Cô gái Hà Nội thay chồng làm chưởng môn Bình Định gia

Các cụ nói con gái tuổi Tuất, lại đứng chữ Canh như chị, số chẳng lúc nào yên, ngẫm thế mà đúng. Bắt đầu từ mối tình dang dở với người võ sư tài hoa, bạc mệnh; cho đến việc gánh vác trách nhiệm quyền chưởng môn Bình Định gia là một chặng đường dài, với ba trắc trở…

Chị kể, hồi đó mình trẻ lắm, mê cải lương, nên hay lên trường Đại học Sân khấu điện ảnh chơi với người anh, trọ học chung với nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền. Gặp anh, cố võ sư Trần Hưng Hiệp ở đây, cô gái mới đôi mươi lập tức bị cuốn hút vì vẻ bề ngoài hiền khô của anh.

Tung võ cứu mỹ nhân

“Anh hiền lắm!” – Chị bắt đầu câu chuyện về mối tình đầu đời của người con gái bằng giọng nghèn nghẹn. Trong ký ức của chị, anh luôn điềm tĩnh ngay cả khi chị bị các thanh niên trêu ghẹo. Trừ một lần duy nhất, khi một nhóm thanh niên xấu có những hành động khiếm nhã với chị. “Tôi nhớ đám đầu gấu có 5 người”, – chị kể tiếp “2 người trong số họ có vũ khí. Lúc ấy, anh chẳng nói chẳng rằng tung một cú đá quét, làm chiếc chân giường gỗ kế bên gãy gập. Những người kia mặt cắt không ra máu, ú ớ lùi ra rồi hò nhau chuồn thẳng. Sau này, theo lời chị, chính kẻ cầm đầu đám đầu gấu, vì nể phục tài đức mà tìm đến, bái anh làm sư phụ, rồi trở thành một môn sinh tài năng của Bình Định gia phái.

Tình cảm của cô gái đôi mươi dành cho chàng sinh viên năm thứ 3 nảy nở kể từ đấy, nhưng cũng phải 1 năm sau buổi tối đó, chị mới biết anh rất giỏi võ. Khi đó, chị tình cờ bắt gặp người con trai Bình Định đứng lớp, dạy đám trẻ con ngay dưới sân khu tập thể nhà C24 Thanh Xuân Bắc – nhà chị cũng cách nhà anh vừa mấy chục bước chân. Câu chuyện tình được nuôi dưỡng sau những buổi tối chị giúp anh làm những công việc đơn giản của lớp học, bằng sự tận tuỵ của người con gái sẵn sàng vì anh đi đến cùng trời cuối đất.

Quyền trưởng môn phái Bình Định gia Lê Minh Thu và chồng thời còn son sắc.
Quyền trưởng môn phái Bình Định gia Lê Minh Thu và chồng thời còn son sắc.

Rồi hai người cưới nhau năm 1990. Mối tình của đôi trai tài gái sắc ấy tưởng chừng sẽ kéo dài mãi, cùng những ngày tháng hai vợ chồng trẻ dồn hết tâm sức cho sự phát triển của môn phái, trong đó có sự góp sức của chị – người con gái Hà Nội, không đánh roi cũng chẳng đi quyền, chỉ biết bập bõm vài thế võ học lỏm từ những buổi cùng anh đứng lớp. Đây cũng là lúc môn phái mới phát triển phải đối mặt với vô vàn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, nếu như không có sự cố gắng phía sau hậu trường của chị.

Số phận éo le thử thách người vợ trẻ

Năm 1991, chị mở một quán gội đầu nhỏ ngay đầu đường Đất Đỏ (đường Nguyễn Quý Đức sau này), để trang trải một phần cuộc sống gia đình, vốn thiếu thốn đủ thứ. Anh không ủng hộ, nhưng cũng chẳng phản đối, vì hoàn cảnh lúc đó, không cho phép anh vừa lo việc môn phái, vừa đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, cũng nhờ sự tần tảo của chị, anh có thể giúp đỡ những môn sinh gặp khó khăn chỗ ăn, chỗ ở. Cũng từ đấy, môn phái Bình Định gia trở thành một gia đình theo đúng nghĩa, còn chị, với những cố gắng, nỗ lực vì tâm huyết của chồng, đã nhận được sự tôn trọng tuyệt đối từ các môn sinh.

Năm 1993, tình yêu của hai người đơm hoa kết trái, cậu bé Trần Hưng Đạt ra đời trong niềm vui hân hoan của gia đình, nhưng cũng vì thế mà chị không thể giúp anh lo việc hậu cần của môn phái. Khi bé Đạt tròn 3 tuổi, cũng là lúc công việc môn phái dần ổn định, nhưng ai ngờ tai ương đổ ụp xuống đầu gia đình: Anh đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông.

Ngày đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng trời cũng mưa tầm tã, đứng trước linh cữu anh, chị hứa sẽ thay anh nuôi con khôn lớn mà không nghĩ rằng một ngày nào đó, chị còn phải thay anh chấp ngôi quyền chưởng môn vì tâm huyết của gia đình nhà chồng, vì sự tồn tại của Bình Định gia, trước những sóng gió của cuộc đời.

2 năm sau khi anh Hiệp qua đời, môn phái bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ tồn vong, vì những mâu thuẫn trong nội bộ. Theo lời chị Thu, Bình Định gia lúc này bị chia rẽ nặng nề, khi một số đệ tử, nhân khi cố võ sư Trần Hưng Quang – khi này tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, làm những điều tổn hại đến danh tiếng của môn phái.

Số khác, rất tâm huyết với Bình Định gia, nhưng do bất mãn nên không còn nhiệt huyết như trước đây. “Có những người lợi dụng ba tôi để vụ lợi cho bản thân thay vì lo cho toàn cục”- Đó cũng là lý do hối thúc chị nhận lời chấp quyền chưởng môn vì tâm huyết cả đời của anh, của gia đình bên nhà chồng cho dù có nhiều người phản đối việc này. Theo lời chị, việc có nhiều người phản đối cũng đúng, vì phận nhi nữ, không giỏi chuyên môn, sao có thể thay chồng, thay con, đảm đương trọng trách như vậy.

Những cuộc đối đầu giữa Bình Định gia và Thần Quyền

Từ đời sáng tổ Trần Đại Chí, môn phái Bình Định gia không truyền cho người ngoại tộc cho đến năm 1982, ý định phổ biến những bí kíp võ công của cha con Võ sư Trần Hưng Quang – Trần Hưng Hiệp bắt đầu hình thành. Ban đầu, hai cha con không nhận được sự ủng hộ của các cụ cao niên trong dòng họ Trần, vì việc này chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, sau cùng cha con ông Quang “Ốc” – cũng được phép mở lớp dạy võ.

Cố võ sư Trần Hưng Hiệp.
Cố võ sư Trần Hưng Hiệp.

Bắt đầu chỉ thưa thớt vài chục môn sinh đầu tiên, tập trung tại sân trường Việt An, gần nhà ông Quang ở khu tập thể C3 Thanh Xuân Bắc. Về sau này, chị còn nhớ rất rõ thử thách đầu tiên của môn phái lúc mới mở lớp, khi các môn sinh Bình Định gia nhận được lời thách đấu của môn phái Thần Quyền.

“Lúc ấy Thần Quyền rất thịnh hành”, chị kể, “các môn sinh rất lo lắng vì không biết năng lực thực sự của đối thủ. Tôi nhớ anh Hiệp cùng các môn sinh phải nhẫn nhịn thế nào, để tránh bị khiêu khích cho đến khi không thể đừng được nữa, vì các võ sỹ thách đấu liên tiếp có những hành động gây sự”. Những trận tỷ thí tranh cao thấp giữa hai môn phái diễn ra quyết liệt, Bình Định gia giành chiến thắng 3 trong 5 trận đối đầu tay đôi. Thần Quyền buộc phải giữ lời hứa không xâm phạm, đồng đạo càng nể phục anh Hiệp, Bình Định gia cũng nhờ thế được biệt đến nhiều hơn trên địa bàn toàn miền Bắc.

Theo chị Thu, thời điểm phát triển cực thịnh nhất, Bình Định gia có hàng vạn môn sinh trên toàn miền Bắc nhưng sau khi anh Hiệp qua đời năm 1996, môn phái hầu như không phát triển. Lý do là vì Bình Định gia thiếu một người đứng đầu, có khả năng định hướng, tổ chức mọi hoạt động của môn phái một cách thống nhất, như hồi anh Hiệp còn sống. Đây cũng là lý do chị Thu nhận lời, chấp quyền chưởng môn Bình Định gia vào cuối năm 2012, vì tâm huyết của gia đình cố võ sư Trần Hưng Quang, của anh Hiệp…

Ngay sau khi trở thành quyền chưởng môn, chị quyết định thành lập Tiểu ban chuyên môn, Tiểu ban đối ngoại, Tiểu ban tài chính, qua đó tạo sự chuyên nghiệp cho các hoạt động của môn phái. Ngoài ra, chị còn tổ chức những lớp dạy kỹ năng sống sau mỗi buổi học, với mục đích trang bị đầy đủ kiến thức cho các môn sinh Bình Định gia. “Gái có công…” lời dạy ấy của người xưa xem ra thật đúng với cuộc đời của chị Thu, mặc dù để nhận được những kết quả đó có thể mường tượng được những nỗ lực của chị lớn đến nhường nào.

Mới đây, được sự ủng hộ của các bậc trưởng bối và võ lâm đồng đạo, chị được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Hà Nội. Trong giới võ thuật vốn không có chỗ cho phận nhi nữ thường tình, nhưng với nghị lực, trách nhiệm và nhất là tình cảm với người chồng đã khuất – Bình Định gia phái đã và đang phát triển với người thuyền trưởng – Lê Minh Thu – người con gái duy nhất thay chồng làm chưởng môn phái trong lịch sử Võ thuật nước nhà.

Chu Hưng – Dân Việt