Nhát chém Katana và tinh thần Samurai

Lò rèn những thanh katana sắc bén cho bao thế hệ samurai, nông trại wasabi (mù tạt xanh) tạo ra hương liệu cho cả món kem và chocolate độc đáo, ngôi làng cổ Shirakawa đầy ấn tượng… viết nên trải nghiệm bất ngờ về một nước Nhật mà nhiều người tưởng chừng đã quá quen thuộc.

Trận quyết đấu như võ sĩ chuyên nghiệp của hai chú gấu Bắc cực
Chuyện tình hẹn hò 2 năm rồi kết hôn của võ sĩ Nguyễn Trọng Cường.

Cầm thanh katana (nhiều người Việt vẫn quen gọi là kiếm Nhật) một cách thuần thục, người võ sĩ luống tuổi tung nhát chém chính xác khiến thanh tre đứt khúc trong chớp mắt. Vết chém trên thanh tre “ngọt lịm” đến khó tin. Có chứng kiến tận mắt, người ta mới hiểu tại sao cách đây khoảng 1 thế kỷ, nhiều sĩ quan quân đội phương Tây ngỡ ngàng trước uy lực của thanh katana.

Khi ấy, người phương Tây vẫn tự hào thanh gươm của họ được làm từ những loại thép cứng nhất, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức “phát quang bụi rậm”. Trong khi đó, những thanh katana của người Nhật lại dễ dàng chém đứt cả hàng rào kẽm gai. Khác biệt như thế bởi từ nhiều thế kỷ trước, xứ Phù Tang đã đạt được một trình độ kỹ thuật cao trong rèn kiếm.

Thành cổ Matsumoto ở Nagano được phục dựng sau bao lần bị tàn phá - Ảnh: Ngô Minh Trí
Thành cổ Matsumoto ở Nagano được phục dựng sau bao lần bị tàn phá – Ảnh: Ngô Minh Trí

Tại Hamono-ya Sanshu, nơi rèn kiếm nổi tiếng ở tỉnh Gifu (Nhật Bản) có truyền thống hơn 800 năm, ba nghệ nhân ra sức nện chan chát những nhát búa mạnh mẽ xuống khối kim loại đang nóng đỏ rực cho đến khi nó nguội dần và được uốn gập lại đưa vào lò nung đến nóng đỏ để tiếp tục nện chan chát. Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại trong khoảng 10 lần để đảm bảo độ bền. Trước đó, họ đã phải lựa chọn thép, sắt non, sắt thô… thuộc loại tốt nhất để phân tách thành 2 phần vật liệu mềm và vật liệu cứng. Từ số vật liệu này, qua nhiều công đoạn khác nhau, lưỡi kiếm được hoàn thiện với phần lõi bên trong là thép cứng được bao bọc bởi phần vỏ mềm. Nhờ vậy, thanh kiếm vừa cứng cáp, vừa có thể chịu lực tác động lớn. Để trau chuốt hơn nữa, lưỡi kiếm được bao bằng bùn đỏ và trấu để cho khô, rồi khắc hoa văn lên lớp bùn và tiếp tục nung nóng. Sau đó, lưỡi kiếm được đem ra khắc theo mẫu lên lưỡi kiếm rồi mài bóng cho các hoa văn hiện ra.

Từ một kỹ thuật cao như vậy, katana đích thực là thứ vũ khí đầy uy lực, nên ngày nay ở Nhật, chỉ những võ sĩ có giấy chứng nhận mới được sở hữu. Trước đây, suốt nhiều thế kỷ liền, katana gắn liền cùng bao thế hệ samurai – một biểu tượng đại diện cho tinh thần bất khuất của người Nhật.

Sự bất khuất của người Nhật thực sự không phải đến từ chinh chiến, mà tồn tại ngay từ khi sinh ra để họ có thể tồn tại giữa vùng đất quanh năm đối mặt với muôn vàn tai ương. Khoảng 1.500 vụ động đất lớn nhỏ xảy ra mỗi năm là con số mà giới khoa học ghi nhận được ở Nhật. Không chỉ có động đất, xứ sở này còn phải gánh chịu hàng chục cơn bão lớn hằng năm và luôn phải sống trong tình cảnh bị đe dọa bởi hơn 100 ngọn núi lửa vẫn còn đang hoạt động. Hàng ngàn năm qua, người dân xứ sở hoa anh đào phải luôn học cách sinh tồn cùng thiên nhiên khắc nghiệt. Và rồi họ luôn cố gắng gìn giữ những giá trị truyền thống như một sự nhắc nhớ cho hiện tại lẫn tương lai về cách họ tồn tại trong quá khứ.

Sự gìn giữ đó khiến chúng tôi, những thành viên trong đoàn famtrip do Công ty Vietravel tổ chức dành cho nhà báo, không khỏi ngỡ ngàng khi tìm đến các địa điểm lịch sử được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở tỉnh Gifu. Không chỉ là phiên chợ sáng truyền thống hay khu phố cổ Sannomachi tồn tại như một thế giới lâu đời riêng biệt giữa thành phố Takayama, mà còn là ngôi làng cổ Shirakawa tồn tại tách biệt với văn minh đô thị, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Được bao bọc bởi nhiều ngọn núi cao và nằm ngăn cách với bên ngoài bởi một dòng sông nhỏ, ngôi làng như đưa người ta về với vùng nông thôn nước Nhật khoảng 300 năm trước. Từng ngôi nhà được giữ nguyên kiến trúc cũ và xen kẽ là những thửa ruộng nhỏ của các hộ gia đình. Phần mái nhà được thiết kế như hai bàn tay chắp lên cầu khẩn theo nghi thức cầu khẩn của người Nhật.

Không chỉ mang tính tôn giáo, thiết kế ấy còn giúp cho hằng năm, khi vào mùa đông lạnh giá với tuyết rơi dày đặc, tuyết sẽ tự chuồi xuống chứ không đóng thành lớp dày đè lên mái nhà. Mái nhà được làm bằng lớp rơm dày khoảng 40 cm để chống ẩm ướt và giúp ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè. Toàn bộ cột và các thanh đà đều được tuyển chọn từ những cây gỗ lớn, hàng trăm năm tuổi. Kết nối cột và đà với nhau, người dân ở đây chỉ đơn giản dùng các loại dây được bện chặt từ vật liệu thiên nhiên. Để hoàn thành một ngôi nhà như thế, cư dân Shirakawa có thể phải mất đến 10 năm. Thế mà, giờ đây, dù có nhiều vật liệu xây dựng hiện đại, ngôi làng cổ vẫn giữ nguyên và trùng tu các ngôi nhà theo đúng kỹ thuật đã có từ hàng trăm năm trước. Mỗi lần sửa chữa, chủ nhân ngôi nhà chỉ tốn 10% chi phí, phần còn lại sẽ do nhà nước “bao sân”.

Không chỉ gìn giữ kiến trúc, giữa kỷ nguyên hiện đại, người Nhật còn gìn giữ cả những phương thức sinh nhai có từ hàng trăm năm trước. Tại Bảo tàng Nagaragawa Ukai, du khách còn được khám phá phương thức đánh cá bằng chim cốc vô cùng độc đáo. Cư dân ở đây nuôi chim cốc để rồi đêm đêm dong thuyền thả chim xuống sông. Con chim sẽ lặn xuống dưới tìm cá nuốt vào. Phần cổ con chim được thắt một sợi dây khiến cá không bị nuốt vào bụng và để người đánh cá có thể kéo chim lên, sau đó sẽ dốc cổ để cho cá rơi ra rồi thu về. Ngày nay, cách đánh bắt ấy vẫn được bảo tồn để tạo ra một nét văn hóa độc đáo.

Daiso - một trong những nông trại wasabi lớn nhất Nhật Bản
Daiso – một trong những nông trại wasabi lớn nhất Nhật Bản

Người Nhật dường như sáng tạo mọi thứ ít ỏi mà thiên nhiên ban tặng cho họ để sinh tồn. Đó cũng là câu chuyện của món wasabi nổi tiếng cay nồng. Mỗi vụ cải wasabi từ lúc gieo trồng đến thu hoạch phải mất khoảng 2 năm, với nguồn nước sạch phải được giữ ở nhiệt độ từ 13-15oC. Wasabi thu hoạch được không chỉ là gia vị cho các món tươi sống, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ sở Phù Tang, mà còn được chế biến thành hương vị để làm kem tươi, làm chocolate, nước giải khát…

Từ những sáng tạo có được, người Nhật lại tiếp tục đem đi quảng bá và tiêu thụ trên khắp thế giới. Từng người, từng người, từ người dân nông thôn đến vị Giám đốc Cơ quan Xúc tiến du lịch ở tỉnh Gifu – người đã mất 90 phút từ nhà đến sân bay để đón chúng tôi, rồi đích thân đưa từng xấp tài liệu, chuyển từng chai nước cho các thành viên trong đoàn. Họ luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, từng thế hệ, từng thế hệ nối tiếp nhau để tạo nên một nước Nhật ngày nay. Đó là một cường quốc kinh tế, có khoa học kỹ thuật phát triển vào loại bậc nhất thế giới. Và rồi họ luôn nhớ đến quá khứ như cách xây dựng ngọn tháp truyền hình không cần cao nhất nhì thế giới, mà chỉ cần cao đúng 634 m (“mu” là 6, “sa” là 3, “shi” là 4) để ghi lại tên nước Nhật cổ là Musashi.

Có thể bạn quan tâm: Tư liệu về thanh kiếm Katana của các chiến binh Samurai

[jwplayer player=”1″ mediaid=”86292″]

Theo Ngô Minh Trí/thanhnien.vn