Phượt Võ: Hàn Quốc và những khán đài vắng

Trong những miền đất Võ mà chuyên mục Cà Phê Võ Thuật từng “Phượt” qua, Hàn Quốc là một trong những nơi để lại ấn tượng nhiều nhất. Có rất nhiều thứ để giải thích về sự ấn tượng đó, nhưng không phải điều nào cũng hào nhoáng và vui nhộn. Có những câu chuyện buồn, buồn đến đáng cảm kích.

Du lịch võ thuật: Taekkyeon – tìm bình yên giữa đại ngàn Chungju

Một vòng tham quan Viện bảo tàng võ thuật thế giới Chungju

Tôi (CPVT) từng có duyên tham dự một số sự kiện võ thuật ở Hàn Quốc, từ những cuộc biểu diễn võ thuật ở nhà hát thành phố miền núi Chungju cho đến Giải Vô địch Ssireum Quốc gia (Ssireum là môn vật cổ truyền của người Hàn). Một trong những điều đầu tiên khiến tôi giật mình thốt lên: “Sao vắng thế!”

Giải Vô địch vật Ssireum Hàn Quốc được tổ chức rất bài bản, công phu…
…nhưng chỉ có 2/4 khán đài có người ngồi, và mỗi khán đài đó chỉ lác đác các VĐV, khán giả là bạn bè hay đồng đội của VĐV.

Thực ra ở Việt Nam tôi đã từng ngồi xem những giải đấu vắng hơn rất nhiều, những giải võ thuật cấp toàn thành TP.HCM hay các giải tỉnh lẻ chẳng hạn. Khái niệm “vắng” ở đây còn phải so sánh với những gì người ta bỏ ra cho một giải đấu, quy mô tổ chức chẳng hạn.

Tôi đã từng tham gia nhiều sự kiện võ thuật lớn ở Việt Nam như Thai Fight, Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016. Quy mô tổ chức của những giải võ thuật ở Hàn Quốc cũng tương tự như vậy, một hệ thống chuyên nghiệp và bài bản từ sắp xếp khán đài, âm thanh, ánh sáng, nhân viên tổ chức, các công đoạn quảng bá giải đấu…

Đông đảo quan chức quốc gia và địa phương đến tham dự lễ khai mạc Đại hội Võ thuật mở rộng quốc gia…
…nhưng hãy nhìn lên các khán đài.

Nhưng, nếu như Thai Fight Việt Nam và Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016 đã chật kín chỗ ngồi thì nhiều giải võ thuật Hàn Quốc lại không được yêu mến như thế. Thực tế cũng có một số sự kiện được quan tâm, cũng có những sự kiện chịu cảnh “chùa bà Đanh”.

Một điều đặc biệt nữa, điều mà tôi hết sức nhấn mạnh: điều đập thẳng vào mắt tôi, vào ký ức của tôi về làng võ Hàn không phải những khán đài vắng, mà cách người ta làm việc bên cạnh những khán đài đó. Đèn vẫn phải sáng, âm thanh vẫn phải đầy đủ, camera quay chậm vẫn phải sẵn sàng, các võ sĩ vẫn phải bước ra sàn đấu trịnh trọng trên thảm đỏ, nhưng không phải với tiếng reo hò của khán giả.

Cách những người tổ chức và VĐV tập trung vào sự kiện khiến khán giả không khỏi nhói lòng giữa những khán đài vắng.

Trong một khoảnh khắc tôi ngồi trên khán đài vắng, nhìn xuống nơi những người nhân viên tổ chức sự kiện của giải đấu gọi nhau bằng bộ đàm, hiệu chỉnh từng góc máy quay, từng chiếc đèn trang trí… một phong cách chuyên nghiệp và hết sức tận tụy, khoảnh khắc đó nằm lại trong suy nghĩ tôi như một cú sốc thực sự. Vấn đề không còn nằm ở câu “Vì sao vắng đến thế?”, mà là “Vì sao họ vẫn có thể tận tụy làm việc đến thế?”

Hàng trăm người dân đến tham dự một sự kiện nhỏ được tổ chức tại Công viên Võ thuật Thế giới (Chungju, Hàn Quốc).

“Tùy theo môn võ, sự kiện, thời điểm và nơi tổ chức mà sự kiện có thể thu hút khán giả được hay không. Chỉ riêng giải Vô địch vật Ssireum quốc gia, tôi cũng đã thấy nhiều lần tổ chức đông nghẹt khán giả, nhưng cũng có lần vắng đến mức này. Nhưng chúng tôi không quan tâm điều đó. Ít người chúng tôi vẫn phải làm, đó trách nhiệm với sự phát triển của môn võ” – Kim Sa Boo, HLV vật Ssireum, giảng viên Khoa học thể thao của ĐH Yong-in chia sẻ với khách nước ngoài tại Giải vô địch Ssireum Hàn Quốc mở rộng 2016, được tổ chức ngay giữa lòng thủ đô Seoul.

Võ sinh toàn Hàn Quốc vẫn nhiệt tình tham gia những giải đấu, dù nó đông hay vắng khán giả

Có lẽ tính người Hàn người thế. Kể cả những người anh em miền Bắc của họ, dù những biến cố lịch sử khiến họ thuộc về 2 quốc gia khác nhau, họ đều chung một cá tính hết sức “rộng tay” với những công tác xã hội. Còn nhớ một bài báo nào đó nói về những tuyến đường cao tốc dọc ngang Triều Tiên đã trích lời hướng dẫn viên Triều Tiên: “Những con đường này tốn rất nhiều tiền của nhưng cần thiết. Trên đất nước này, anh đừng nói về việc “ngại chi tiêu” cho những vấn đề thế này”.

Môn sinh của Tổ đường Taekkyeon Hàn Quốc tham gia biểu diễn phục vụ người dân tại nhà hát Thành phố Chungju. Taekkyeon là môn võ duy nhất của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

CPVT chưa có dịp tìm hiểu về thể thao Triều Tiên, nhưng đã có duyên tìm hiểu KISS (Viện nghiên cứu khoa học thể thao Hàn Quốc), biết đến KSPO (Quỹ phát triển thể thao Hàn Quốc), nguồn quỹ đã trợ cấp cho rất nhiều sự kiện võ thuật, bất chấp những khán đài vắng, bất chấp những sự kiện chắc chắn không thể thu được lợi nhuận truyền thông hay giải trí. “Bây giờ chưa có người xem thì sau này sẽ có. Nhưng nếu không duy trì được nó thì sẽ không có tương lai, không có “sau này”, không có gì cả. Đây là việc mà dù lỗ, dù phải đổ tiền ra làm, chúng ta vẫn phải làm cho đàng hoàng” – một nhà tổ chức sự kiện đã phát biểu như thế bên lề lễ khai mạc Đại hội Võ thuật Hàn Quốc.

Ngoài võ thuât, quỹ hỗ trợ thể thao Hàn Quốc KSPO còn tài trợ tình nguyện cho rất nhiều môn thể thao.

Tôi rời Hàn Quốc, rời những khán đài vắng mà tôi từng lặng người ngồi yên đó, không phải để xem người ta thi đấu mà xem cách người ta làm võ. Một cách làm hết sức liều – nếu xét trên khía cạnh kinh doanh, nhưng cũng hết sức chân tình, hết sức đáng học hỏi. Tôi nhớ về những sự kiện võ thuật ở Việt Nam, những sự kiện mà chúng ta đã phải vận động rất nhiều nguồn lực tài trợ mới có thể làm được… Chúng ta cũng có những khán đài vắng như vậy, nhưng liệu chúng ta có một niềm tin sắt đá vào tương lai như vậy?

Hồ Võ.