Thiết địch “hóa giải” siêu đao

Trong kho tàng võ học cổ truyền Việt Nam, người ta thấy có rất nhiều loại binh khí khác nhau như: côn, đao, thương, kiếm, kích… Ngoài ra, có những môn phái, tùy vào đặc trưng riêng của mình mà người ta còn sáng tạo thêm những loại binh khí khác có hình thức cũng như công năng hết sức mới lạ và đặc biệt. Ví dụ như cây sáo sắt (thiết địch), một loại binh khí cổ, tương truyền do các nghĩa quân Yên Thế (Bắc Giang) sáng tạo ra vào hồi cuối thế kỷ 19.

Lúc bình thường, thiết địch là một thứ nhạc khí để con người thổi khúc tiêu sầu, nhưng lúc lâm nguy hữu sự nó lại trở thành một thứ vũ khí hết sức lợi hại. Chẳng thế mà trong tay các nghĩa quân Yên Thế, cây thiết địch nhỏ bé và tao nhã ấy đã bao phen khiến cho giặc Pháp phải tán đởm kinh hồn. Cây sáo sắt nhỏ bé được sử dụng như một đoản côn (gậy ngắn) nhưng xem ra lợi hại hơn rất nhiều, bởi nó có khả năng công thủ toàn diện, biến hóa khôn lường. Những võ sư luyện thiết địch đạt đến độ tinh thông có thể sử dụng và điều khiển nó theo ý muốn để triệt hạ đối thủ. Người ta có thể dùng nó để phang ngang, bổ dọc, gạt trước, đỡ sau hay lựa thế đâm vào những yếu huyệt trên cơ thể của kẻ thù. Thậm chí khi đối phương sử dụng các loại binh khí dài và nặng vốn có sở trường đánh xa và tính áp chế lớn như đao, thương, côn, kích… thiết địch vẫn có thể hiên ngang công thủ dễ dàng.

Thiết địch đỡ siêu đao.
Thiết địch đỡ siêu đao.
Lựa thế tấn công vào vùng bụng.
Lựa thế tấn công vào vùng bụng.
Ngăn một đòn bổ dọc.
Ngăn một đòn bổ dọc.
Đánh trúng đỉnh đầu.
Đánh trúng đỉnh đầu.
Cản một thế chém ngang.
Cản một thế chém ngang.
Điểm trúng cổ họng.
Điểm trúng cổ họng.

Mới đây, trong một lần về thăm quê hương Yên Thế, chúng tôi may mắn được xem loại vũ khí danh bất hư truyền này thể hiện sức mạnh của mình. Trong bài đối luyện “thiết địch chống siêu đao”, hai đệ tử trẻ của võ sư Trịnh Như Quân (võ sư Trịnh Như Quân là người rất nổi tiếng trong giới võ học Việt Nam với những bài võ sáo bí truyền của nghĩa quân Yên Thế – PV) ra sức quần thảo kịch liệt. Kẻ thiết địch, người siêu đao, hai bên vờn nhau hết tiến lại lùi, hết công lại thủ, chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Ánh sáo, ánh đao cứ thế lướt đi loang loáng, tiếng sắt thép chạm vào nhau nghe lạnh cả người. Những tưởng cây siêu đao to dài mạnh mẽ như thế sẽ dễ dàng chế áp được cây sáo sắt nhỏ bé. Ấy thế mà người võ sĩ sử dụng cây sáo sắt vẫn ung dung hóa giải các đường tấn công như vũ bão của siêu đao một cách dễ dàng. Không những thế, cây sáo sắt còn cho thấy nó có một khả năng tấn công linh hoạt lạ kỳ. Chẳng thế mà không ít lần người xem thấy cây sáo sắt tấn công trúng vào nhiều chỗ hiểm trên cơ thể của người sử dụng siêu đao như yết hầu, đầu, bụng… Với lối đánh hiểm hóc ấy, xem ra người sử dụng sáo sắt không những khống chế mà còn có thể dễ dàng hạ thủ được đối phương có vũ khí to lớn hơn gấp nhiều lần. Thế mới biết, sáo sắt là một thứ vũ khí vừa độc đáo nhưng cũng không kém phần lợi hại trong kho tàng binh khí cổ của người Việt./.

Theo Trần Thanh Giang – TTXVN