Thầy giáo Nguyễn Đình Sơn và nỗi niềm với Karatedo Huế

Bắt nguồn từ năm 80, sau khi xem biểu diễn Karate nhà văn hóa thiếu nhi, cậu bé 13 tuổi Nguyễn Đình Sơn quyết định xin thầy Lê Văn Thạnh nhận làm học trò. Thời điểm đó, Sơn sáng đi học, chiều bán vé số để phụ giúp gia đình.

Ấn tượng với những cú đá của võ phái Karate Kyokushin
Chết cười với những cú ra đòn của cao thủ Karate Nhật Bản

Sau một thời gian gia nhập Võ đường 116 Chi Lăng, công việc bán vé số giảm hẳn đi bởi với năng khiếu cùng tư cách là sư huynh, Sơn được thầy tin tưởng giao cho trọng trách đứng lớp – một cách giúp anh kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Ân tình đó đến giờ tôi vẫn không quên, anh Sơn tâm sự.

Sau 7 năm theo nghiệp võ, Nguyễn Đình Sơn không phụ kỳ vọng của thầy khi giành ngôi vô địch hạng 57 kg và vô địch tuyệt đối nội dung đối kháng (Kumite) tại các giải cấp tỉnh từ năm 1987 – 1991. Theo lẽ thường, hiếm có VĐV nào chuyên cả 2 món quyền lẫn đối kháng. Vậy mà cũng vào thời điểm đó, ngoài những tấm HCV đối kháng, Sơn tiếp tục “ẵm” thêm HCV nội dung quyền (Kata). Nhưng thành tích của anh không chỉ giới hạn trong tỉnh. Năm 1989, tại giải vô địch toàn quốc tổ chức ở Hà Nội, Sơn không hề có đối thủ ở hạng 57 kg, cũng tại giải này, Sơn còn đem về cho Huế tấm HCĐ vô địch tuyệt đối.

Đến năm 1990, sau tấm HCV nội dung quyền cá nhân, từ hạng 57 kg, Sơn quyết định đăng ký thi đấu hạng 65 kg. Và dù chênh lệch gần cả 10kg nhưng Nguyễn Đình Sơn vẫn vượt qua khá nhiều đối thủ để giành tấm HCĐ tại giải quốc tế Hà Nội mở rộng. Tại giải đấu này, anh hạ gục một võ sĩ của Liên Xô (cũ) bằng đòn Tobi Yoko Geri hiểm hóc. Nói về lý do chuyên dùng đòn chân trong đối kháng, anh chia sẻ: “Karatedo không chuyên về đòn chân như Taekwondo nhưng uy lực không hề kém cạnh. Trong lúc thượng đài, dù hạn chế về thể hình nhưng bù lại tôi lại có sự nhanh nhẹn và dẻo dai – một trong những điều kiện cần và đủ để phát huy hết hiệu quả của đòn chân, nhất là khi gặp phải đối phương nhỉnh hơn về vóc dáng, hạng cân”.

thay giao nguyen dinh son (phai) voi don tobi yoki geri
Thầy giáo Nguyễn Đình Sơn (phải) với đòn Tobi Yoko Geri. Ảnh: nhân vật cung cấp

Cũng phải nói thêm, sở dĩ Nguyễn Đình Sơn được đồng môn lẫn đối thủ đánh giá cao mỗi khi thượng đài chính là có thời điểm anh liên tục vô địch nội dung đối kháng tuyệt đối. Nội dung này không hạn chế về hạng cân, hạng cân thấp vẫn có thể thi đấu với VĐV hơn mình tới 10-15 kg là chuyện thường, miễn là bản thân thấy đủ tự tin.

Sau khi giã từ nghiệp VĐV, anh Sơn chuyển sang làm HLV tại Sở TDTT tỉnh và HLV trưởng Võ đường 116 Chi Lăng. Và hiện tại, anh đang là giáo viên thể dục của trường THPT Gia Hội kiêm chủ nhiệm CLB Karatedo Nhân Ái (Trung tâm giáo dục năng khiếu Văn Thể Mỹ). Cũng từ thời điểm này, giới Karatedo cả nước bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện của những cái tên khá có tiếng tăm như Trần Thị Phương Thảo (tuyển quốc gia), Hồ Thu Nguyệt Hằng (tuyển quốc gia), Nguyễn Thị Thảo Quyên (VĐV đầu tiên của Huế được thi đấu tại SEA Games) và nổi bật nhất là Hà Kiều Trang – “cô gái vàng” của Karatedo Huế (HCB SEA Games 19 tại Indonesia (1997); liên tục giành HCV SEA Games 20 tại Brunei (1999), SEA Games 21 tại Malaysia (2001) và 2 HCV tại SEA Games 22 (2003).

Hà Kiều Trang nhận xét: “Là sư huynh của võ đường 116 Chi Lăng, anh Sơn được khá nhiều đồng môn nể trọng. Tận tình trong huấn luyện và không bao giờ dấu nghề. Có lẽ với anh Sơn, đàn em bắt kịp và vượt qua mình là điều hạnh phúc nhất trong nghiệp võ”. Tiếng là học trò của võ sư Lê Văn Thạnh nhưng người gắn bó, luôn sát bên cạnh để bày vẽ tôi trong tập luyện và thi đấu chính là anh Sơn bởi thời điểm đó, thầy Thạnh đang phải huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I.

Có lẽ câu chuyện về một võ sư Karatedo huyền đai đệ ngũ đẳng vốn là sư huynh của “cô gái vàng” Hà Kiều Trang chỉ dừng lại ở đây. Tuy nhiên, trước khi ra về, anh Sơn lại như tự hỏi: Chẳng thà võ sinh ít, không có tố chất, còn HLV kém là một nhẽ. Đằng này hoàn toàn trái ngược nhưng sao Karatedo Huế ngày càng đi xuống?! Phải chăng giữa Karatedo cổ truyền và Karatedo thể thao vẫn có nhiều bất cập khiến một số phụ huynh không dám cho con em mình theo nghiệp thể thao. Điều này vô hình chung khiến nhân tài của Karatedo Huế ngày càng ít dần? Tại sao những đầu tư cho Karatedo Huế bây giờ hơn xa thời của chúng tôi nhưng thành tích tỷ lệ nghịch như vậy…?

Hỏi là hỏi vậy chứ chắc hẳn anh Sơn cũng thừa hiểu, những trăn trở của mình chỉ có thể được giải quyết bởi người trong cuộc mà thôi.
Theo Báo Thừa Thiên Huế