Đức tính con nhà võ

Võ cổ truyền Việt Nam có một cụm từ rất đặc biệt, đó là cụm từ “Con nhà võ”. Cụm từ này được sử dụng, không phải để nói đến những người con, cháu trong một dòng võ mà là bao gồm tất cả những người đã chọn con đường võ nghiệp để đi theo suốt đời.

Câu chuyện về đức tính kiên nhẫn trong võ thuật

Đức công tâm của người làm trọng tài võ thuật

Khi nói đến con nhà võ, người ta nghĩ ngay đến những người nghĩa khí, có lòng dạ ngay thẳng, “ăn to nói lớn”, giữ chữ “tín”, và đề cao lòng tự trọng. Người nghĩa khí là người hào hiệp, người sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho việc nghĩa.
Việc nghĩa ở phạm vi hẹp là việc ra tay cứu giúp người khác đang gặp khó khăn, hoạn nạn, đang sa cơ thất thế, việc ra tay đó được gọi là “nghĩa cử”. Khi người nghĩa khí đã ra tay nghĩa cử thì họ không sợ gian nguy, chỉ nghĩ đến hy sinh cho người khác.
Việc nghĩa ở phạm vị rộng là công việc đại sự, lớn lao, mang lợi ích đến cho nhiều người, việc đại sự đó được gọi là “đại nghĩa”. Khi người nghĩa khí đã tham gia đại nghĩa thì họ sẵn sàng dấn thân, gánh vác công việc nặng nhọc, tự nguyện chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về phần mình.

Đối với võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ thuật cũng có thể xem như một truyền thống được nối tiếp qua các thế hệ.

Đối với con nhà võ, nếu làm thầy thì việc đại nghĩa là tận tụy dạy dỗ cho học trò nên người hữu dụng mà không ngại hao tâm tổn trí, là bảo tồn, lưu truyền, phát triển môn võ cổ truyền cuả dân tộc cho võ lâm chứ không chỉ cho riêng mình, là nâng cao uy danh của môn võ cổ truyền trở thành niềm tự hào của con dân đất Việt mà không kể công lao.
Người nghĩa khí cũng là người “trọng nghĩa khinh tài”, tức là xem trọng việc nghĩa, xem nhẹ tiền bạc. Người có chức vụ càng cao, có trọng trách càng lớn thì nghĩa khí càng phải đặt nặng. Đối với con nhà võ, không vì thế lực đồng tiền mà hạ mình làm việc thấp hèn, làm trái lại mục đích, ý nghĩa, lý tưởng của công việc đại nghĩa mà võ lâm đã ủy thác cho mình, không vì háo danh, hám lợi mà làm phương hại đến uy danh của môn võ cổ truyền dân tộc.

Người có lòng dạ ngay thẳng thì làm việc gì cũng đường đường chính chính, ân oán rõ ràng. “Ruột thẳng như ruột ngựa” là câu nói được nhân gian gắn cho con nhà võ, bởi vì con nhà võ không làm điều mờ ám, khuất tất, mang ơn thì phải ra sức đền đáp, gây oán thì phải tìm cách trả nợ cho người. Con nhà võ không xu nịnh người trước mặt, không ám hại người sau lưng.

Người “ăn to nói lớn” là người bộc bạch thẳng thắng, thấy chi nói nấy, thấy sai thì cải lại. Con nhà võ được thừa hưởng đức tính của người thầy qua nề nếp “dạy trực tiếp, dạy từng người” (cầm tay nắn thế, dĩ giáo khai tâm, dụng ngôn khải thị) nên có được tâm tính khoáng đạt, nói năng lưu loát.

Con nhà võ nói năng lưu loát nhưng không khoác loác, khoe khoang, không ma mị để lừa dối người khác và cũng không chịu để cho người khác tâng bốc mình bằng cách “thêm muối, dặm đường”, chuyện không dựng lên nói có.
Con nhà võ không để cho báo chí viết về mình là “đệ nhất thiên hạ”, là “người vàng, người ngọc”, là “người duy nhất còn nắm giữ thập bát ban võ nghệ”, là “võ sĩ thóp bụng giữ chặt đầu đối phương rồi phình ra cho đối phương ngã ngửa trên võ đài phải chở vào bệnh viện cấp cứu”.

Khái niệm “con nhà võ” tuy được nêu ra trong Võ thuật cổ truyền Việt Nam, thế nhưng nó hiện diện ở hầu hết mọi dân tộc mọi môn võ, như một hệ quả tất yếu của sự kết hợp niềm đam mê võ thuật và truyền thống gia đình. Ảnh: Gia tộc Nhu thuật Graice (Brazil) – một trong những gia đình võ thuật danh tiếng nhất thế giới.

Bởi vậy cổ nhân mới khen tặng người có năng lực mà khiêm tốn là “hữu xạ tự nhiên hương”, người có thực tài mà ẩn mình là “ngọc trong đá”, và chê người dùng xảo ngôn để thổi phồng mình là  “tự vẻ bùa mà đeo”.
Người giữ chữ “tín” là người chỉ hứa khi chắc chắn làm được điều đã hứa và đã hứa rồi thì phải nổ lực thực hiện cho được điều mình hứa.

Ngày xưa, người ta rất xem trọng lời hứa. Năm 545 trước công nguyên, Quý Trát là hoàng tử nước Ngô, lĩnh mệnh đi sứ các nước trung nguyên để mở rộng bang giao. Trước khi lên trung nguyên, Quý Trát qua nước Từ. Vua nước Từ thấy thanh kiếm của Quý Trát đeo bên mình đẹp quá, thích lắm nên nhìn mãi. Quý Trát biết ý vua nước Từ thích thanh kiếm, trong lòng muốn tặng nhưng vì trên đường đang đi sứ chưa thể tặng được. Khi từ nước Tấn trở về, Quý Trát qua lại nước Từ để tặng kiếm nhưng vua Từ đã qua đời. Quý Trát bèn ra mộ thắp hương, khấn vái rồi cởi thanh kiếm treo lên bia mộ, quay về. Qua câu chuyện ấy, ta thấy Quý Trát chưa từng mở lời hứa nhưng khi trong lòng đã từng nghĩ đến việc tặng kiếm cho vua nước Từ thì ông tự xem là mình đã hứa rồi, và nhất quyết phải giữ chữ tín với người đã khuất .

Đối với con nhà võ thì việc giữ chữ tín hết sức quan trọng. Nó là thước đo phẩm chất của từng con người. Con nhà võ không thể nói “huyên thuyên chi địa” đầy rẫy những lời hứa hẹn. Thực tế thì những lời huyên thuyên, hứa hẹn  ấy chỉ để đề cao cá nhân, để chứng tỏ là mình đang nắm nhiều quyền lực và để phỉnh dụ người khác ủng hộ những việc đang làm của mình. Những lời huyên thuyên ấy không bao giờ là sự thật.

Người có lòng tự trọng là người không để bị người khác xem thường, thậm chí là khinh khi, sỉ nhục. Muốn giữ được lòng tự trọng  thì hơn ai hết, con nhà võ phải trung thực, thật thà, làm việc gì cũng phải quang minh, chính đại, không làm điều trái ngược đạo lý, giàu không thay lòng, nghèo không đổi dạ, đứng trước quyền uy không khuất phục, gặp cảnh ngộ nào cũng phải giữ phong thái “chân đạp đất, đầu đội trời”.

Con nhà võ không tu dưỡng, rèn luyện để trở thành thần thánh, cũng không để thành bậc đại trượng phu. Họ chỉ rèn luyện cái “Đức” cả đời để xứng đáng với mỹ từ “Con nhà võ” mà nhân gian tôn tặng.

Võ sư Trần Xuân Mẫn
Có thể bạn quan tâm: Thú vị với màn công phá của “nhóc tì” Taekwondo

[jwplayer player=”1″ mediaid=”67073″]