Luận Võ – Võ thuật, Võ đạo và Thiền

 Trong thiên nhiên là thế, vậy thì trong đời sống hằng ngày tìm đâu ra được những đặc tính trên? Võ thuật, võ đạo  thiền.  Võ thuật có cương nhu; võ đạo và thiền có nhẫn; thiền có thêm trí giác.

Võ sư Trần Cây với tuyệt kĩ Hổ hình quyền

Cây tre và triết lý võ thuật

Hàng dừa lúc lắc, uốn cong mình, đong đưa theo gió, và ngả bóng nghiêng dài xuống bờ cát trắng. Xa xa, từng đợt sóng cuộn lăn tăn, vỗ ì ầm vào ghềnh đá, và làm bắn tung lên những bọt nước trắng xóa.  Phút chốc, tiếng sóng biển, tiếng hải âu và tiếng thì thầm của gió giao hòa thành một bài nhạc êm dịu, ngoạn mục phụ họa cho nhịp điệu lắc lư của hàng dừa.  Cảnh vật của biển thật thơ mộng, thật thanh bình và hiền hòa. Nhưng biển có lúc giận không?  Có chứ! Cơn thịnh nộ của biển đưa đến bão táp phong ba và những trận cuồng phong càn quét mọi thứ thành bình địa. Nhưng hàng dừa vẫn ngả nghiêng và thướt tha, có lúc như trầm tư mặc tưởng và có lúc như mặc nhiên, bất chấp sự đe dọa của trận cuồng phong.

 “Nhu thắng Cương

 Chơ vơ một góc trời, ghềnh đá phẳng lỳ hứng chịu từng đợt sóng liên tục đập vào như vũ bão.  Nương theo đó, những góc cạnh thô thiển,  nhô lên tuy mạnh mẽ nhưng lẻ loi của ghềnh đá, nay đã dần dần rơi rớt theo thời gian và tan theo bọt sóng.  Ghi nhận lại một chứng tích cho tạo hóa, ghềnh đá trơn tru, rắn chắc biểu lộ sự quả quyết và sự nhẫn nại phi thường, chịu đựng hằng bao thế kỷ đã qua.

 “Cương và nhẫn

 Trong thiên nhiên là thế, vậy thì trong đời sống hằng ngày tìm đâu ra được những đặc tính trên? Võ thuật, võ đạo  thiền.  Võ thuật có cương nhu; võ đạo và thiền có nhẫn; thiền có thêm trí giác.

Võ thuật ở bình diện thấp diễn tả những kỹ thuật và phương pháp luyện tập cho thân thể được cường tráng, tạo khí lực đủ để tự vệ  khi gặp bất trắc, gia tăng sức đề kháng hay phản công khi phải đối đầu với những áp lực đe dọa từ bên ngoài hay để khống chế đối phương ở trình độ cao.  Võ biểu hiện sức mạnh áp đảo, bắt người phải tuân phục mình.  Thuật nói lên tính đa dạng qua các màu sắc môn phái và đặc điểm riêng biệt của từng vùng miền.  Kỹ năng hữu hiệu nhất qua việc rèn luyện của võ thuật là việc vận dụng các bộ phận cơ thể như các khí cụ chiến đấu để bảo vệ, phát huy sức mạnh và mức linh hoạt, gia tăng lòng tự tin và đem lại sự an toàn để vượt qua mọi tình huống nguy cấp.  Qua một thời gian dài khổ luyện và qua những kỹ thuật cơ bản lập đi lập lại trong các bài quyền như cương, nhu, khí, lực, tránh, né, công thủ liên hoàn, các thao tác của cơ thể, nhờ đó, sẽ dần dần trở thành các phản xạ tự nhiên và ứng phó linh động hơn.  Đạt được như vậy là do trọng tâm của võ thuật, qua sự luyện tập thuần thục các bài quyền, đặt ở cái “dụng” của chiêu thức chứ không phải cái “hình” của chiêu thức.  Đó là nguyên tắc “giữ Hình để đạt Dụng.”  Ở trình độ cao, người sử dụng võ thuật có thể dẫn dụ địch xuất thủ theo ý muốn và dồn địch vào thế bị động.  Nhưng đây không phải là mục đích tối hậu cho người học võ mà chỉ là một trong những con đường dẫn dắt người tập đến gần tới Đạo hay phần tu sửa tâm tánh, rèn luyện nội tâm để không sa vào những sai lầm, mê muội.

So sánh với Phật giáo, võ đạo thể hiện một phần nào tinh thần của hạnh tu Tiểu Thừa và Đại Thừa.  Tiểu Thừa là phần tự tu, tự rèn luyện cho chính bản thân mình để kiện toàn cơ thể, và tự khắc phục bản thân.  Người tập võ luyện tập thường xuyên để có cái thân mạnh khoẻ, gia tăng hệ thống miễn nhiễm và tiêu trừ bệnh tật.  Với cái thân cường tráng đó, võ sinh sẽ cảm thấy yêu đời, hoạt bát và vui vẻ hơn. Do vậy, họ sẽ bớt gắt gỏng với người đối diện và tránh tạo thêm nghiệp sân.  Về phần tâm, do sự bền chí để đạt được các đẳng cấp cao, võ sinh sẽ thu lượm thêm nhiều kiến thức và, do vậy, tầm nhìn sẽ càng ngày càng được mở rộng.  Hơn thế nữa, qua một thời gian dài khổ luyện và quan sát, võ sinh sẽ cảm nhận rõ được tình thương và phong cách của người thầy qua sự tận tụy truyền đạt và giáo huấn về nền tảng đạo đức cho người học võ: Phải biết khiêm tốn, hoà nhã với các bạn đồng môn, giúp đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ, kính nể cấp trên, không bắt nạt kẻ dưới, không khoe khoang, kiêu ngạo,  không ganh tỵ với người giỏi hơn mình và luôn phát huy được tinh thần nghĩa hiệp.  Khi tâm của người võ sinh được khai mở, con đường Đại Thừa sẽ bắt đầu hé lộ.  Khởi sự như thế nào? Bắt đầu bằng những công việc như giúp người đạt được trình độ như mình mà không ích kỹ, giúp người gặp cảnh khốn cùng khi có điều kiện, cung cấp thuốc men hay giúp chữa lành cho người đang bị đau đớn khi mình có khả năng và ở lãnh vực luật pháp cho phép, can trường bảo vệ cho người cô thế trước ách hống hách của cường quyền, hay đóng góp công sức cho các sinh hoạt văn hoá hữu ích ngoài xã hội.

Võ đạo cũng thể hiện được một phần nào lòng Từ, Bi, Trí, Dũng đề cập trong giáo lý của đạo Phật.  Lòng Từ là lòng thương người.  Các bậc võ sư thời xưa, trước khi hạ sơn, phải học cả võ thuật lẫn y đạo vì “khi biết cách giết người thì phải biết cách cứu người.”  Võ đạo còn thể hiện được sự nhân hậu qua tinh thần không những không muốn làm thương tổn hay gây thương tích đến người mà, hơn thế nữa, còn phải tìm đủ mọi cách để nâng đỡ cho họ có được cơ hội thăng tiến tốt đẹp như mình!  Điều này có thể thấy được qua phong cách cởi mở và sự nâng đỡ vô vụ lợi cuả các bậc võ sư trưởng thượng trong Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới hay qua sự mến mộ nhân tài, sự tận lực tạo điều kiện thuận lợi để  truyền đạt tinh hoa võ thuật cho các cá nhân xuất chúng để họ đại diện cho cộng đồng đi “đánh chuông xứ người”  hay cho các thế hệ mai sau của vô số các bậc võ sư thượng thặng và có lòng tại các võ đường địa phương.  Lòng Bi là mong muốn người khác được vơi đi nỗi khổ, bớt đi đau đớn và có được sự an vui trong cuộc sống.  Tổ Sư Morihei Ueshiba của Aikido đã có câu nói:  “Anh là một võ sĩ?  Chừng nào anh tự cứu lấy anh mà không làm đau đớn thiệt hại gì cho địch thủ thì anh mới xứng đáng xưng mình là võ sĩ?” Thêm vào đó, nguyên tắc “hạ thủ lưu tình” (nhẹ tay khi ra đòn) khi phải đối đầu hay sự áp dụng những chiêu thức cầm nã (bắt, chụp, khoá, bấm huyệt đạo) để khống chế địch thủ mà không gây thương tích khi không cần thiết đều nói lên được một tinh thần thượng võ cao độ.  Cái Trí của người tập võ là sự tích tụ kiến thức, biết phân biệt phải trái, biết tôn trọng sự trung tín, không làm trái với đạo lý làm người, không vì lợi lộc hay hư danh mà chà đạp lên danh dự người khác.

Ngoài ra, cái trí còn bao gồm sự uyển chuyển trong cách cư xử, giao tế để không bị mắc kẹt vào những hoàn cảnh khó xử hay sự vận dụng thuật biết người biết ta “tri kỷ tri bỉ” để biết khi nào cần phải vận sức đối chọi hay khi nào nên chờ một dịp khác.  Cái Dũng của người tập võ là sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục đích, “thắng không kiêu, bại không nản”, tinh thần bất khuất khi phải trực diện với cường địch, và sự can trường ủng hộ kẻ thấp cổ bé miệng bị hiếp đáp.  Võ đạo đem đến phần trí giác (cái biết đúng) nhưng, muốn thực chứng, võ sinh phải đào sâu vào nội tâm, tìm đến ngưỡng cửa của Thiền.

Tự tánh của bài quyền đã là một dạng thiền kiểm soát thân tâm qua sự chú tâm và sự cài đặt cái hồn đến từng cử động khi đi quyền, sự thả lỏng cơ thể qua các thế múa uyển chuyển, chậm rãi, và liên tục của Thái Cực Quyền, hay sự tĩnh động qua các động tác cương nhu, nhanh chậm.  Nhưng lúc không đi quyền thì sao?  Cách hành xử của chúng ta sẽ bị nghiệp chi phối, dẫn dắt.  Gặp chuyện không vui hay không vừa ý, chúng ta vẫn nóng nảy như thường.  Chúng ta vẫn bị cảm thọ làm che mờ đi “chân giác”, cái bất sanh bất diệt trong thức.  Một trong những phương pháp để kéo dài sự tỉnh thức, kiểm soát thân tâm và có được sự trầm tĩnh đó là tọa thiền.  Phương pháp này đòi hỏi một sự truyền thừa chánh thống của một bậc chân sư và sự kiên trì tập luyện.  Có thâm nhập sâu vào trong các tầng thiền định, chúng ta mới có duyên  hiểu được thế nào gọi là “Vạn Vật Đồng Nhất Tâm” và biết được cái tâm thật của chúng ta  Lúc đó chúng ta mới thực sự hiểu chúng ta chỉ là một hạt cát của sông Hằng hay một hạt bụi trong vũ trụ.  Hiểu đúng như thế, cái ngã của chúng ta sẽ từ từ thu nhỏ lại.  Từ đó, tình yêu thương chân thật, khi bộc phát, sẽ là một động lực chánh dẫn dắt chúng ta làm trong mọi hành động.

 

Sống bình thường là tu.  Tu bình thường là đắc.”   Câu này vừa đúng vừa sai!  Đúng ở chỗ là chúng ta sẽ đắc được “cái bình thường”, hay cái sanh diệt, có đó mất đó.  Qua việc tập võ hay thể thao, chúng ta có được sức khoẻ để an vui trong cuộc sống, phục vụ nhân sinh, hay thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên.  Nếu đạt được những điểm này là chúng ta đã quá hạnh phúc lắm rồi.  Nhưng để tiến xa hơn nữa, chúng ta phải nhắm đến cái “bất sanh diệt”. Chính tu cái “bất sanh diệt” này mới giúp chúng ta thoát khỏi vòng sanh tử  luân hồi và đem phần đại thừa của võ đạo đến gần tinh thần đại thừa của Phật giáo hay tinh hoa của các tôn giáo lớn.  Cái “bất sanh diệt” đó là gi`?  Đó là cái thần thức trường tồn bất biến đã đi theo chúng ta hằng muôn kiếp.  Làm thế nào để đạt được cái “bất sanh diệt”?  Tu sửa bản thân, thiền định, và luôn tích luỹ thiện nghiệp qua các hành động phát xuất từ cái “tâm” thật sự thương cảm người được giúp mà không làm vì “tướng” (vì bổn phận, chức vụ, hư danh, lợi lộc hay làm cho có).  Một đoá hoa sen nở rộ trong tâm, và vô số các hoa sen sau đó.  Ánh sáng trí huệ xóa tan bóng đen của sự vô minh.

Khám phá võ thuật

Clip: Võ đạo – kể cả trên đấu trường đẫm máu MMA

[jwplayer player=”1″ mediaid=”66018″]