Giai thoại Tây Sơn: Ngũ thần mã

 Những chiến tích của nhà Tây Sơn trong công cuộc dẹp yên bạo loạn sau thời Hậu Lê không chỉ bao gồm những vị danh tướng như ba anh em anh hùng áo vải Nguyễn Nhạc – Nguyễn Lữ – Nguyễn Huệ. Theo sách Tây Sơn nhân vật chí của Đinh Sĩ An, những giai thoại đáng chú ý trong thời kỳ này còn có “ngũ thần mã” – 5 con ngựa quý Bạch Long, Xích Kỳ, Ô Du, Ngân Câu, Hồng Lư.

Ngôi sao võ thuật Ngô Kinh thân mật với vợ con ở sân bay

Thành Long đích thân mang đồ cứu trợ tới Nepal

BẠCH LONG CÂU – THẦN MÃ CỦA NGUYỄN NHẠC

Bạch long là ngựa của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc), vốn là ngựa rừng trên núi Hiển Hách, tục gọi là núi Hảnh Hót ở miền An Khê. Lông trắng như tuyết, bờm và đuôi lông dài, mượt như tờ, chạy nhanh như gió và nhẹ nhàng như bay, trông xa như một làn mây trắng vút trong gió; vì những lẽ đó mà nười dân tộc thiểu số gọi là ngựa nhà trời. Khi Nguyễn Nhạc lên An Khê cổ động người dân tộc thiểu số theo mình khởi nghĩa, người dân tộc thiểu số giao hẹn nếu ông Nhạc bắt được ngựa, thì sẽ theo và hết lòng phụng sự.

Nhờ những kinh nghiệm tháng ngày học nuôi ngựa ở thôn Bằng Châu và lui tới nơi rừng sâu buôn trầu với người dân tộc thiểu số, nên Nguyễn Nhạc đã dùng mưu lấy ngựa cái dụ ngựa rừng.

Ông Nhạc tìm mua một số ngựa cái tơ thật đẹp. Sau khi tập luyện thành thục, hễ nghe tiếng hú thì chạy đến, bầy ngựa cái được đem thả trên núi Hảnh Hót. Được vài hôm, ngựa rừng và ngựa nhà quen nhau. Hễ nghe tiếng hú thì ngựa đồng chạy về, ngựa rừng cũng chạy theo. Nhưng vừa thấy bóng người bèn quay đầu chạy trở lui. Nguyễn Nhạc bỏ cỏ tươi cho ngựa rồi trở về. Ngựa rừng trở lại ăn cỏ chung với ngựa nhà. Hôm sau Nguyễn Nhạc ở lại vuốt ve bầy ngựa nhà. Ngựa rừng đứng xa trông chừng. Dần dần thấy người cùng ngựa quen thân, ngựa rừng một vài con mon men lại ăn cỏ. Sau đó quen dần, ăn cỏ chung với ngựa nhà và cho Nguyễn Nhạc vuốt ve. Trong bầy ngựa rừng đó, rồi cũng có lúc con Bạch Long xuất hiện. Rồi từ đó Nguyễn Nhạc thuần dưỡng được ngựa, gười dân tộc thiểu số tại vùng An Khê cũng vì thế giữ lời hứa mà theo nhà Tây Sơn.

Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất. Bạch Long Câu ban đêm vượt tàu ngựa chạy thẳng một mạch về núi Hảnh Hót. Từ đó rừng núi Hảnh Hót đêm đêm vang tiếng ngựa thần hí lên nhớ người chúa cũ

THẦN MÃ XÍCH KỲ  NGUYỄN VĂN TUYẾT

Xích kỳ là ngựa của tướng quân Nguyễn Văn Tuyết.

Con thần mã này lông đỏ tía, kỳ và lông đuôi dài màu đen huyền, vốn dòng Bắc Thảo, sức mạnh ngày đi vạn dặm không đổ mồ hôi, chạy nhanh như gió. Xích Kỳ vốn của chúa Nguyễn Phúc Khoát được nước Cao Miên (Campuchia) tặng làm cống vật. Chúa Võ vương rất yêu thích, nhân đi tuần du phương nam đến Quy Nhơn bị Nguyễn Văn Tuyết vào chuồng cướp đi. Một mình một ngựa, Tuyết đang đêm phi thẳng lên Kiên Mỹ theo phò Nguyễn Nhạc lập được nhiều công lớn.

Năm Mậu Thân (1788) Xích Kỳ vượt ngàn dặm từ Thăng Long đưa Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân cấp báo tình hình quân Mãn Thanh vào Hà Nội.

Năm Nhâm Tuất (1802), thành Thăng Long bị tấn công, Đại Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng phu nhân hộ giá vua Bửu Hưng cùng cung quyến qua sông Nhị Hà lên phương Bắc. Đến Xương Giang bị vây. Trong trận này con Xích Kỳ cùng với Đô Đốc Tuyết xông pha giữa muôn quân và cả hai đều trúng đạn tử trận

Ô DU THẦN MÃ – TƯỚNG ĐẶNG XUÂN PHONG

Ô Du có sắc lông đen nhánh như mun, bốn chân thon nhỏ như chân nai, có tài leo núi hay vượt qua các ghềnh núi đá chập chùng. khi chạy trên núi cao thì tài nghệ mới phô bày, người cưỡi như ngồi trên đất bằng. Nhờ Ô Du mà Đặng Xuân Phong ra trận đầu liền chiếm được Thăng Bình và Điện Bàn.

Sau khi Nguyễn Bảo, con vua Thái Đức bị giết, Đặng Xuân Phong liền từ quan trở về quê quán rồi trở đi nơi khác. Ô Du cũng theo chủ đi biệt tích.

NGÂN CÂU THẦN MÃ – NỮ TƯỚNG BÙI THÌ XUÂN

Là ngựa của bà Bùi Thị Xuân, tục gọi là ngựa Kim. Ngựa có sức mạnh và tài đi trong đêm tối. Dù trên đường đi có hầm hố, trở ngại, ngựa vẫn chạy mau như ban ngày trên đường trường. Người đời bảo rằng dưới chân ngựa có mắt sáng để đi trong đêm tối. Nhờ có tài kỳ diệu này mà Ngân Câu đã phi nhanh trong trận phục kích Rạch Gầm khiến tướng Xiêm là Lục Côn không kịp phản ứng đã bị nữ tướng Bùi Thị Xuân chém bay đầu một cách dễ dàng như Quan Vân Trường cưỡi Xích Thố chém Huê Hùng đời Tam Quốc bên Tàu. Trong trận Đâu Mâu cũng nhờ con Ngân Câu mà Bùi Thị Xuân đã cứu được vua Bửu Hưng…

Khi miền Bắc lâm nguy, Trần Quang Diệu bỏ Quy Nhơn ra Nghệ An để giải cứu. Vì phải đi đường thượng đạo nên Quang Diệu mang trọng bệnh mà bị bắt sống tại Hương Sơn. Bùi Thị Xuân ở Diễn Châu hay tin, giục Ngân Câu vượt đường dài đến Giáp Sơn thì gặp quân đang áp giải Quang Diệu và Văn Dũng. Tả xông hữu đột, bà cứu được chồng, cùng cưỡi chung lên lưng Ngân Câu chạy về Thanh Hóa. Nhưng đến sông Thành Chương thì Ngân Câu bị đạn tử thương. Hai vợ chồng Trần, Bùi bị bắt trở lại và bị giải về Nghệ An.

HỒNG LƯ THẦN MÃ – TƯỚNG LÝ VĂN BƯU

Là ngựa của tướng Lý Văn Bưu. Lông sắc hồng, hình vóc giống ngựa thường. Đầu Hồng Lư giống đầu lừa, mình ốm o như đói cỏ, bốn chân cao lỏng chỏng như chân nai. Tánh tình hay giở chứng, muốn đi thì đi, muốn chạy thì chạy, không ai có thể điều khiển được theo ý muốn. Chỉ riêng có chủ là Lý Văn Bưu mới điều khiển được dễ dàng. Họ Lý cưỡi ngựa không bao giờ dùng yên cương, ông chỉ điều khiển bằng đôi chân.

Hồng Lư tuy dị tướng song chạy nhanh, bền bỉ và khôn ngoan. Khi ra trận không cần chủ điều khiển, ngựa tự biết tiến lui theo ý chủ. Chỉ một nhịp nhẹ của đôi chân Hồng Lư biết phi như tên bắn, bay theo quân địch đang tìm đường trốn chạy. Hồng Lư biết vượt qua chướng ngại vật để chận đầu ngựa địch, để cho chủ xử lý địch thủ một cách gọn gàng.

Trừ các con thần mã còn lại là Bạch Long, Xích Kỳ, Ô Du, Ngân Câu thì các con ngựa khác đều khiếp sợ Hồng Lư. Khi Hồng Lư hí lên một tiếng, các con ngựa chung quanh đều cụp tai, cúp đuôi hoặc lồng lên cắm đầu bỏ chạy, nhờ Hồng Lư mà Lý Văn Bưu đã tổ chức được một đoàn kỵ mã cho nhà Tây Sơn và cũng nhờ sự có mặt của Hồng Lư trong đoàn kỵ mã mà đoàn ngựa không những không sợ đàn voi của bà Bùi Thị Xuân mà còn phối hợp khi giao tranh với quân địch.

Hồng Lư luôn luôn có mặt cùng với Lý Văn Bưu khắp các nơi trận tuyến. Khi họ Lý theo vua Quang Trung ra Bắc tảo trừ quân Mãn Thanh thì Hồng Lư cũng được tham gia trận đánh ở Nhân Mục Thanh Trì và đánh đồn Khương Thượng.

Khi Cảnh Thịnh lên ngôi, Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, triều chính Tây Sơn đổ nát thì Lý Văn Bưu xin được lui về quê quán. Còn Hồng Lư theo chủ trở về với thiên nhiên núi đồi.