Sự thật về câu “Trong công có thủ, trong thủ có công”

Chúng ta vẫn thường nghe câu “Trong công có thủ, trong thủ có công” trong nhiều tác phẩm truyện kiếm hiệp, miêu tả về những “tuyệt thế công phu”. Câu thành ngữ này có sức ảnh hưởng lớn đến mức tiếp tục được sử dụng trong các tác phẩm điện ảnh đề tài võ thuật cổ trang về sau.

Safe Zone – nguyên lý “vùng an toàn” trong tập luyện võ thuật

Nguyên lý Cương, Nhu trong võ thuật

Đâu là sự thật về bản lĩnh “Trong công có thủ, trong thủ có công” của các môn võ thần bí tuyệt diệu?

Câu trả lời sẽ khiến một số người thấy thất vọng, một số khác lại thấy thích thú. Nhưng sự thật là mối tương quan công – thủ tưởng chừng hết sức vi diệu đó lại là điều hoàn toàn bình thường trong những môn võ thuật thưc tế ngày nay.

Công thủ toàn diện phải chăng là "đặc thù" của những môn "tuyệt thế võ công"?
Công thủ toàn diện phải chăng là “đặc thù” của những môn “tuyệt thế võ công”?

Cơ thể người là một khối “tài nguyên” có hạn, và cái “thuật” trong Võ Thuật chính là cách sử dụng – hay nói cách khác – tận dụng khối tài nguyên ấy cách tốt nhất. Hiểu một cách cơ bản, Võ thuật bao gồm hai nhóm kỹ năng chính yếu là tấn công và phòng thủ, trong đó mỗi phần cơ thể sẽ đảm trách một nhiệm vụ riêng. Trong các kỹ thuật – tình huống nhất định, ta có thể phân tích rõ vai trò của từng chi (tay – chân), từng chuyển động cơ thể để phục vụ ý đồ kỹ thuật. Và hành trình hơn mười mấy ngàn năm kể từ khi con người bắt đầu có những môn võ đầu tiên, tất cả những gì chúng ta đã làm vẫn là nghiên cứu và rèn đúc kinh nghiệm sử dụng khối “tài nguyên” đó vào các kỹ thuật một cách hợp lý hơn. Những cú đấm thẳng hơn, những cú xoay người tinh tế hơn, những bước chân tinh tế và “khôn ngoan” hơn chẳng hạn.

Quay lại vấn đề, khối cơ thể con người là một “tài nguyên” cho Võ thuật, và tài nguyên đó chắc chắn có hạn. Điều đó cũng giống như việc mỗi tháng bạn để dư ra được 3 triệu đồng, nếu bạn dùng hết số tiền đó để du lịch thì bạn không thể mua một chiếc kệ sách mới, hoặc nếu bạn quyết định chi 2 triệu để mua sắm thì bạn chỉ còn 1 triệu để phòng hờ tai nạn. Võ thuật cũng thế, nắm đấm bạn quyết định vung ra sẽ không thể che kín vùng mặt, tung một cú đá là bạn chấp nhận mất một nửa thăng bằng.

Từ đây, cái quan niệm “Trong công có thủ, trong thủ có công” trở nên huyền bí và có vẻ hết sức cao siêu, bởi lẽ nó biến mỗi người thành một võ sĩ hoàn hảo. Võ thuật đối kháng là bài toán của rất nhiều thứ, trong đó có yếu tố “cơ hội”. Rõ ràng rằng bạn sẽ dễ đấm knock out một võ sĩ đang tung cú đấm và để hở vùng mặt chứ không phải một người vẫn còn ôm găng chắn đòn. Việc hoàn thiện hóa các yếu tố công – thủ trong cùng một kỹ thuật, cùng một khoảnh khắc trở thành nhiệm vụ quan trọng trong võ thuật.

Và sau đây, chúng ta hãy nhìn vào ví dụ nổi tiếng, phổ biến, đơn giản nhưng cũng hiệu quả nhất của “Trong công có thủ, trong thủ có công”.

Jab - cú đấm thẳng tay trước trong Boxing.
Jab – cú đấm thẳng tay trước trong Boxing.

Nhìn có vẻ hết sức đơn giản, nhưng bạn có thể thấy một số điều sau:

  • Công: Cú đấm này có rất nhiều lợi thế về “Công” như khoảng cách dài nhất có thể, lực được tạo ra một cách tối đa với sự “đóng góp” của rất nhiều thứ như cú xoay gót, vặn sườn, đẩy vai…
  • Thủ: Bạn có thể để ý thấy cánh tay còn lại vẫn còn che cằm – vị trí hết sức yếu ớt trên hộp sọ. Ngoài ra, việc tung cú đấm với khoảng cách tối đa cũng là một cách gián tiếp giúp bạn đứng ngoài tầm với của những cú phản đòn, một cách “thủ” hết sức cơ bản.

Còn “Trong thủ có công?” Hãy nhìn xem thế đứng thủ của tất cả các môn như Vật, Boxing, Muay Thái, Vịnh Xuân… đồng thời tìm hiểu những lối ra đòn phổ biến của bộ môn đó. Kế đến, hãy thử nghiệm xem bạn có thể tung cú đấm Jab (Boxing) thoải mái khi đứng kiểu Vật, hay có thể lên gối dễ dàng khi đứng ở thế của Vịnh Xuân hay không? Rõ ràng rằng mỗi thế thủ của mỗi bộ môn được “thiết kế” để tạo điều kiện tối ưu cho việc thực hiện những kỹ thuật tấn công đặc trưng của bộ môn đó. Đó chẳng phải là “Trong thủ có công”?

Thế thủ trong môn võ cũng phần nào phản ánh khả năng "công".
Thế thủ trong môn võ cũng phần nào phản ánh khả năng “công”.

Nếu phân tích những trường hợp như cú đá của Taekwondo, cú chỏ của của Muay Thái… xét trên mọi chuyển động của toàn bộ cơ thể, bạn sẽ thấy những điều thú vị trong vai trò công – thủ ấn tượng và hài hòa. Đó chính là cái “Thuật” của Võ Thuật, cái nghệ thuật của chuyển động cơ thể con người và chuyển tải nó thành hiệu quả trong thực chiến.

Vịnh Xuân có thế đứng thủ độc đáo cũng vì các kỹ thuật tấn công độc đáo.
Vịnh Xuân có thế đứng thủ độc đáo cũng vì các kỹ thuật tấn công độc đáo.

“Trong công có thủ, trong thủ có công”, câu nói tưởng chừng cao siêu ấy thực ra lại đang mô tả những môn võ phổ biến, đơn giản và gần gũi nhất với chúng ta chứ không phải thứ bí kíp dưới thâm sơn cùng cốc nào.

Hồ Võ