Hải Đăng Pháp Sư – Vị cao tăng bí ẩn minh chứng cho câu nói ‘Thiên hạ công phu xuất thiếu lâm’

(VoThuat.vn) – Hải Đăng Pháp Sư là một trong những vị cao tăng tinh thâm Phật pháp và võ thuật nổi tiếng bậc nhất tại Trung Quốc trong thế kỉ 20. Ông sở hữu nhiều bí kíp võ công Thiếu Lâm mà không ít người ngỡ rằng chỉ có trong truyền thuyết hay phim kiếm hiệp.

Pháp sư Hải Đăng sinh năm 1902 tại huyện Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong một gia đình nông dân nghèo. Ông thông minh, sáng dạ, yêu thích văn học nhưng tuổi thơ chịu nhiều bất hạnh khi hay đau ốm, lên 5 tuổi đã mồ côi mẹ và 7 năm sau, cha ông tiếp tục ra đi sau khi bị một toán cướp sát hại. Hải Đăng sau đó được một người cậu nuôi dưỡng và dạy võ nghệ trong điều kiện vô cùng thiếu thốn.

Thời thanh niên, ông được nhận vào Đại học Tứ Xuyên, nhưng không theo học vì gia cảnh bần hàn. Thay vào đó, ông chọn học tại Học viện cảnh sát Tứ Xuyên. Trong khi học tập ở Thành Đô, ông thường dành thời gian đi nhiều nơi tìm kiếm kiến ​​thức đích thực về các giá trị tinh thần và võ thuật.

Chân dung Hải Đăng Pháp Sư

Trong quá trình này, ông gặp gỡ với một số tu sĩ. Những cuộc gặp này đã truyền cảm hứng cho Hải Đăng từ bỏ các nghiên cứu thông thường của mình và thay vào đó tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu võ thuật Trung Hoa. Vào mùa xuân năm 1931, Hải Đăng cảm thấy mệt mỏi với sự xô bồ của thành thị và quyết định thôi học tới xuất gia tại một ngôi chùa phía đông bắc của Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, pháp danh Hải Đăng xuất hiện từ đây, khi đó ông 22 tuổi.

Năm 1928, cơ duyên với Thiếu Lâm Tự đến với ông sau sự kiện tướng Thạch Hữu Tam trong chiến dịch Bắc Phạt đã phóng hỏa đốt chùa Thiếu Lâm tự, thiêu hủy một số sảnh đường và nhiều văn thư vô giá… Sự việc khiến chư tăng phải tìm nơi lánh nạn. 2 trong số họ đã về Tứ Xuyên – ngụ tại ngôi chùa nơi Hải Đăng đang tu tập. Hai Đăng nhanh chóng trở thành đệ tử của họ. Ông được truyền thụ thập bát ban võ nghệ và nhiều công phu thượng thừa của phái Thiếu Lâm. Trong đó nổi bật nhất là Đồng Tử Công, Dịch Cân Kinh, Mai Hoa Thung và Nhất Dương Chỉ.

Pháp Sư Hải Đăng vẫn có thể biểu diễn Nhất dương chỉ khi đã ngoài 80 tuổi

Sau thời kì nội chiến Quốc – Cộng, Pháp sư Hải Đăng được mời về giảng dạy võ thuật tại Thiếu Lâm tự. Ông rất coi trọng võ đức, thường nhắc nhở các môn sinh rằng, võ thuật là để rèn luyện thân thể, trợ lực cho việc tu hành và bảo vệ kẻ yếu, tuyệt không được sử dụng để tranh đấu, hãm hại bách tính. Ông cũng dạy cả những người dân thường tập khí công với hi vọng ai ai cũng có được sức khỏe tốt.

Hải Đăng Pháp Sư sau đó có những khoảng thời gian ngắn đến sống tại chùa Thiếu Lâm vào các năm 1947, 1953 và 1964. Thời kì Cách mạng văn hóa, một thời kỳ phá bỏ truyền thống và báng bổ tín ngưỡng ông cũng là đối tượng bị Hồng vệ binh bức hại nhưng vẫn sống sót qua giai đoạn này và dành thời gian sau đó sống tại quê nhà Tứ Xuyên trong một túp lều trên triền đồi, tùy ý nghiên cứu võ công và thơ Đường, sống cuộc sống tiêu diêu tự tại. Ông được biết đến là một tài năng thơ Đường, am hiểu văn học truyền thống Trung Hoa, thư họa và kinh điển Phật học.

Trong thời gian sống ở Thiếu Lâm tự, ông thu nhận nhiều đồ đệ và học trò nổi tiếng nhất của ông là khí công sư, bác sĩ Nghiêm Tân – một khí công sư danh tiếng của Trung Quốc thời thập niên 80, tác giả của cuốn sách “Hoa Hạ Thần Công” được nhiều người biết đến.

Hải Đăng Pháp Sư và bác sĩ Nghiêm Tân, người học trò tài năng sở hữu nhiều công năng đặc dị

Đến năm 1982, thời kỳ những tuyệt học của Thiếu Lâm đã bị mai một, nhận lời mời của trụ trì chùa Thiếu Lâm và chính quyền tỉnh Hà Nam ông trở lại Thiếu Lâm tự và ngụ lại 4 năm để truyền thụ võ thuật chính tông cho các môn đồ tại đây.

Trong thời gian đó, một bộ phim tài liệu dài 1 giờ 20 phút đã được thực hiện bởi Hồng Kông Great Wall Pictures và Emei Film Studio mô tả về cuộc đời và các cảnh quay ông thi triển công phu Thiếu Lâm dù đã ngoài 80 tuổi đã khiến danh tiếng của ông được nhiều người biết đến và góp phần phát dương vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Trung Hoa 5000 năm.

Trong bộ phim, Pháp Sư Hải Đăng cho thấy khả năng phi thường khi đã ngoài 80 tuổi mà vẫn có thể sử dụng linh hoạt Nhật Nguyệt Trượng nặng hàng chục cân, dùng Dịch Cân Kinh chống đỡ tam thiết côn hay thi triển Nhất Dương Chỉ – dùng 1 ngón tay đỡ toàn bộ thân thể.

Phương thức nằm ngủ của Pháp sư Hải Đăng cũng được xem là hiếm có trên thế gian. Trong phòng của ông không có giường, chỉ có 1 cái ghế tọa thiền nhỏ. Kể từ khi nhập vào Phật môn, đã luyện tập thành Cương tọa bất ngọa huyền công, cả đêm chỉ ngồi đả tọa, 7 phần ngủ mê, 3 phần đề khí suốt cả ban đêm.

Pháp Sư viên tịch năm 1989, thọ 87 tuổi. Có thể nói, cuộc đời của Hải Đăng Pháp Sư là một bản hùng ca, cả đời ông sống thanh bạch, dành hết tâm huyết cho nghiên cứu võ học, tu luyện Phật Pháp và bảo tồn võ thuật Thiếu Lâm chính tông. Sự ra đi của ông thật sự là một mất mát lớn, bởi từ đó về sau, không còn ai có đủ tài đức chấn hưng Thiếu Lâm nữa. Ngôi chùa dần bị thương mại hóa dẫn đến cảnh chiếu thiền phủ bụi, tăng ni không tu tập và chỉ tìm cách kinh doanh, kiếm tiền như chúng ta thấy ngày nay.

Theo Hoài Anh