Cà Phê Võ Thuật: Chúng ta đang nuôi dưỡng thế hệ của những nạn nhân

Những ngày đầu năm là thời điểm mà chuyên mục Cà Phê Võ Thuật nên nói điều tốt đẹp chứ không phải những chuyện buồn. Thế nhưng, sự thật là những chuyện buồn vẫn luôn xảy ra. Những nạn nhân (và cả thủ phạm) của bạo lực ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Những bài học đau lòng vẫn luôn xảy ra, bất kể ngày thường hay lễ Tết.

Võ thuật nuôi dưỡng hay xóa bỏ tính bạo lực?

Hãy cho con trẻ kỹ năng tự vệ trước bạo lực học đường

Hẳn quý độc giả còn nhớ những câu chuyện đau lòng về cô bé bị bạn học đập ghế lên đầu diễn ra cách đây tầm nửa năm. Thực tế thì… có hàng chục câu chuyện tương tự như vậy xảy ra. Nếu phải kể hết những vụ việc bạo lực học đường cũng như những hậu quả của nó ra đây, hẳn bài viết này sẽ dài, dài lắm.

Chẳng nói đâu xa, mới đây cộng đồng mạng lại đồng loạt chia sẻ video clip về một vụ hành hung thương tâm ở Bắc Giang. Theo những thông tin chưa được xác nhận, vụ việc này đã được thụ lý nhưng cô bé nạn nhân của vụ việc có thể sẽ không qua khỏi sau khi bị hung thủ bằng tuổi đập gạch sau đầu. Điều đáng nói là cô bé trong video clip không có bất cứ một hành vi phản kháng nào rõ ràng, thậm chí cũng không biết ôm đầu chịu đòn.

Đến khi nào chúng ta mới thôi nhìn thấy những video clip như thế này?

Câu hỏi này khiến tôi nhớ tới một bài viết được đăng trên ADCC (một trang cộng đồng nổi tiếng về võ thuật) như sau: “Sự thật là bạo hành vẫn tồn tại, và sẽ mãi tồn tại. Hãy thôi bảo bọc con bạn một cách vô lý như thế. Hãy tháo bỏ lớp chăn bông của nó, dạy nó đứng lên và tự vệ. Còn bạn, hãy thôi nuôi dưỡng một thế hệ của những nạn nhân”. Tôi thích câu đó: “Hãy thôi nuôi dưỡng thế hệ của những nạn nhân”.

"Hãy thôi nuôi dưỡng thế hệ của những nạn nhân".
“Hãy thôi nuôi dưỡng thế hệ của những nạn nhân”.

Sự thật rằng chúng ta không nuôi dưỡng bạo lực. Chẳng ai muốn thế. Nhưng chúng ta đang nuôi dưỡng những con mồi lý tưởng của bạo lực, chúng ta nuôi dưỡng một thế hệ trẻ em yếu ớt và thiếu khả năng tự vệ.

Trong suốt thời gian dài tiếp xúc, trò chuyện và tranh luận cùng cộng đồng võ, đã không ít lần Cà Phê Võ Thuật bắt gặp một câu chuyện tương tự: “Em phải trốn gia đình để đi học võ anh ạ. Ba má không cho em học võ. Khi thì họ nói em cần dành thời gian cho học tập, khi thì họ không muốn em học võ vì sợ em đánh người”.  Và đằng sau hàng chục câu chuyện như vậy mà tôi đã tiếp xúc, tôi tin rằng vẫn còn đó hàng trăm ngàn câu chuyện khác – câu chuyện về những đứa trẻ thậm chí còn không thể “trốn cha mẹ đi học võ”.

https://www.youtube.com/watch?v=d3kRu_avRlQ

Bạn có nhớ Thiên Hoàng Minh Trị chứ? Một nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong bộ môn Lịch sử ở hầu hết các nền giáo dục. Khi nhìn rõ vị thế của nước Nhật chẳng khác nào miếng bánh giữa hàng chục nanh vuốt phương Tây, ông đã làm nên cuộc cải cách biến chiếc bánh thơm Nhật Bản thành con nhím mà không có bất cứ đế quốc thú dữ nào dám nhe răng ra cắn. Dĩ nhiên, cũng đã có thời gian Nhật Bản dùng sức mạnh ấy để tham gia những cuộc chiến phi nghĩa, nhưng suy cho cùng, dân tộc và quốc gia Nhật Bản đã mạnh mẽ và an toàn như thế đấy.

Ngày nay, không khó để tìm những hình ảnh, video clip về bạo lực học đường ngay tại Việt Nam.
Ngày nay, không khó để tìm những hình ảnh, video clip về bạo lực học đường ngay tại Việt Nam.

Và Võ thuật là câu chuyện tương tự. Thực ra chúng ta không sai khi cho rằng để trẻ em học võ là trao cho chúng công cụ bạo lực. Thế nhưng, đó cũng chính là lý do chúng ta cần quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ em, chọn những người thầy võ xứng đáng, đồng thời đặt niềm tin vào những đứa trẻ mà chính chúng ta đã sinh ra và nuôi dưỡng chứ không phải ai khác.

Học võ không phải học làm siêu nhân. Nhiều bậc cha mẹ đã lầm khi cho rằng võ thuật không thể giúp ích trẻ con tự vệ. Sự thật là một người luyện võ cũng có lúc thất bại, cũng có lúc thất thế, cũng có lúc không xử lý được tình huống bạo lực. Nhưng đó vẫn là một nỗ lực của chúng ta trong quá trình rèn luyện bản thân, một nỗ lực mà nó vẫn có lúc phát huy tác dụng. Việc tập võ thuật có thể không giúp con bạn thoát khỏi một lúc 10 kẻ bắt nạt, nhưng ít nhất đủ giúp con bạn hình thành phản xạ ôm đầu tránh bị tổn thương chí mạng như video clip kể trên, đủ để con bạn vùng bỏ chạy ngay khi có thể. Cha mẹ có lúc không ở cạnh con cái, pháp luật có lúc không kịp can thiệp trước khi hậu quả đã xảy ra. Chỉ có những kỹ năng như võ thuật mới là thứ tồn tại bên con bạn luôn mãi.

Bạn nghĩ bạn ở đâu khi con bạn bị đánh gục ngoài đường?
Bạn nghĩ bạn ở đâu khi con bạn bị đánh gục ngoài đường?

Nếu bạn có một túi trang sức, bạn có đem giấu nó vào nơi kín đáo nhất? Nếu bạn có một chiếc xe đắt tiền, bạn có đỗ nó đằng sau lớp cửa khóa? Nếu bạn có một căn nhà nhiều của cải, bạn có bao bọc nó bằng bức tường cao? Tôi tin chắc bất cứ ai trong chúng ta cũng đều quý trọng con cái mình hơn tất cả mọi thứ tiền tài.

Vậy tại sao bạn liều lĩnh để đứa con vàng con ngọc của mình ngoài kia với những mối rủi ro bạo lực, trong khi con bạn không biết cách tự bảo vệ bản thân?

Bạn có thể chi tiền tỉ để chữa bệnh cho con, nhưng không cho chúng cơ hội học cách bảo vệ chính mình.
Bạn có thể chi tiền tỉ để chữa bệnh cho con, nhưng không cho chúng cơ hội học cách bảo vệ chính mình.

Năm mới, suy nghĩ mới, quyết định mới. Cà phê Võ thuật mong rằng các bậc cha mẹ sẽ suy nghĩ lại về quyết định cho con đi học võ trong năm mới này. Xin chia sẻ thông điệp đó.

“Đã đến lúc chúng ta phải thôi nuôi dưỡng thế hệ của những nạn nhân”

Hồ Võ