Giải mã “lá chắn sống” 3 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

(VoThuat.vn) – Lớp an ninh bảo vệ các lãnh đạo Triều Tiên được cho là một trong những lớp an ninh nghiêm ngặt nhất thế giới, thậm chí một con kiến cũng không thể lọt qua.

Theo nhà phân tích Michael Madden, chuyên gia quản lý trang NK Leadership Watch và là học giả tại Viện Mỹ – Triều thuộc Trung tâm Stimson, những vệ sĩ thường chạy quanh xe limousine của ông Kim Jong-un và theo sát ông “như hình với bóng” thuộc biên chế “Văn phòng Trung ương số 6”. Cơ quan này có tên gọi chính thức là Tổng cục Phụ tá sĩ quan (MOA).

Nhóm cận vệ này là lớp bảo vệ thứ nhất, được sàng lọc từ lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Những người được tuyển trước tiên phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Các tiêu chí về thể chất như chiều cao và thị lực được quy định tỉ mỉ. Quân nhân được chọn phải có thành tích đáng kể trong thời gian tại ngũ, hoặc đặc biệt xuất sắc trong những kỹ năng tác chiến như võ thuật, bắn súng.

Họ còn được sàng lọc qua quá trình xác minh lý lịch gia đình trong phạm vi hai đời. Nhiều thành viên có quan hệ họ hàng với gia tộc Kim hoặc sinh ra trong các gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa.

Lee Young-kuk, người đào tẩu từng là vệ sĩ cho cố lãnh đạo Kim Jong-il, nói rằng ông đã trải qua quá trình huấn luyện rất khó khăn. “Nhưng tại sao phải làm thế? Đó là để xây dựng lòng trung thành. Một khẩu súng ngắn không thể làm nên chiến thắng chiến tranh và Taekwondo không có ý nghĩa gì nhiều, nhưng nó tạo ra lòng trung thành”.

Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un di chuyển, các cận vệ tạo thành một vòng tròn xung quanh ông với tầm quan sát 360 độ để giám sát cả những người tới gần ông và vị trí ông đứng. Đội cận vệ đi trước ông Kim Jong Un gồm từ 3-5 người. Đội cận vệ đi song song với ông Kim Jong-un gồm từ 4-6 người, chia đều sang hai bên trái và phải. Cuối cùng là đội bọc hậu gồm từ 4-5 cận vệ.

Tất cả cận vệ được trang bị một súng ngắn bán tự động và một khẩu dự phòng. Họ là những người hiếm hoi được phép mang súng ở gần Kim Jong-un. Tuy nhiên, sự ưu tú của đội vệ sĩ này không phải nằm ở súng đạn mà ở khả năng quan sát và năng lực vô hiệu hóa các mối nguy hiểm.

Các cận vệ thường mặc vest đen, đeo ca-vát hoặc bộ trang phục kiểu Tôn Trung Sơn giống cán bộ đảng. Lái xe riêng của Kim Jong-un luôn đeo găng tay khi cầm lái. Dù mỗi người đều được trang bị tai nghe liên lạc, họ vẫn dùng phương pháp liên lạc truyền thống: đeo huy hiệu ở ve áo vest để dễ dàng nhận diện và giao tiếp với nhau bằng mật khẩu hoặc ngôn ngữ quy ước.

Những lớp bảo vệ thứ hai và thứ ba của ông Kim Jong-un được giao phó cho Bộ tư lệnh Vệ binh (GC). Cơ quan này chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho văn phòng, tư dinh và những địa điểm mà ông Kim đến thăm.

Mạng lưới bảo vệ này có thể thiết lập đến vòng thứ 6, cách vòng đầu tiên nhiều km, để đảm bảo an ninh. Có nguồn tin nói GC chỉ trực tiếp nghe lệnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ngoài ra, Bộ tư lệnh Vệ binh cũng đảm trách công tác chuẩn bị kỹ thuật và hậu cần. Họ điều phối và duy trình bảo mật cho đường dây điện thoại và các thiết bị điện tử khác cho nhà lãnh đạo.Đây cũng là lực lượng kiểm tra thực phẩm, thức ăn hay thuốc lá được nước chủ nhà chuẩn bị cho ông Kim Jong-un. Đội còn có một êkíp bác sĩ và nhân viên y tế điều trị riêng cho nhà lãnh đạo.

Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Ủy ban vì Nhân quyền tại Triều Tiên, GC có khoảng 100.000 thành viên.

Ở Triều Tiên, GC chịu trách nhiệm bảo vệ cơ sở tại bất cứ nơi nào ông đến, dù đó là tòa nhà văn phòng hay nhà ở. Các đặc vụ GC tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên hai trong số 3 máy bay hạ cánh ở Singapore.

Người đào tẩu Lee Yong-guk viết trong một cuốn hồi ký xuất bản năm 2013 rằng lớp an ninh bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên “là một trong những lá chắn kín kẽ nhất thế giới, kể cả một con kiến cũng khó lọt qua được”, ông nhấn mạnh.

Hiện chưa rõ chi tiết công tác bảo vệ nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên, khi ông Kim đặt chân đến Việt Nam. Tuy nhiên, các nguồn tin trên báo nước ngoài nói ông Kim sẽ còn đến Bắc Ninh, Hải Phòng nên quy mô đảm bảo an ninh sẽ tương tự hoặc thậm chí lớn hơn nhiều so với những gì người ta nhìn thấy ở hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi năm ngoái.

Anh Thư (T.H)