Môn Savate – Võ truyền thống Pháp

Môn võ cổ truyền Pháp gần như chết hẳn. Tại Pháp ngày nay không còn mấy phòng tập, các võ sư thì đang hồi chết đói. Người Pháp đổ sang học võ Nhật . Môn võ quốc hồn quốc túy Pháp nhường chỗ cho võ Không thủ Đạo của Nhật. Guillemin là tay quyền thuật cổ truyền chính tông cuối cùng của môn võ mà ông gọi là “đánh kiếm bằng tứ chi”. Có lẽ bây giờ ông đã chết rồi, vì lần cuối cùng tôi gặp, ông đã ngoài tám mươi.

mon savate
Môn Savate

Nhưng chương này không nói về ông, vì ông là một bậc võ sư chính thống thuộc môn phái cổ truyền. Chương này thuật chuyện ông Baron J. Fegnier, cao thủ cuối cùng của môn võ Savate, cùng những bí quyết của môn võ này.

Khi lưu lại nước Pháp, tôi có nhiều dịp chứng kiến môn quyền thuật Pháp, nhưng chưa lần nào thấy môn Savate cả. Nhờ môi giới của một thiếu phụ, tôi lần được dấu vết của ông Baron J. Fegnier, con người mà thiếu phụ ấy nghe nói có một “đấu pháp lạ lùng”.

Như nhiều nhà quyền thuật Baron nghèo lắm. Tiền bạc chỉ đủ tiêu dùng. Trong hoàn cảnh đó, tôi đã được chứng kiến sự luyện tập trong cả một giờ của ông vào năm 1956. Ông gọi cái môn tai ác đó là luyện tập thì cũng lạ thật, nhưng ông cứ gọi như thế.

canh tap luyen cua mon sinh savate
Cảnh tập luyện của các môn sinh Savate

Khi tôi gặp Baron ông đã được 67 tuổi, một lão tướng đầu bạc nhưng vẫn lanh lợi, quắc thước. Mở đầu câu chuyện, ông cho biết môn Savate của ông nội dung cũng giống như môn Savate mà Michel Pisseux đã dạy vào đầu thế kỉ thứ 19, mà sau này bị môn quyền thuật Pháp chiếm chỗ. Môn quyền thuật gần như giết chết môn Savate. Nhưng có bậc đại sư tên Lajond, ngài chống lại môn thể thao mới, nên vẫn tiếp tục truyền dạy môn Savate. Nhờ vậy qua nhiều năm, môn võ được trao đến tay Fegnier. Đáp câu hỏi của tôi rằng trong giai đoạn này thì sao, ông Baron nói, vì chẳng có ai “xứng đáng” nên ông sẽ đem nghệ thuật này xuống đáy mồ.

Rồi ông than phiền với tôi về những người Mỹ đã quảng cáo các lớp dạy Savate.

“Họ chẳng biết gì hết ngoài cái trò phô trương, quảng cáo – ông nói – họ làm như mình sở trường cái môn võ mà thật ra họ chẳng biết gì hết. Muốn biết, ta chỉ cần nhìn những bộ tấn trong những quyển sách ghê gớm họ viết ra. Một kẻ sơ đẳng về Savate còn thủ tấn đúng hơn họ nữa. Họ sai ngay từ lúc bắt đầu chuyển bộ. Nội thủ tấn cho đúng không, các anh Mỹ này cũng chẳng làm được. Một vài anh đứng tấn, trông cứ thộn như bệnh no hơi không bằng.”

mot the tan cong cua savate
Một thế tấn công của Savate

Nói xong ông biểu diễn cho tôi xem ngón nghề. Ông ngồi xổm, đầu gối cong từ vị thế đó, hai chân ông tung đá như chớp nhoáng. Ông lướt đi trên hai đầu gối giữ thẳng, ông nhảy cỡn, quay cuồng. Thế rồi giữa chuỗi động tác ấy, ông tung những cú đá lẹ chưa từng thấy. Một con rắn mổ nhanh 8km/1giờ, một tay quyền Anh giỏi đấm khoảng 40km/1giờ, nhưng tôi phỏng độ những ngọn đá của Fegnier phải nhanh đến 50km/1giờ.

Ông hồi bộ, giải thích cho tôi rõ ràng, môn Savate chuyên về những cú đá hạ đẳng, ông đã phát triển thêm cú đá thượng đẳng như một võ khí đặc biệt. Ông cho rằng mũi và môi là những mục tiêu tốt nhất. Vì tính nhạy cảm của chúng. Ông nhận rằng cú đá thượng đẳng nhằm vào đầu địch thủ có thể nguy hiểm cho người tấn công, nhưng ông thành thật khi nhận xét sức nhanh của ngọn cước ông tung ra mau đến nỗi giá có đá hụt địch thủ, ông vẫn kịp hồi bộ trước khi y phản đòn.

“Tôi không nói khoác đâu” ông bảo, “Savate là môn võ nguy hiểm vô địch. Tôi đã sử dụng môn võ đó trong rất nhiều cuộc chiến đấu với đủ hạng người. Luôn luôn tôi thành công, đó là lý do tôi hơi độc đoán một chút”.

Ông cho tôi ngoạm một quả cà chua chín, và bảo tôi đứng song đối diện với ông ta. Xong ông dặn lúc nào tôi nhận thấy ông nhúc nhích là phải lẹ làng né đầu hay né cả người đi liền.

Ông đối mặt tôi, môi khẽ nở nụ cười. Tôi nhìn chăm vào vai ông chờ đấu hiệu. Tôi cảm thấy một cái gì đó và phản ứng liền, nhưng quá trễ – quả cà chua tung tóe khắp mặt, tóc và mặt tôi, trừ mảnh nhỏ còn dính nơi răng.

Con người ông xuất thủ như chớp xẹt !

Sau đó, ông bảo, ông sẽ cố ý đánh trượt khỏi mũi tôi khoảng hai phân rưỡi, tôi cứ tha hồ phản đòn. Thế là đúng sở trường của tôi rồi. Tôi thường biểu diễn ngón nghề đó khi gặp bất cứ vị võ sư nào. Đó là ngón nghề ấn chứng cho một môn phái. Chúng tôi giao đấu. Lần này tôi cố theo kịp ông. Vừa khi chân ông tung mờ mịt dưới mắt tôi liền vận đủ mười hai thành công lực vào chân phải tung cước ngay hạ bộ ông. Tôi đá lẹ và chính xác nhưng dường như ông vẫn có đủ thì giờ để tắm rửa, cạo râu ! Ông rút chân phải vừa đá xuống, tung chân trái vào xương ống quyển của tôi. Thật là ác liệt một sức mạnh bất kham giáng trên một mục tiêu bất động ! Cú đá ngừng ngay giữa. Một cơn đau mãnh liệt tràn đến, toàn thân tôi đong đưa về trước rồi quỵ xuống gối phải.

Ông làm bộ hỏi. “Có đau không” tôi nhăn mặt, trả đũa lại, “Chỉ khi nào cười mới đau”, ông ta lấy thuốc bóp vào chỗ đau cho tôi, rồi sau một lúc nghỉ ngơi. Ông tiếp tục câu chuyện bỏ dở.

“Không thủ đạo để tâm quá nhiều đến trò chặt gạch, đấm ngói mà quên đi việc tập luyện khả năng đo đường, khoảng cách và xác định vị trí. Bởi vì, ngoài tốc độ ra, những yếu tố đó là chìa khóa mở vào tài năng chiến đấu. Sức mạnh chỉ là thứ yếu. Để tôi biểu diễn cho ngài thấy điều đó!”.

Tôi khập khiễng đứng lên, ông ta lại tiến sát đến. Ông khởi đá vào hai trái tai tôi liên tiếp hai chân. Mỗi ngọn cước đều chớp nhoáng và lướt nhẹ qua trái tai tôi. Tôi thấy thích thú vì chẳng đau đớn gì, nhưng chợt cơn đau xé càng lúc càng tăng. Nó tăng mãi, đau đến không thể chịu được. Ông cứ đá tiếp, lúc đó, hai trái tai tôi tê dại đi không còn cảm thấy gì nữa. Ông bèn dừng lại và nói:

“Như mọi người, ông cũng nghĩ rằng trái tai không mấy nhạy cảm. Nhưng ngay cả những vùng giới hạn đó, ta vẫn gây được tổn thương như thường. Nguyên do nào tôi làm cho ông đau ? Những cú đá đều mạnh ngang nhau. Nhưng, những cú đầu tôi đá vào phần trái tai xa đầu nhất. Khi tôi đá tiếp, lần này nhắm phần trái tai sát với đầu, lúc đó thần kinh mặt của ông bị đau đớn vì cơn đau từ khu thần kinh cảm giác từ trên má qua phần tay trên truyền xuống trái tai. Nhưng cơn đau này không kéo dài lâu, và cả vành tai tê lịm đi. Tôi chỉ muốn làm thế để chứng tỏ rằng ngay đến mục tiêu nhỏ, ta vẫn có thể chia nó làm nhiều mục tiêu nhỏ hơn nữa.”

mot tran thi dau savate
Một trận thi đấu Savate

Thời gian trôi qua. Tôi yêu cầu ông biểu diễn lần chót. Ông nhã nhặn chấp thuận. Ông đốt một điếu thuốc, bảo tôi bập mấy hơi rồi ngậm lên môi. Tôi làm theo, ông tiến đến, nhìn chăm chú điếu thuốc rồi đá thật nhanh.

Ông đá trượt. Bậc thầy bị té xuống đất ăn bụi, thường thì trong trường hợp đó, ta hay ngỏ lời biện hộ dùm ông, trút sự thất bại cho lí do này, lí do khác v.v…nhưng trong thâm tâm, ta lại khoái chí tử. Một kẻ vô địch đã ngã xuống mà ! Tuy nhiên Fegnier không coi đó vào đâu. Ông đứng dậy và mỉm cười. Tôi không hút thuốc, nhưng khoái chí quá cũng bập bập vài hơi.

savate khong chi danh cho dan ong
Savate không chỉ dành cho đàn ông

Thế rồi các bạn biết sao không ? Tôi hít vào chẳng thấy gì cả. Không có lửa. Baron Fegnier đã điều khiển ngọn cước dập tắt điếu thuốc tài đến nỗi tôi không nhận ra. Tôi nhìn điếu thuốc nghi hoặc còn ông ta đứng đó, cười rộ lên.

Khi chia tay nhau, ông nói những lời cuối, “Hãy bảo các bạn hữu của ông quên đi sức lực, và chú tâm trau dồi khả năng đo lường khoảng cách và xác định vị trí. Lúc đó họ mới có thể khá hơn được.

Theo võ sư JOHN F.GILBEY (Những môn võ bí truyền trên thế giới)