Cà Phê Võ Thuật: Dân Việt mê thách đấu võ hay chỉ tò mò “hóng hớt”?

Chưa bao giờ làng võ (và cả ngoài làng võ) Việt lại có thể dễ dàng sôi sục chỉ vì một vài người như thế. Có thể nói, vụ việc “Flores và những kèo thách đấu” xứng đáng được bình chọn là sự kiện võ thuật nổi bật nhất năm 2017.

Những trận đấu của Flores chỉ là đánh lộn đường phố?

Cung Lê tuyên bố: “Flores chỉ giỏi chỉ bắt nạt người già”

Nhưng chúng ta thực sự có gì đằng sau hàng trăm bài viết đổ dồn mọi góc nhìn về vụ việc này? Chúng ta có được gì sau hàng ngàn dòng chia sẻ, bình luận trên Facebook, hàng triệu view và like về các clip đấu, các bài viết?

Hôm nay, tôi đếm được 15 người nhắn tin tôi trên Facebook để hỏi thăm về vụ “Flores và chưởng môn Kiệt”, bằng một nửa hôm qua và tôi đang rất mong con số này giảm xuống vào ngày mai. Cần phải nói rõ rằng tôi chỉ là một người bình thường, có một cái Facebook gồm cả những người bạn cùng chơi võ và những người bạn bình thường. Điều thú vị rằng khoảng 95% những người nhắn tin tôi hỏi về những vụ thách đấu của Flores đều nằm trong nhóm “bạn bình thường”, chứ không phải bạn chơi võ.

Trận thách đấu được quảng cáo rùm beng hàng tháng trời nhưng rốt cuộc diễn ra với chất lượng chuyên môn quá thấp.

Và khi tôi bắt đầu nhân con số lên khi nhìn vào các fanpage, các trang báo lớn lần lượt bị cuốn vào “bão Flores”, tôi nhận ra một điều bất ngờ rằng chúng ta không hề thực sự quan tâm đến khía cạnh chuyên môn võ thuật của vụ việc. Công bằng mà nói, vẫn có một số ít người bình luận về trình độ, về kỹ năng của Francois Flores, võ sư Đoàn Bảo Châu, của chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt. Người khen hay – kẻ chê dở nhưng chí ít đó là một lời bình luận liên quan thực sự đến khía cạnh võ thuật, ít ra đã có người từng nhận định rằng võ sư Đoàn Bảo Châu có bước di chuyển quá yếu ớt so với danh xưng võ sư Karate, có người đã công khai cho rằng Flores chỉ có thể áp đảo được tình huống nhờ sự chênh lệch thể trạng.

Và đó là thiểu số. Còn đa số quan tâm đến điều gì? Sự giải trí. Thẳng thắn mà nói, những ngày tháng lùm xùm này của làng võ cơ bản chỉ là mục tiêu giải trí của đa số những người quan tâm. Họ đã từng biết đến một Nam Huỳnh Đạo với những video clip mà họ cảm thấy “sai sai”. Kế đến, họ biết đến một người bay gần nửa vòng trái đất đến Việt Nam để tháo gỡ những khúc mắc đó, đồng thời “tiện đường” gây ra vụ lùm thách đấu và đả bại hai võ sư ở cái tuổi tóc muối nhiều hơn tiêu. Mọi thứ dần trở nên căng thẳng khi Nam Huỳnh Đạo liên tục có những động thái “né kèo”, còn Vịnh Xuân Nam Anh có sự nhập cuộc của chính chưởng môn. Mọi thứ diễn ra như một cuốn phim, một tập truyện và đương nhiên là một cuốn phim, một tập truyện hành động không cần khán giả phải quá quan tâm tới chuyên môn của nó.

Một cú đá gây knock-out phải chăng là đã quá đủ để khiến cả làng võ sục sôi, dù xung quanh nó là rất nhiều chi tiết thiếu chuyên môn.

Người ta có chuyện để bàn tán, bấy nhiêu là quá đủ cho một “bão” dư luận hình thành. Một cách chủ quan, tôi cho rằng chúng ta đang thực sự “hóng hớt” câu chuyện mâu thuẫn giữa Flores và môn phái Nam Huỳnh Đạo hơn là các vấn đề chuyên môn của nó, và tôi mong sẽ tìm thấy bằng chứng rằng tôi không phải người duy nhất nghĩ vậy.

Nếu chúng ta chỉ đơn giản quan tâm đến sự “thách đấu”, tôi cam đoan rằng làng võ Việt có rất nhiều câu chuyện còn ly kỳ hơn thế này, chỉ là chúng ta chưa biết đến, chỉ là ánh mắt truyền thông chưa “soi” trúng những điều đó. Câu chuyện mà tôi sắp kể cho quý độc giả là một ví dụ điển hình.

Nhiều người hiếu kỳ đến tận đình Nam Chơn để đợi xem cuộc thách đấu mà có lẽ nó sẽ không bao giờ diễn ra.

Làng Boxing Việt Nam chắc chắn sẽ nhớ đến hai tên tuổi đã “so cựa” nhau suốt bao nhiêu năm qua các hệ thống giải: đó là Trần Văn Thảo và Huỳnh Ngọc Tân. Có những võ sĩ bắt đầu và kết thúc mùa giải bằng cuộc chạy đua thứ hạng, nhưng riêng hai tay đấm này ngoại lệ. Họ sinh ra là dành cho những trận chung kết.

Let’s Viet 2013, chàng trai sinh năm 1992 đầy kiêu hãnh Trần Văn Thảo “dừng cuộc chơi” trước tay đấm Quân đội Huỳnh Ngọc Tân, người được làng Boxing “mặc định” gọi tên như nhà vô địch của hạng cân 49kg.

Văn Thảo đã “săn” ngôi vô địch đó, hay nói đúng hơn là trực tiếp nhắm thắng đến đối thủ Ngọc Tân để “đoạt ngôi”. Bùi Trọng Thái, Phạm Công Hưng, Lê Đức Phú, Hồ Ngọc Tuấn… những cái tên tài năng và đầy triển vọng ấy lần lượt trở thành bàn đạp cho hai tay đấm hàng đầu này hướng tới những trận chung kết.

Nhưng Văn Thảo chưa bao giờ làm được điều mình muốn. Đánh bại nhiều đối thủ, dần dần có nền tảng để trở thành một trong những tay đấm Boxing nhà nghề đầu tiên của Việt Nam… nhưng ngôi vương Ngọc Tân vẫn còn đó để thách thức kẻ chinh phục. Mùa giải Let’s Viet 2015 tiếp tục khép lại với trận Chung kết mà người ta không thể nghĩ đến hai cái tên khác ngoài Văn Thảo và Ngọc Tân. Kết quả vẫn thế.

Hai lần thất bại dưới tay Huỳnh Ngọc Tân là những cột mốc đáng nhớ nhất sự nghiệp Văn Thảo – sự nghiệp của kẻ chinh phục.

Đó không chỉ đơn giản là một cuộc thách đấu truyền thông. Đó là lời thách thức thầm lặng kiểu võ sĩ chân chính. Đó là mồ hôi, máu và nước mắt tính bằng tháng bằng năm mà họ đổ ra thay những bức chiến thư khích bác nhau. Họ không ru ngủ nhau bằng những lời tế nhị sáo rỗng mà nhắm thẳng nắm đấm vào mặt nhau – nắm đấm giữa kẻ chinh phục và kẻ bảo vệ thời đại của mình. Nắm đấm của những tay đấm hàng đầu.

Năm 2016, Trần Văn Thảo hoàn thành bước đầu tiên của nhiều ước mơ lớn trong đời như tham gia Boxing chuyên nghiệp, chuyển lên hạng cân 52kg và ngay lập tức đoạt đai vô địch Boxing Let’s Viet, dễ dàng hệt như ngôi vô địch đó đã nằm yên chờ anh suốt 3 năm nay, 3 năm anh thách thức Huỳnh Ngọc Tân. Hạng cân 49kg nằm lại đó – vẫn với những tài năng đầy triển vọng. Không chắc Văn Thảo có trở lại hạng cân này hay không, nhưng chắc chắn anh đã bỏ nó lại với sự hụt hẫng của những người xem chân chính. Vẫn có người mong muốn xem lại “kèo” đấu kinh điển giữa Văn Thảo và Ngọc Tân. Người ta bắt đầu nhận rằng Thảo đã từng đeo đuổi ngôi vị của Ngọc Tân một cách dai dẳng và lỳ lợm như thế nào. Người ta nhớ rằng hạng cân 49kg đã từng căng thẳng (đối với người hâm mộ) như thế nào, và đã từng tuyệt vọng (với các võ sĩ top dưới) như thế nào.

Đây không phải cuộc thách đấu kiểu bạn là một ai đó xa lạ, bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam và nói “Tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy một vài điều không thật” – những điều mà lẽ ra… ai cũng biết rồi. Đây là cuộc đối đầu thầm lặng, ít camera, it những bài báo chạy vòng ngoài kiểu như “con ông này xinh đẹp như thế nào” hay “anh trai ông kia hiển hách như thế nào”. Đây là cuộc đối đầu của “võ thật” (xin nhắc lại: võ thật, và tôi không viết thiếu chữ U nào đâu). Nó kiểu như: “Anh cứ ngồi yên đấy. Tôi không chỉ trích hay “bóc phốt” anh trên báo đâu. Anh chỉ đang ngồi ở ngôi vị mà tôi muốn, và tôi sẽ đến đó và cố gắng lấy được nó”.

Đây là một trong những câu chuyện thú vị và đáng nhớ nhất mà tôi được biết về làng võ thuật đối kháng. Thực tế cá nhân tôi cũng yêu mến cả hai võ sĩ, và tôi cũng có lựa chọn cho riêng mình mỗi khi có người hỏi tôi muốn… cá độ cho trận tiếp theo của cả hai. Vấn đề là, tôi tự hỏi vì sao nó không tạo được sức hút như Flores. Phải chăng nó thật quá? Phải chăng nó ở một trình độ quá cao mà không phải độc giả nào cũng đủ hiểu để quan tâm? Phải chăng nó không phải một thứ mà chúng ta có thể đem ra bàn cafe, nói với những người bạn khác và lâu lâu cười ầm lên vì  một chi tiết nào đó?

Từ khi nào mà máu của võ sĩ rẻ hơn những chiêu trò truyền thông?

Tôi có hay nói chuyện với Văn Thảo (xin phép dùng tư cách cá nhân một chút, giống như những bài Cà Phê Võ Thuật khác), và thừa hiểu anh không mấy hứng thú với câu chuyện của Flores. Bản thân tôi không cho rằng vụ việc của Flores xứng đáng để đem ra so sánh với sự nghiệp của Văn Thảo, của Ngọc Tân cũng như cuộc đối đầu giữa họ. Tiếc rằng cuộc sống này không có khái niệm công bằng, và ngoài kia vẫn có rất nhiều võ sĩ của chúng ta – những con người mang thực tài mà không được quan tâm, đơn giản vì họ làm người ta thấy hứng thú, vì họ không thách đấu người này, không “kể tội” người kia.

Có những cuộc thách đấu mang tính chuyên môn cao giữa con người hàng đầu làng võ, và nó diễn ra thường xuyên, công khai. Có lẽ cũng chính vì điều đó mà khán giả xem rẻ nó?

Để kết thúc bài viết này, bài viết mà tôi đã cố tình đặt nó vào mục “Cà Phê Võ Thuật” để có thể viết thoải mái ngoài giới hạn của một bài báo đưa tin nghiêm túc, để có thể nói lên một số suy nghĩ cá nhân, tôi xin phép nhắc lại một đoạn trò chuyện của tôi và Văn Thảo:

“Này anh Thảo, anh có thách đấu ai không?”

“Có, mỗi ngày. Tôi thách đấu với tôi của ngày hôm qua. Thường là tôi của hôm nay, “tôi” của sự tiến bộ sẽ thắng. Và chúng ta cũng nên vậy. Nên thách đấu với chúng ta hàng trăm, hàng ngàn lần trên tấm thảm ướt đẫm mồ hôi để thực sự có một cuộc “thách đấu” cho ra hồn khi nhắm đến một người khác”.

Hồ Võ