Sức hấp dẫn của võ thuật

Tự thân võ thuật đã có một sức hút rất lớn đối với con người, nhất là thanh thiếu niên. Võ Thuật đáp ứng và thoả mãn được tính hiếu động, nâng cao thể trạng, phát triển năng lực tự vệ, tấn công cho người tập. Ngoài ra sự trình diễn mang tính chất thẩm mỹ cao hoặc các công phu đặc dị cũng chinh phục cảm quan của đại đa số quần chúng nhân dân, các giới, các ngành …

Đến ngôi sao võ thuật Thành Long cũng hứng bão “vô văn hóa”

Võ thuật điện ảnh: Những sức mạnh đến từ nỗi đau

Đi sâu vào lãnh vực mênh mông của võ học, tri thức ta tăng tiến dần lên, quan điểm về võ thuật được đúng đắn hơn, đời sống tinh thần phong phú thêm… Thế là sức hút đã đưa ta vào quỹ đạo nhất định, khó thay đổi. Nhiều người thầy võ cho đó là “Nghiệp” phải theo đuổi mãi, dù rằng trên đường lưu chuyển đã từng gặp không ít khó khăn trở lực.

Võ Thuật là một chuyên khoa sâu, một ngành văn hoá nghệ thuật do con người tạo ra và di dưỡng. Võ thuật chỉ được xây dựng trên một chủ thể duy nhất, đó là con người và chính con người sẽ làm cho võ học ngày càng một cao rộng phong phú hơn – Sự tương tác hỗ căn. 

Lịch sử phát triển của võ thuật gắn liền với đà tiến hoá của loài người. Thuở ban đầu các động tác chiến đấu rất thô sơ, chỉ là những cái tát, vồ, chụp, đấm, đá đơn giản, dần dần được tinh vi hoá sao cho từng tư thế phát đòn phải được hoàn thiện, thuận lợi nhất, nhanh mạnh nhất, hiểm hóc nhất, che giấu được chỗ hở tốt nhất…

Tùy theo vị trí địa lý, nhân chủng và lịch sử đấu tranh của mỗi dân tộc, mà các trường phái võ thuật được hình thành và có vóc dáng riêng, hoặc thiên về quyền, hoặc thiên về cước, có phái chuyên về vũ khí, hoặc phát triển sâu về khí công, nội công, ngạch công, nhuyễn công v.v.

Về mặt lý luận môn nào cũng có lý lẽ riêng; về mặt huấn luyện, phái nào cũng có chương trình và các phương thức tập luyện đặc thù. Nhìn chung tất cả đều hay, chỉ tiếc đời người không đủ thời gian và điều kiện để tập hết các môn; thế nên tùy hoàn cảnh, tùy sở thích, tùy cơ duyên mà người tập môn nầy, kẻ khác tập môn khác, tạo nên bầu không khí sinh hoạt võ thuật đặc sắc lan rộng khắp nơi. 

Tuy nhiên thời gian cũng sàng lọc để loại bỏ những gì không phù hợp, không đúng hướng với đà tiến bộ con người. Có những môn võ mất dần sức hút đến nỗi không còn cần thiết trong đời sống nhân loại, người ta không quan tâm mặc dù môn ấy được dựng thành phim như huyền thoại; xem để giải trí thì được, chứ không ai muốn phải mất thời gian công sức tập luyện những công phu chẳng phù hợp với xu thế thời đại nữa.

Đáng buồn hơn, ở trường hợp một số môn phái mạnh khác cũng đang kiệt dần sức hút vì mất đoàn kết do mâu thuẫn nội bộ; họ mãi lo tranh giành với nhau các tư lợi nhỏ nhen, những hư danh rỗng tuếch. Thời gian và tâm trí bị mất mát qua các cuộc đấu đá bôi bẩn nhau thay vì lo tập trung tìm tòi, nghiên cứu, hội thảo, bàn luận, chen vai góp sức để làm giàu tài sản chung, khiến cho tinh hoa thui chột, nghệ thuật bị xa dần nguồn cội. Người ngoài nhìn vào vừa chê cười vừa mất lòng tin, người cùng môn phái chỉ biết thở dài ngao ngán. 

Bất kỳ loại tài sản nào muốn tồn tại truyền đời cũng đều trông cậy vào thế hệ kế thừa, nhất là dạng tài sản về văn hoá nghệ thuật. Một môn phái võ đạo cũng không vượt qua qui luật ấy. Thế hệ đi sau phải được tiếp nhận đầy đủ các tinh hoa của nghệ thuật đề làm hành trang tiếp bước cha anh. Ví dụ: Dạy cho đệ tử một miếng võ không những chỉ dạy cho thuộc mà còn phải biết cách dạy để trở thành phản xạ, biết triển khai sử dụng sao cho có hiệu quả. Dạy múa một bài quyền ngoài việc thuộc bài ra, phải hướng dẫn cách bộc lộ được ý nghĩa thâm sâu tàng ẩn, để các động tác được thể hiện bằng sự thông minh trí tuệ, trong khuôn phép Kí Hoà, Tâm Định, Thần Minh. Giống như việc dạy hát của khoa Thanh Nhạc; thuộc bài hát và hát có kỹ năng như phát âm tròn vành rõ chữ, cách ngân nga nhấn nhá đúng cao độ, trường độ dòng nhạc và cường độ biểu lộ tình cảm trong bài hát.

Nếu dạy hời hợt, không tránh khỏi học cũng hời hợt, nghệ thuật bị phôi pha sau từng đợt kế thừa, sức hút bị yếu dần trước khi mất hẳn, người trong cuộc cũng bị mất phương hướng trước một thứ nghệ thuật phi nghệ thuật. 

Theo Khám phá võ thuật