Hồi ký của một chưởng môn (Phần III)

“Hồi ký của một chưởng môn” là một tư liệu vô cùng quý báu. Qua đây chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn chân dung một Đệ nhất Công thần của Vovinam – Việt Võ Đạo. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp môn phái, một người kế nghiệp xuất sắc của Sáng Tổ Nguyễn Lộc. Ông đã vận dụng và phát huy hiệu quả về tư tưởng Cách mạng Tâm Thân của sáng Tổ. Các thế vật bằng chân, các thế đánh bằng tay được ông tô bồi trở thành một “quyền lực mềm” chinh phục nhiều thành phần trên phạm vi xã hội rộng lớn.” – Chauminhhay’s Blog

Hồi ký của một chưởng môn (Phần II)
Hồi ký của một chưởng môn (Phần I)

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đặc biệt ở khu Hàng Bún nơi gia đình tôi ở xảy ra những trận đánh nhau ác liệt giữa quân tự vệ ta và lính Pháp trước đó hai ngày, khi mọi người đang đào giao thông hào thì bị lính Pháp tấn công. Lúc đó tôi mới vừa rời khỏi giao thông hào đang đi vào một ngôi chùa, bọn Pháp ở phía bên kia đường tấn công dồn người dân lại. Tôi vội vã băng qua con đường tắt phía sau chùa rời khỏi nơi này, nhờ đó mà thoát chết.

Thời kỳ này hàng ngày đều có tin người Pháp bị đánh ở khu phố này, bị giết ở khu phố khác, dân chúng Hà Nội bắt đầu tản cư về các vùng ngoại ô. Gia đình tôi cũng theo dòng người tản cư ra đi với hai bàn tay trắng, bao nhiêu tài sản bỏ cả lại Hà Nội, đến Thường Tín tá túc tại nhà người chị ruột của mẹ tôi.

Huyện Thường Tín nghe tôi có nghề võ nên ngỏ ý mời dạy cho tổ chức thanh niên tại đây, sẵn sàng chấp nhận đài thọ ăn ở cho cả gia đình tôi. Ngoài ra nếu ai muốn học riêng, tôi có thể lãnh dạy để có thêm ít tiền bạc, nhưng tôi từ chối vì phải chờ bắt được liên lạc với Sáng Tổ. Dù rất say mê nghề võ nhưng tôi chỉ dạy khi có sự điều động của chính thầy Nguyễn Lộc. Lúc bấy giờ chúng tôi tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh cũng như sự chỉ định của Sáng Tổ, muốn dạy ở nơi nào phải được phép của thầy.

Khi nghe tin thầy Lộc đưa cả gia đình gồm ông bà thân sinh, vợ và các em (ông chưa có con) tản cư về làng Cự Đà, Quang Minh (tỉnh Hà Đông) thì tôi từ biệt gia đình đi theo thầy. Một số bạn bè đồng môn cũng tụ tập về đây.

Ngay từ đầu tôi theo tập võ cốt luyện tập cho khỏe chứ không có ý định theo nghề này. Cơ duyên đưa đẩy tôi trở thành võ sư, thời gian đầu việc dạy võ tuy phải cố gắng rất nhiều nhưng vẫn có mặt hạn chế, không bằng một số bạn bè khác. Nhất là phần giảng về lý thuyết, đầu lưỡi tôi to nên giọng nói hơi bị ngọng. Do vậy trong những buổi khai giảng lớp dạy võ, đến phần thuyết trình cho môn sinh về nguồn gốc, mục đích và tôn chỉ của môn phái tôi luôn phải nhờ người khác nói giùm.

Chúng tôi đang dạy võ ở làng Hữu Bằng gần Hà Nội thì ông Dương Đức Hiền, lúc bấy giờ là chỉ huy trưởng dân quân du kích là chỗ thân tình với Sáng Tổ, nhân đi ngang qua báo cho biết:

Mặt trận sắp mở ra rồi, anh nên đi lên mạn ngược chứ đừng ở lại đây nữa.

Do đó sáng Tổ phải đưa gia đình chuyển lên Phú Thọ, mở lớp dạy võ chừng ba tháng cho dân quân du kích, rồi trôi dạt lê Ấn Thượng, Đan Hà, Thanh Hương dạy cho thanh niên ưu tú ở Hà Nội lúc ấy tập trung về nơi đây, sau trở về Vĩnh Yên, Me Đồi…

Các môn sinh chia nhau đi khắp nơi để quảng bá môn võ, một số về vùng xuôi Nam Định, Thanh Hóa, một số đi theo các lực lượng kháng chiến, một số vào tận miền Trung, vào trong Nam.

Những bạn đồng môn xuất sắc hơn đã phân tán các nơi, tôi bỗng nhiên trở thành người giỏi nhất trong số các môn sinh còn ở bên cạnh thầy lúc đó.

Nhận thức rõ mặt hạn chế của mình nên tôi phải có phương pháp luyện tập riêng, nói năng thận trọng, chuẩn bị bài nói chuyện chu đáo nên dần dần thành công. Các bạn tôi trước đây giỏi hơn vì vậy mà có phần chủ quan, khi phát biểu cứ tùy hứng chứ không có bài bản như tôi. Như anh Quý chẳng hạn. Anh là người luôn nói giúp tôi mỗi khi khai giảng lớp mới, sau đó anh đi dạy ở mạn xuôi. Khi tôi dạy võ ở tại Thanh Hương cho thanh niên ưu tú từ các nơi quy tụ về đây, vào ngày khai giảng lớp mới, như thông lệ anh bảo tôi:

– Sáng nói được không, hay để tôi lên nói giúp cho?

– Nhờ anh Quý nói giúp hộ.

Thế là anh thuyết trình trong buổi đầu tiên và tôi nhận ra rằng anh nói tùy hứng không có bài bản nên thiếu mạch lạc và không chính xác. Trại này có ba lớp khác nhau, mỗi ngày khai giảng một lớp. Sáng ngày thứ hai tôi nói với anh:

– Anh cứ để Sáng tập nói cho quen.

Sau khi ngồi nghe, thấy tôi nói năng chững chạc, anh tự động bảo:

– Thôi từ nay Quý phải nhường Sáng rồi.

Thời gian này võ thuật được truyền dạy cho tất cả thanh niên và được Chính phủ kháng chiến thừa nhận là môn rèn luyện thân thể. Tôi sử dụng giấy chứng nhận của ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền ký, lại thêm chữ ký của Sáng Tổ chỉ định công tác nên rất có giá trị, có thể đi lại khắp nơi một cách dễ dàng, không bị dân quân du kích gây khó khăn.

Chưởng môn Lê Sáng trò chuyện cùng võ sư Lương Thuận Vui
Chưởng môn Lê Sáng trò chuyện cùng võ sư Lương Thuận Vui

Do hoàn cảnh không được học lên cao, nhưng tôi thuộc loại người tháo vát nên làm được nhiều việc mà những người khác có trình độ hơn phải thúc thủ. Vì vậy đôi khi tôi cũng bị mỉa mai là “thằng dốt làm liều”. Điều này khiến tôi tự ái nên cố gắng trau dồi kiến thức, đọc nhiều sách báo, học ngoại ngữ… nhờ vậy mà trình độ ngày càng khá hơn.

Tôi may mắn được theo Sáng Tổ đi suốt vùng Việt Bắc, ngang dọc khắp nơi để dạy võ cho thanh niên. Chính trong thời gian vô cùng thú vị này ý chí của tôi được rèn luyện thêm già dặn, tinh thần tôi được gạn lọc và vững vàng.

Ngoài nghĩa thầy trò, tôi còn được Sáng Tổ đối xử như anh em, đồng lao cộng khổ. Tuy là nhà võ, nhưng ông có cốt cách, dáng vẻ của một văn nhân, giọng nói ấm áp chân tình, nụ cười hiền hòa cởi mở. Thường ngày luyện tập khắc khổ nhưng ông vẫn là người có tâm hồn nghệ sĩ. Ông thường mãi mê ngồi đàm luận văn thơ, hội họa, nhiếp ảnh suốt buổi hoặc qua đêm với môn sinh, bạn bè. Ông thân mật, hòa đồng, cư xử giản dị với tất cả mọi người. Những môn sinh sống cận kề ông đều được hưởng sự chăm lo chu đáo tận tình. Tuy vậy, khi bắt tay vào công việc hoặc khi luyện tập, ông lại rất nghiêm túc, cẩn trọng, đặt yêu cầu cao đối với bản thân cũng như đối với các cộng sự. Giao lưu rộng rãi, tính tình hào hiệp, ông đã gây được một ảnh hưởng lớn lao và được mọi người tin yêu, quí trọng.

Tôi gắn bó với Sáng Tổ nên được ông tin cậy tâm sự cả những chuyện riêng tư mà không bao giờ thổ lộ với ai. Có thể nói tình thân của Sáng Tổ và tôi chẳng khác anh em ruột thịt, ông bà thân sinh của thầy cũng xem tôi như con cái trong nhà.

Thời kỳ này tôi được Sáng Tổ giao trách nhiệm dạy chính, thầy chỉ ngồi quan sát và hướng dẫn thêm khi cần. Về sau tôi cũng áp dụng phương pháp của Sáng Tổ, giao cho những môn sinh giỏi dạy học trò mới nhập môn chứ tôi không đích thân truyền võ nữa.

_Hết Phần III_

Còn tiếp…

Theo vovinamnghean.vn