Nhất Nam – môn phái thuần nhất nước Nam

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, làng võ Hà Nội xôn xao trước sự trình làng của một môn phái võ mang tên Nhất Nam. Chữ Nhất trong Nhất Nam có nghĩa rằng đây là môn võ thuần nhất của nước Nam. Từ cái thuở ban đầu ấy, Nhất Nam đã trải qua biết bao thăng trầm…

Chuyện chưa biết về Thanh Long đao của Quan Vân Trường.
Sắc màu của võ thuật thế giới tại Chungju Festival 2015.

Chữ Nhất trong Nhất Nam có nghĩa rằng đây là môn võ thuần nhất của nước Nam.
Chữ Nhất trong Nhất Nam có nghĩa rằng đây là môn võ thuần nhất của nước Nam.

Suốt thập kỷ 80 thế kỷ trước, võ phái này phát triển khá rầm rộ tại khu vực Hà Nội, Nghệ An và các tỉnh Bắc bộ. Hai tập sách Nhất Nam căn bản do Võ sư Trưởng môn Ngô Xuân Bính biên soạn, được xem là một công trình chuyên khảo, nghiên cứu về võ cổ truyền dân tộc.

Cuốn sách đã được giải “Sách thể thao có giá trị nhất, đẹp nhất” tại triển lãm sách của các NXB Thể dục thể thao các nước XHCN tổ chức tại Ba Lan tháng 6/1989 và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nhưng giờ đây, người yêu võ cổ truyền ít gặp lại những cuộc thượng đài của võ phái này với những tiếng hét đặc dị vang dội sàn đấu. Đi tìm lời giải mới thấy hết sự trầm luân của một di sản.

Thăng trầm và bĩ cực

Nằm trên vùng đất cổ châu Ái, châu Hoan (Thanh Hoá, Nghệ An) địa linh nhân kiệt, từ xa xưa đã tồn tại một môn võ của người Việt cổ. Sự ra đời của phái võ ấy bắt nguồn từ cuộc chiến sinh tồn với muông thú, giặc giã của người dân địa phương.
Võ sư Ngô Xuân Bính (thứ 3 từ trái sang)
Võ sư Ngô Xuân Bính (thứ 3 từ trái sang)
Toát lên qua các đường quyền, ngọn cước là tinh thần “nhại công”, có nghĩa là bắt chước cái tinh túy của muôn loài, như võ sư Ngô Xuân Bính đã giải thích: “Thuật biến tạo cái tinh của trời đất là Quyền. Muôn sinh mạnh bởi cái riêng, tính hấp lực và chi tồn cũng ở tại cái riêng, muôn vật hoá tồn cũng chính nhờ cái riêng”. Từ cái ý ấy mà người xưa “bắt nhại” cái mạnh của thú, vật: Cái mềm dai của giống dây rừng; sắc bén của cật tre nứa; xù cứng gân guốc của cội mai; nhanh khéo của giống khỉ, vượn; quằn quại trói riết của rắn, trăn; dai dẳng lầm lỳ của gấu; hùng dũng vũ bão của hổ, voi; uyển chuyển, mềm mại của báo, mèo; bất ổn của mây gió, bất dịch của núi… để sáng chế thành Võ.
Võ Nhất Nam được đúc kết, sáng tạo dựa trên sự vận hành của khí huyết, những đặc điểm tâm – sinh lý và cơ chế vận động cơ bắp của con người, huy động tối đa sức mạnh của bản thân và lợi dụng sức mạnh của địch để đánh địch.
Môn phái có các bài tập đặc thù, đòn thế có tính liên tục để luyện các môn công như tay xà, tay trảo, tay đao, tay quyền… hoặc đặc dị hơn là các bài “Ma quyền”, “Ảo quyền”, “Vân vũ quyền”. Về binh khí, ngoài các bài kiếm, côn, rìu, song nguyệt… còn có một môn binh khí đặc dị là “nhung thuật”, chuyên dĩ nhu chế cương, sử dụng dải lụa 2 đầu có vật nặng để tấn công với sức công phá mạnh và dễ dàng hoá giải, trói đoạt binh khí của đối phương.
Mùa xuân năm1789, khi qua đất Thanh – Nghệ, Hoàng đế áo vải Quang Trung đã tuyển mộ nhiều võ sỹ của phái võ Nhất Nam vào cuộc tấn công tiêu diệt quân Thanh. nhiều nghĩa sỹ đã xông pha trước mũi tên hòn đạn, tận trung báo quốc. Ghi nhớ công lao vị liệt tổ liệt tông, phái võ Nhất Nam lấy ngày chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa làm ngày giỗ tổ môn phái. Hằng năm, đến ngày mùng 5 Tết những môn sinh của phái võ Nhất Nam lại kính cẩn dâng hương lên bàn thờ tổ môn phái.
Trong lịch sử, môn võ đã được một số vương triều phong kiến dùng để rèn quân, luyện tướng. Thời nhà Hồ, bởi hiệu quả sát thương rất cao nên võ công ấy được sử dụng ở chốn cung đình để bảo vệ vua chúa. Nhưng lịch sử môn phái cũng trải qua hồi “bĩ cực”. Khi lên ngôi, vua Gia Long nhà Nguyễn đã truy sát những người từng cộng tác với nhà Tây Sơn. Hậu quả là nhiều võ đường đã bị đóng cửa, các võ sư bị giết hại. Nhiều dòng võ tạm lắng xuống, toả vào trong dân, tồn tại dưới dạng các gia phái. Họ Ngô Xuân ở thành Vinh, Nghệ An là một trong gia phái hậu duệ của Nhất Nam. Trải qua bao biến động lớn lao của lịch sử dân tộc, di sản này dần dần thất truyền.
Vun vén về cội nguồn
Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có một cậu trò nghèo xứ Nghệ thi đỗ vào trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Học võ từ bé qua rèn giũa của ông nội và cha, tiếp kiến các bậc thầy trong môn phái, Ngô Xuân Bính đã mang theo dòng chảy âm ỉ mà mãnh liệt của một di sản để truyền bá, trước hết là cho các bạn học.
Rồi ngày 23/10/1983, lần đầu tiên làng võ Hà Nội chứng kiến cuộc ra mắt tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức của một phái võ có tên Nhất Nam.
Sau phần biểu diễn quyền cước và binh khí ảo diệu, các võ sinh đóng khố, mình trần thi đấu đối kháng trong tiếng hoan hô vang dậy của khán giả. Làng võ biết đến sự trở lại của võ Nhất Nam từ đây.
Người đặt tên cho phái võ không tên vùng Thanh – Nghệ ấy là võ sư Ngô Xuân Bính – lúc này là giảng viên môn lý luận hội họa, Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc Họa T.Ư. Trong gần 10 năm cực thịnh, nhiều thế hệ học trò xuất sắc như Trần Nam Thắng, Dương Mạnh Hùng, Đào Hoàng Long, Trần Mạnh Hà… đã vững vàng trên các sàn đấu và trong sự nghiệp.
Dương Mạnh Hùng, người nổi danh trong làng bóng đá với danh hiệu “Chiếc còi vàng” từng tâm sự: “Điều góp phần làm nên một trọng tài “đạn bắn không thủng” chính là bởi tinh thần “liêm”, “chính” của người học võ Nhất Nam”. Nhưng rồi vì những định kiến, đố kỵ mà môn phái này gặp phải sự “lạnh nhạt”, kể cả trong Liên đoàn Võ thuật. Một lần nữa võ Nhất Nam “lặn” vào dân gian, võ sư Ngô Xuân Bính cũng bỏ nghề dạy vẽ để bay sang Liên bang Nga mở võ đường.
Trong khi tại nước ngoài, võ Nhất Nam phát triển mạnh, tham gia vào Liên đoàn Võ thuật thế giới, thì trong nước, nơi sinh ra phái võ, Nhất Nam chưa có được vị trí tương xứng.

Võ thuật là đạo tu thân

Tuyệt chiêu cầm nã thủ khi cận chiến của võ sư Ngô Xuân Bính.
Tuyệt chiêu cầm nã thủ khi cận chiến của võ sư Ngô Xuân Bính.
Sau bao năm mong đợi, cuối cùng tôi đã được diện kiến ông – võ sư trưởng môn Ngô Xuân Bính, khi ông vừa hoàn thành sự nghiệp phát triển, quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Nga và các nước vùng Baltic trở về.
Sau chưa đầy 10 năm hoạt động (từ 1983 đến 1990), võ Nhất Nam phát triển nhanh chóng tại Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia, nhiều thế hệ học trò xuất sắc đã kế tục sứ mệnh của ông, đưa môn phái phát triển ở các địa bàn xa xôi. Với tầm nhìn xa, thấy trước xu thế hội nhập, từ đầu những năm 1990 ông đã giao lại cho học trò duy trì môn phái ở trong nước, để bay sang châu Âu gây dựng, quảng bá di sản văn hoá này.
Sau gần 20 năm phát triển môn phái ở nước ngoài, đến nay ông là Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam, được đăng ký hoạt động chính thức ở Nga, Belarus, Litva, Ukraina… và đang trong tiến trình thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam thế giới.
Tuy nhiên, người nước ngoài không chỉ biết đến ông như một võ sư, mà còn là một nhà văn hoá. Hiện ông là giảng viên triết học phương Đông tại một trường đại học ở Nga, đồng thời nổi tiếng với việc chữa bệnh bằng y võ và viết các tác phẩm về thuật châm cứu, bấm huyệt. Ngoài ra, hội họa vẫn là niềm đam mê lớn của ông. Từ ngày 7 – 11/3/2008 tại Trung tâm triển lãm “Manezh” ở Mátxcơva (Nga) đã diễn ra Liên hoan nghệ thuật quốc tế: “Truyền thống và hiện đại” với sự tham gia của nhiều hoạ sỹ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh, đồ hoạ… và phòng tranh của 25 nước.
Với 12 tác phẩm tham gia liên hoan, ông đã được trao giải thưởng: “Lựa chọn được bút pháp xuất sắc để thể hiện cảm thụ nghệ thuật” trong thể loại tranh sơn dầu.
Sáng 20/10 tại hội trường nhà Thái Học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo về môn võ thuật cổ truyền mang tên Nhất Nam, nhân dịp lễ kỷ niệm 25 năm ngày môn phái võ Nhất Nam chính thức ra mắt công chúng Hà Nội và tham gia phong trào võ thuật, thể dục – thể thao quần chúng của đất nước (23/10/1983-23/10/2008). Chủ đề của buổi hội thảo là Võ Nhất Nam – Võ của người Việt.
Tết Nguyên đán Mậu Tý vừa qua, gần hai chục cao đồ của ông từ châu Âu đã có chuyến hành hương về xứ Nghệ thăm đất tổ môn phái. Họ thành kính dâng hương tưởng niệm các bậc liệt tổ, liệt tông trong môn, dẫu có sự khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ. Chúng tôi thật sự khâm phục họ về lòng nhiệt thành, thái độ trân trọng đối với một di sản văn hoá phi vật thể của nước ta.
Anh trưởng đoàn kể với tôi bằng tiếng Việt còn ngọng, rằng chuyến đi này anh muốn tìm đến cội rễ câu nói của sư phụ Ngô Xuân Bính: “Võ thuật không phải là bạo lực, mà là một con đường dẫn đến sự hoàn thiện, sự hoà hợp giữa bản thể về cộng đồng, là đạo tu thân”.
Có thể bạn quan tâm: Võ phái Nhất Nam biểu diễn võ thuật tại Chùa Láng
[jwplayer player=”1″ mediaid=”66224″]
Theo Giadinh.net.vn