Diện kiến võ sư – lương y cai nghiện ma túy bằng… võ thuật

Được biết đến là đệ tử chân truyền của phái Bạch My, võ sư Lưu Phước Thành đã từng bước nâng cao kỹ thuật võ học của mình, khiến giới võ lâm ai ai cũng nể phục.

Không dừng lại ở đó, ông còn từng bước kết hợp giữa thành tựu của võ thuật và Đông y, để hình thành nên những bài thuốc chữa bệnh nan y như gai cột sống, tiền liệt tuyến, bại liệt… Ngoài ra, ông còn có bài thuốc kết hợp võ thuật và Đông y “độc chiêu” để làm dứt hẳn cơn nghiện ma túy.

Người học võ phải có tâm
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lần tìm đến Bửu Di Đường (trên đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM), nơi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo của võ sư – lương y Lưu Phước Thành (SN 1958). Tại đây, mặc dù đã đến giờ nghỉ trưa nhưng vẫn còn rất nhiều bệnh nhân ngồi đợi ở dãy ghế trước phòng mạch. Sau khi đợi võ sư – lương y Thành khám cho bệnh nhân xong, chúng tôi mới có dịp trò chuyện với ông. Tiếp chuyện chúng tôi, võ sư – lương y Thành tâm sự: “Nếu có thời gian, các cô cậu cứ đến đây thường xuyên, nhất là vào buổi tối sẽ thấy được nhiều bệnh nhân kết hợp giữa võ thuật và Đông y để chữa bệnh”.

Nói về cơ duyên đến với võ thuật, võ sư – lương y Thành bồi hồi nhớ lại thăng trầm cùng nghiệp võ của mình. ông cho biết: “Thuở nhỏ, lúc mới 6 tuổi, tôi đã theo thầy Lý Cù, truyền nhân Thiết Kiều Tam để bái sư học võ. Sau đó, vì quá mê võ thuật nên cứ nghe ở đâu có môn võ hay là tôi cố gắng tìm hiểu học cho bằng được. Chính vì thế, vào năm 1970, khi nghe Taekwondo đang thịnh hành trên thế giới, tôi theo học rất say mê. Tuy nhiên, chỉ đến khi tôi học môn phái Vịnh Xuân Quyền và Bạch My của hai võ sư Trương Huệ Toàn và Trương Huệ Giai, mới đích thực là bước ngoặt lớn trong võ thuật”.

ll
Võ sư – lương y Lưu Phước Thành trong một thế võ.
Bởi khi mới học được ít năm môn phái Vịnh Xuân Quyền và Bạch My, ông đã học hỏi và phát triển được các tinh hoa của môn phái, nên các sư phụ chọn đi thi đấu. Lúc này, bản thân ông hội tụ đầy đủ cả về nội công, khí công lẫn quyền thuật để đánh bại mọi đối thủ. Trong những lần biểu diễn, ông nhớ nhất là lần phóng “phi miêu” xuống sàn diễn từ chiều cao của một tòa nhà ba lầu hay màn Thiết chỉ công, tức dùng ngón tay chọc thủng lon bia, hoặc chọc thủng trái dừa,… Tất cả các màn đều làm khán giả kinh ngạc. Tuy nhiên, đối với ông, võ thuật là để rèn luyện sức khỏe chứ không phải hống hách với đời. Với phái Bạch My lại càng kén chọn hơn bởi đây là một môn võ rất nghiệt, vì đòn thế hiểm, chỉ cần một chiêu là có thể hạ gục đối phương. Người học phải có tâm mới mong đạt đến đỉnh cao của võ học, nếu không dễ dẫn đến những tai hại khó lường, nên ông rất kén học trò.
Đang trong mạch trò chuyện, đột nhiên võ sư – lương y Thành thở dài. ông bảo: “Sở dĩ nay tôi không thu nạp đệ tử võ học nữa, cũng xuất phát một phần từ nguyên nhân đó. Ngày trước, tôi có hai đệ tử đã sử dụng những chiêu thức võ công mà tôi dạy để đánh chết người. Đó là điều tôi không muốn và cảm thấy rất buồn. Những người bạn của tôi thì nói rằng đạo đức của những người đó không có và họ làm họ chịu. Nhưng tôi nghĩ làm sư phụ mà không dạy được trò âu cũng là cái tội. Nếu tôi không dạy võ cho chúng thì đâu đến nông nỗi đó”.
Bài thuốc võ thuật cai nghiện ma túy
Đối với võ thuật và y thuật, võ sư – lương y Lưu Phước Thành luôn cho rằng phải luôn song hành nhau. Bởi, trong quá trình luyện võ, không thể tránh khỏi những va chạm và gây thương tích cho đối phương cũng như bản thân mình. Chính vì thế, bất kỳ một môn phái nào cũng luôn có một bài thuốc để trị bệnh đặc thù khi luyện võ. Trong quá trình luyện võ của các phái, bản thân võ sư – lương y Thành cũng hình thành và tạo ra nhiều bài thuốc trị bệnh đặc biệt. Nhờ tài năng xuất chúng đó, võ sư – lương y Thành đã được anh em trong hội mời làm Hội trưởng Hội Y Võ Dưỡng Sinh (Q.5, TP.HCM). Trên cương vị ấy, võ sư – lương y Thành luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu để chữa bệnh cứu người.
1
Diễn viên Bảo Sơn và võ sư Lưu Phước Thành. `
Đến Bửu Di Đường, mọi người nơi đây đều gọi võ sư –  lương y Thành là thầy một cách trìu mến. Nếu người ngoài mới đến sẽ nhìn nhận rằng ông là một thầy thuốc Đông y chứ không liên quan đến võ học. Nhưng kỳ thực, các bài thuốc của  thầy Thành đều là sự kết hợp giữa y học và võ học một cách uyển chuyển, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Trong những năm qua, bằng cái tâm của mình, thầy Thành đã tạo được niềm tin cho người bệnh với những bài thuốc chuyên trị các bệnh nan y như tiền liệt tuyến, bại liệt, gai cột sống, bệnh phong thấp,… Đặc biệt, thầy Thành còn trị được cả… cơn nghiện ma túy. Vì thế, rất nhiều người bệnh nghèo đã tìm đến ông, bởi ông chữa bệnh mà không lấy tiền của người nghèo. ông bảo: “Với những người nghèo, họ phải lo cái ăn cái mặc đã khổ rồi, giờ lấy tiền của họ nữa thì tội lắm”.
Nhiều năm qua, Bửu Di Đường luôn là nơi tìm đến của những người bệnh nghèo. Đặc biệt, khi biết đến bài thuốc kết hợp giữa võ thuật và các bài thuốc hỗ trợ, võ sư – lương y Thành đã giúp biết bao người thoát ra khỏi sự tăm tối của chuỗi ngày nghiện ngập sa đọa. Vì thế, rất nhiều gia đình có con bị nghiện ma tuý đã tới nhờ cậy ông. Với tấm lòng của một lương y đặt chữ tâm làm đầu, võ sư – lương y Thành luôn tận tâm chữa trị cho người nghiện.
Võ sư – lương y Thành cho biết: “Với người bệnh mới chỉ nghiện ma túy ở giai đoạn đầu (nghiện ma túy dạng ngửi) thì chỉ cần dùng võ thuật để “xốc” lại từ hai tuần đến một tháng là có thể dứt hẳn. Còn những người nghiện nặng đã chích ma túy vào cơ thể thì tôi có thể dùng võ thuật kết hợp với bài thuốc Đông y do tôi sáng chế ra để uống bổ trợ thì sẽ tăng  hiệu quả mạnh trong việc đẩy lùi cơn thèm thuốc”.
Trong quá trình luyện võ công, để tiêu diệt cơn nghiện, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, chịu sự gian khổ, ngoài ra, thầy Thành sẽ kết hợp giữa bấm huyệt và khí công để vận hành khí huyết cho người nghiện. Theo đó, cách chữa trị của võ sư Thành là “bước đầu đặt một xô nước giữa sàn nhà cho người bệnh quỳ trước nửa tiếng. Sau đó, võ sư sẽ thực hiện khí công đưa độc tố ra khỏi ngũ tạng, bấm vào những huyệt vị để lưu thông khí huyết. Cứ thế, sau hai ngày bệnh nhân sẽ cảm thấy sự thay đổi rõ rệt trong cơ thể, giảm bớt cơn thèm thuốc và dứt hẳn cơn nghiện sau hai đến ba tuần điều trị.
Vì thế, trong gần 30 năm qua, kể từ khi vận dụng võ thuật kết hợp với bài thuốc Đông y chữa trị nghiện ma túy, võ sư Thành đã cứu giúp rất nhiều mảnh đời lầm lỗi quay về với cuộc sống đời thường, nhưng ông không nhận bất kỳ khoản chi phí nào. ông nói: “Cắt cơn là chuyện nhỏ, vì chỉ cần cầm cây kim châm vào một huyệt đạo trên đầu, nhưng quyết tâm của người nghiện còn quan trọng hơn. Cai nghiện được nhưng khi trở lại cuộc sống với môi trường cũ, nếu người bệnh thiếu bản lĩnh thì chuyện tái nghiện là không thể tránh khỏi, nên những việc làm của tôi cũng chỉ nhất thời, cái chính là nghị lực của người nghiện…”.

Bửu Di Đường đã tồn tại từ ba đời

Theo đại diện UBND phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM), Bửu Di Đường (còn gọi là Trung tâm chấn chỉnh y học cổ truyền Bửu Di Đường) đã xuất hiện khá lâu, từ thời ông nội của võ sư – lương y Lưu Phước Thành đã là một phòng mạch chuyên bốc thuốc Đông y. Đến thời của ông Thành thì phát triển lên bước cao hơn là kết hợp giữa võ thuật và Đông y để chữa bệnh. Hiện tại, Bửu Di Đường ban ngày vẫn chữa bệnh cho người dân, còn tối đến thì rèn luyện võ thuật.

Theo Đời Sống và Pháp Luật