Giải mã chiến lược thông minh nhất cuộc đời Tào Tháo

Dưới “gót sắt” của Tào Tháo, miền Bắc Trung Quốc hoàn toàn thống nhất dưới nền thống trị của Ngụy. Dù đã nắm địa vị “bá chủ”, nhưng đến lúc chết ông cũng không xưng đế.

Những câu nói lưu truyền thiên cổ của Tào Tháo
Bất ngờ với câu “phán” của Tào Tháo sau chiến bại Xích Bích

5

Tào Tháo và mộng đế vương

Tào Tháo là “nhất đại kiêu hùng” thời Tam Quốc, nửa đời đứng trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng ông qua đời mà chưa hề bước lên ngai vàng Trung Nguyên.

Trước khi Tào Tháo mất không lâu, Tôn Quyền đoạt Kinh Châu từ Thục Hán, giết Quan Vũ, nhưng vẫn phải cầu hòa với Tào. Tôn Quyền phái sứ giả dâng thư xin ông “sớm ngày đăng cơ”, song ông đáp lại – “Y (Tôn Quyền) muốn đẩy ta vào hỏa lò hay sao?”, đủ thấy tâm thế của Tào Mạnh Đức đối với 2 chữ “Hoàng đế” ra sao. Có quan điểm cho rằng, thực ra Tào Tháo không phải không muốn làm Hoàng đế, chỉ là những bài học lịch sử khiến ông không dám mơ đến Vương vị Hán triều.

Cuộc đời Hán Hiến Đế Lưu Hiệp luôn sống trong nhục nhã. Đầu tiên là bị Đổng Trác lấn át, sau thì bị Tào Tháo chuyên quyền. Tuy nhiên, nếu không có Đổng Trác thì Lưu Hiệp không có cơ hội làm Hoàng đế, và nếu không được Tào Tháo “giang cánh” bảo hộ, thì chưa biết chừng ông cũng sớm vong mạng dưới tay đám “quân phỉ” Lý Quyết, Quách Dĩ. Hán Hiến Đế dù ngồi vững trên ngai vàng, nhưng đại quyền nằm trong tay kẻ khác, bản thân ông chỉ là “tù binh cao cấp” trong tay Tào Tháo. Đương nhiên, Lưu Hiệp không cam lòng và muốn thực hiện một cuộc lật đổ Tào Tháo. Có bình luận rằng, đây là “trò chơi nguy hiểm” mà tất cả những ông vua hữu danh vô thực trong lịch sử Trung Quốc đều bị cuốn vào.

Bên cạnh đỉnh cao quyền lực cũng chính là tham vọng và mê hoặc. Hán Hiến Đế cũng không ngoại lệ, ông muốn nắm trọn vẹn quyền lực Đông Hán. Phe bảo hộ của chính quyền cũ như Quốc cữu Đổng Thừa, Vương Tử Phục, hay về sau này là cuộc bạo loạn của Cảnh Kỷ, Vi Hoảng ở Hứa Đô, đều là những nhân vật “nhiệt huyết” muốn lật đổ nền thống trị của Tào Tháo hơn cả chính bản thân Lưu Hiệp. Nguyên nhân bởi chính nhóm “cựu thần chính quyền cũ” này mới là những nhóm lợi ích bị tổn thất nhiều nhất. Họ không bị giết nhưng không có tương lai và phải sống cúi đầu dưới chính quyền của đối thủ, còn Lưu Hiệp ít nhất vẫn được “đối đãi bằng nghi lễ quân thần”. Nắm bắt được tâm lý này, cho nên Tào Tháo – người nắm quyền lực tối cao nhưng không phải bậc “cửu ngũ chí tôn” – thực thi những biện pháp đàn áp vô cùng quyết liệt đối với những người nhòm ngó đại quyền, và đó thường là những cuộc tắm máu.

Đảo chính "hụt" Tào Tháo ở Đồng Tước Đài, Lưu Hiệp đành ngậm đắng nuốt cay tiếp tục làm "Hoàng đế bù nhìn" cho cuộc chinh phục thiên hạ của Tào.
Đảo chính “hụt” Tào Tháo ở Đồng Tước Đài, Lưu Hiệp đành ngậm đắng nuốt cay tiếp tục làm “Hoàng đế bù nhìn” cho cuộc chinh phục thiên hạ của Tào.

Bản thân Tào Tháo không thể “danh chính ngôn thuận” ngồi lên ngai vàng Trung Nguyên, thì ông cũng không cho phép bất cứ thế lực nào có cơ hội làm điều đó. Việc Tào Tháo gả con gái Tào Tiết cho Hán Hiến Đế,bên cạnh thể hiện sự lung lạc của Tào đối với Lưu Hiệp thì cũng cho thấy Tào chưa dám công khai “bất kính” đối với vị Hoàng đế (dù chỉ là danh nghĩa) này. Nhưng mặt khác, Tào cũng không hề thực hiện bất cứ nghĩa vụ quân thần nào đối với Lưu Hiệp, thậm chí không để Hán Hiến Đế trong mắt, sẵn sàng “bạo nộ” trước mắt vua. Lưu Hiệp đã có lúc sợ hãi đến mức phải khẩn khoản xin Tào Tháo –“Nếu Thừa tướng có thể phò tá trẫm thì đáng quý, nếu không, mong hãy tha cho trẫm”. Dù “quyền lực vô hình” của Tào Tháo đã khiến Lưu Hiệp uất ức đến mức chỉ muốn 2 tay dâng ngai vàng cho Tào, nhưng cuối cùng ông cũng không xưng đế, mà chỉ làm Ngụy Vương, đúng như phương châm mà ông đã theo đuổi từ thời đánh giặc Hoàng Cân.

Người đời sau gọi Tào Tháo là gian hùng. Các học giả Trung Quốc đánh giá, điểm “gian” nhất của ông chính là “không đoạt đế quyền của Hán triều”. Điều này giúp Tào “vừa được tiếng, vừa được cả miếng”. Như trong “Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh”, Tào Tháo đã tỏ rõ tư tưởng của mình – “Giả như quốc gia không có thần, thì không biết có mấy kẻ xưng đế, mấy kẻ xưng vương”. Cho nên, đã có Tào Tháo “gác cửa”, thì ông không làm vua, kẻ khác cũng đừng mong làm vua. Tào Tháo còn, thì Hiến Đế có thể “yên tâm” làm Hoàng đế Đại Hán.

Vì sao Tào Tháo không “phế Hán”?

Nếu Tào Mạnh Đức thực sự ôm mộng xưng đế, thì chỉ cần điều quân từ Sơn Đông về Lạc Dương, việc phế Hiến Đế dễ như trở bàn tay. Thế nhưng cả đời Tào không dám làm chuyện đó, cũng vì cố kỵ “vết xe đổ” của Đổng Trác. Tào Tháo hiểu rõ, trong cục diện thiên hạ đại loạn cuối thời Đông Hán, các thế lực quân phiệt nổi dậy khắp nơi. Phe nào cũng tự xưng mang danh nghĩa “hậu duệ trung thần”, “phò tá Hán triều” để chiếm cứ địa bàn.

Chưa kể, danh nghĩa “phò tá Thiên tử hiệu lệnh chư hầu” đem lại cho Tào Tháo một vị thế “danh chính ngôn thuận hơn rất nhiều” để đứng ra hiệu triệu và lôi kéo các thế lực khác về với mình.

"Không xưng đế" là phương châm mà Tào Tháo tuân thủ nghiêm ngặt suốt cuộc đời ông, nhờ đó mà Tào tránh "vết xe đổ" của Đổng Trác.
“Không xưng đế” là phương châm mà Tào Tháo tuân thủ nghiêm ngặt suốt cuộc đời ông, nhờ đó mà Tào tránh “vết xe đổ” của Đổng Trác.

Nếu Tào “dám” đoạt ngôi Hiến Đế thì ông sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu chung của quần hùng, giống như 18 lộ chư hầu Quan Đông khởi binh phạt Đổng Trác năm xưa. Cho dù Tào Ngụy có dùng thực lực quân sự hùng mạnh để tiêu diệt các thế lực địa phương thì cũng không có khả năng thu phục được lòng tin của mọi tầng lớp dân chúng – bởi tội danh “Hán tặc” mà Lưu Bị, Tôn Quyền gán cho Tào lúc này sẽ trở thành sự thực. Với tầm ảnh hưởng sâu rộng của hình tượng Hoàng đế Đại Hán trong tín ngưỡng của người dân Trung Quốc hàng trăm năm, hành động “phế đế” chẳng khác nào tội ác “đại nghịch bất đạo”.

Đó chính là “hỏa lò” mà Tào Tháo nhắc tới trong câu nói của mình, đồng thời thể hiện rõ tầm nhìn đầy mưu lược của một chính trị gia. Bên cạnh đó, dù Tào Mạnh Đức có thực muốn làm Hoàng đế, thì những trọng thần trung thành của ông như Tuân Úc, Tuân Du cũng là những người “ngấm” tư tưởng trung thành với Hán triều, cực lực phản đối. Chính vì một người tài như Tuân Úc, mà Tào Tháo đã phải “nuốt giận”.

Càng về những năm cuối đời, tư tưởng và phương châm của Tào Tháo càng được chứng minh là đúng đắn khi thế lực Tào Ngụy thống trị toàn bộ lãnh thổ Trung Nguyên. Cho nên, trước “đòn khích tướng” dụ Tào Tháo xưng đế của Tôn Quyền, ông chỉ “cười mà từ chối”. Có nhiều học giả cho rằng, nếu không nhờ Tào Mạnh Đức cả đời tuân thủ nghiêm ngặt phương châm của mình, nhờ đó thay đổi được cả một tầng lớp sĩ tộc thân Hán cố hữu, thì con trai ông là Tào Phi cũng không có cửa “phế Hán, lập Ngụy”. Trung Quốc từng xuất hiện vô số “bá giả” ôm tham vọng đế vương, nhưng giữ được “cái đầu lạnh”, biết kiềm chế bản thân để mở đường cho hậu duệ thực hiện đế nghiệp, sử không có mấy người.

Nguồn: Tri Thức Trẻ