Những quân đoàn “quỷ dữ” bất tử trong lịch sử (kì 2)

Đó là những đội quân bất tử chiến đấu anh dũng và mang trên mình những bộ áo giáp hoành tráng…

>>> Những quân đoàn “quỷ dữ” bất tử trong lịch sử (kì 1)

Đội quân “Không thể chết” thời Trung Cổ

Không giống với người Mông Cổ, một đội quân khác lại tự nhận mình bất tử. Đó là đội kỵ binh của Đế Quốc Byzantine thời Trung Cổ, có tên Athanatoi. Thanatos là tên của Thần Chết trong thần thoại Hy Lạp và cái tên Athanatoi có nghĩa là “Không thể chết”.

Tại sao đội kỵ binh này “dám” phong cho mình cái tên “oai” đến như thế cũng không phải là không có lý do. Người ta kể lại rằng, trong trận chiến Dyrrakhion với người Norman năm 1081, Alexios I, Hoàng đế Byzantine, đồng thời là thủ lĩnh của đội kỵ binh Athanatoi bị ngã ngựa.

Không những thế, 3 kỵ binh Norman – những chiến sĩ nổi tiếng với ngọn thương mạnh mẽ xông tới, đâm vào người Alexios I nhưng ông thậm chí còn không bị tới một vết xước. Một ngọn thương khiến ông ngã bật người ra đằng sau nhưng không để lại vết thương nào và Alexios I đã thoát khỏi hiểm nguy một cách khó tin.

Một bức vẽ hình tượng hóa các kỵ binh Athanatoi.
Sở dĩ Alexios có thể “mình đồng da sắt” như vậy vì bộ giáp của các kỵ binh Athanatoi là kiệt tác của nền quân sự Byzantine, là lá chắn bền chắc nhất mà thế giới từng chứng kiến, xuất hiện trong thời đại Trung cổ.

Giáp phần ngực của các Athanatoi bao gồm 4 lớp, lớp đầu tiên được gọi là Zava hoặc Kavadion, chủ yếu được làm từ bông nén chặt (giống với chăn đệm của chúng ta dùng ngày nay). Lớp tiếp theo là Lorikion Alysidoton, giáp làm bằng lưới sắt.

Sau lớp này là Klivanion, giáp sắt bọc ngực và các phần xung quanh. Ngoài cùng là Kremesmata – một loại giáp lưới sắt phủ toàn thân gần giống loại váy dài để bảo vệ đùi, chân và hông. Bên cạnh đó, các Athanatoi còn được trang bị Podopsella – loại vỏ bọc thép gắn ở bắp chân, Manikellia bọc ở vai và tay cũng làm bằng chất liệu tương tự. Mảnh cuối cùng của bộ giáp là Epolorikion, một loại áo choàng màu xanh và đỏ, làm từ chất liệu giống như chăn bông. Người ta tin rằng, dù có dùng súng bắn trực diện thì cũng không thể làm các Athanatoi xây xước chứ đừng nói gì đến những ngọn thương cổ điển.

Giáp chân được tái tạo lại theo những gì ghi lại về nền quân sự Byzantine.

Ắt hẳn sẽ có người thắc mắc các Athanatoi mặc giáp bền đến như vậy nhưng họ vẫn có điểm yếu là ngựa, nếu kẻ địch tấn công ngựa để khiến họ ngã thì sao? Điều này đã được các chuyên gia quân sự nghĩ tới từ những năm 300TCN. Họ sử dụng một lớp áo giáp giống như vảy cá bọc quanh ngựa và gọi đó là Thiết kỵ binh Kataphractoi (có nghĩa là Giáp bọc toàn thân).

Sau này, quân đội Byzantine sử dụng Kataphractoi như một phần quan trọng trong quân đội. Hầu hết kỵ binh Byzantine đều là các Thiết kỵ binh Kataphractoi ngoại trừ một vài đơn vị kỵ binh nhẹ chuyên dùng để do thám. Như vậy, không chỉ có các Athanatoi mà cả những chú ngựa của họ cũng được bảo vệ cho đến tận móng chân.

Nhiều nguồn tư liệu ghi lại rằng số lượng các Athanatoi lên tới 10.000 để bắt chước đội Immortal của Ba Tư ngày trước. Thế nhưng sự tồn tại của đội kỵ binh Bất Tử này chỉ kéo dài đến năm 1200, nó đi xuống cùng sự suy yếu của Đế quốc Byzantine (diệt vong năm 1453).

Mặc dù được coi là chuẩn mực của nền quân sự Byzantine nhưng các Athanatoi không thực sự hiệu quả trên chiến trường thời đó – nơi mà những kỵ binh bắn cung và kỵ binh có tốc độ chiếm ưu thế, chứ không phải những “cỗ xe tăng”. Họ “bất tử” mà quân đội chính tan nát thì cũng vậy, thất bại là điều không tránh khỏi.

…và đội vệ binh hoàng gia Pháp thời cận đại.

Vệ binh Hoàng gia của Napoleon – những Immortal của nước Pháp.
Cũng từ đó, giai thoại về những đội quân “Bất Tử” không còn xuất hiện nhiều. Tới tận năm 1800, đội vệ binh Hoàng gia của Napoleon Đại Đế cũng được người đời đặt cho danh xưng Immortal. Nhưng cái tên này không đến vì sự “bất tử” theo nghĩa đen, ý của binh lính Pháp ám chỉ rằng, đội quân này là con cưng trong quân đội Pháp, được hưởng lương cao hơn, trang bị tốt hơn và được chăm sóc cẩn thận hơn, giống như những Immortal của Ba Tư ngày nào.

Có lẽ một phần vì danh xưng quá đỗi to lớn khiến các quốc gia sau này không dám sử dụng cái tên Bất Tử để đặt cho quân đội của mình nữa. Dẫu sao, họ giỏi đến mấy, tài năng đến mấy thì cũng chỉ là con người và con người thì vẫn không thể chống lại được cái chết. Nhất là khi trên chiến trường, cái chết là điều không ai có thể tránh khỏi, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Theo Trí thức trẻ