Đừng nhầm lẫn giữa “Dũng cảm” và “Liều mạng” trong võ thuật

Trong thời gian vừa qua có một luồng phản ánh trái chiều về lối thi đấu và cách tập luyện của một số võ đường. Một số khen tinh thần dũng cảm – quyết chiến, số khác lại chê bai cách đấu và tập liều mạng – nguy hiểm. Vậy thế nào là “Dũng cảm” và “Liều mạng”?

Võ thuật là môn thể thao tốn nhiều chất xám

Bạn nghĩ rằng đấu võ chỉ cần nhanh và mạnh sẽ thắng? Thực tế trong sàn đấu không chỉ có nhanh hay mạnh mà còn phải có tư duy chiến thuật, đấu pháp hay fight IQ. Đối với các Boxer tầm cỡ, mỗi đòn đấm đều mang ý nghĩa của nó. Đấm không có chủ đích chỉ khiến bạn mau mất sức hơn thôi.

Dũng cảm thực sự trong sàn đấu đó là quyết tâm chiến đấu đến cùng và không từ bỏ chứ không phải lao vào đấm không chủ đích, đó là “Liều mạng”.

Thi đấu với chấn thương là “Dũng cảm”?

Đời võ sĩ vốn dĩ là một con đường thấm đẫm máu và mồ hôi. Có nhiều câu chuyện về các võ sĩ buộc phải lên sàn dù trên người đang mang chấn thương. Nhiều người bảo họ thật dũng cảm, dám đương đầu dù sức khỏe không tốt. Tuy nhiên với con mắt của một người theo dõi võ thuật nhiều năm thì việc thi đấu khi chưa hồi phục chấn thương là “Liều mạng”.

Họ bảo rằng muốn cống hiến cho khán giả trận đánh đẹp mắt nên quyết tâm lên sàn dù có chấn thương. Đáng tiếc là họ không hiểu rằng khán giả không muốn xem chương trình khi người biểu diễn tức võ sĩ chỉ thể hiện một cách nửa vời.

Luyện tập thông minh hay khổ luyện?

Trong các võ thuật, chúng ta thường thấy các nhân vật chính luyện tập rất cực khổ với các bài tập nặng một cách quái dị. Luyện tập vượt qua giới hạn bản thân là điều cần thiết tuy nhiên nếu không tập một cách khoa học sẽ dẫn đến chấn thương, thậm chí bị tật không thể chữa.

Người thầy giỏi là người lựa chọn bài tập phù hợp với học trò chứ không phải cứ lấy bài tập nặng mà áp dụng. Rất nhiều tay đấm có tố chất nhưng lại không thể đi đến cùng với võ thuật vì những chấn thương lúc luyện tập.

Quang Phượng