu của võ sư sáng lập võ phái Thiếu Lâm Nam Sơn.

Lúc bấy giờ, ông đang phụ trách phong trào Thể dục Thể thao của Thành Đoàn Huế, còn võ sư Hoàng Thành là công nhân viên xí nghiệp ô tô 3 Bình Trị Thiên. Trong buổi lễ chào mừng ngày Quốc khánh năm đó, võ sư Hoàng Thành biểu diễn bài Hầu quyền vô cùng đẹp mắt.

Với con mắt tinh tường của người nhiều năm nghiên cứu võ học, vị võ sư trẻ tuổi nhận ra ngay đó là một bài quyền thực thụ về con Khỉ, chứ không phải là những thế múa may bay nhảy mô phỏng những động tác giả Khỉ như ông vẫn thường thấy.

Cảm nhau vì cái tài, thân nhau vì có chung niềm đam mê võ thuật, hai võ sư trẻ tuổi nhanh chóng kết nghĩa huynh đệ, rồi cùng nhau xây dựng phong trào võ thuật tại Huế.

Những ngày tháng ở chung nhà, gần gũi luyện tập, biểu diễn võ thuật, võ sư Văn Anh phát hiện võ sư Hoàng Thành biểu diễn thêm rất nhiều bài Hầu đẹp mắt, nhất là bài Hầu Vương quyền có tính lý luận cao và tính chiến đấu hoàn hảo.

“Hai anh em đã ngồi lại với nhau, soạn năm bài cơ bản quyền cương có tính phổ cập và tổng hợp để làm những bài căn bản mở đầu cho môn phái Hầu Quyền Đạo. Đây chính là bước khởi đầu để võ sư Hoàng Thành lập phái lấy tên Hồng Phái Hầu Quyền Đạo”, võ sư Văn Anh nhớ lại.

Bước qua lời “thề độc”

Khoác lên người bộ võ phục màu đen, thắt dây đai đỏ rực, võ sư Văn Anh thi triển cho khách chiêm ngưỡng một bài Hầu quyền với những động tác biến hóa khôn lường.

Những đường quyền lúc nhanh lúc chậm, khi nhu khi cương, lúc dũng mãnh tựa khỉ đột, lúc co người thủ thế như đười ươi, lúc né đòn nhanh nhẹn như khỉ đu cây… biến hóa linh hoạt đến chóng mặt.

Hoàn thành xong bài quyền, mặt vị võ sư vẫn không hề biến sắc, chẳng có bất cứ giọt mồ hôi nào đọng lại trên trán. Ông chia sẻ, loài khỉ bay nhảy trong không gian rất linh hoạt, các động tác lại phối hợp nhịp nhàng.

Hoạt động liên tục nhưng chúng lại không biết mệt, bởi trong ý có khí, mặt không biến sắc bởi biết cách điều hòa hơi thở. Người học Hầu quyền, chỉ cần ngộ điều này thì thi triển trăm chiêu thức mà không thấy mệt.

Ông giải thích, Hầu quyền là môn võ dựa theo thần thái, động tác, kỹ thuật chiến đấu của loài Khỉ, được gọi là hình tượng quyền.

Trong 10 con vật đi vào quyền thuật gồm Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc, Sư, Tượng, Mã, Viên, Điêu, thì con Khỉ hay còn gọi là Hầu quyền được xếp vào hàng thứ chín.

Hầu quyền chú trọng vào các kỹ thuật như nhảy, đu, nhào lộn, bắt chụp nên đòi hỏi người sử dụng phải phối hợp thân pháp, thủ pháp, cước pháp linh hoạt, nhẹ nhàng và phải có sự nhạy cảm tuyệt vời của đôi mắt.

Người luyện Hầu quyền cần phải nắm bắt được nguyên lý hoạt động của loài Khỉ, đó là thả lỏng cơ, không gồng, không rung, mới có thể đạt được kết quả tốt.

Khi đánh, hệ thống gân cần buông lỏng, các khớp phải hoạt động linh hoạt như xoắn khớp, rảy khớp, ngắc khớp, ép khớp, dồn khớp, căng khớp.

Với nguyên lý lấy nhu thắng cương, né tránh linh hoạt và tấn công hiểm hóc, chiêu thức trong Hầu quyền thường nhắm đến các yếu huyệt của đối phương để tấn công, khiến Hầu quyền trở thành một trong những bộ môn quyền thuật hiểm hóc nhất, đồng thời cũng khó học nhất.

Theo Hà Lê – Phapluatplus.vn