Võ tuồng đả cọp, giai thoại miền đất Võ

Dòng chảy võ thuật ở Bình Định theo thời gian đi qua nhiều thế hệ, ngoài để lại những thành tựu vang lừng, còn lắng đọng làm nên lớp trầm tích với bao giai thoại về những người con kiệt xuất của miền đất võ…

Màn biểu diễn võ thuật hoành tráng và đầy màu sắc trên CCTV
Những điều chưa biết về vật lý và võ thuật

Trong hát tuồng, vai chính diện lẫn phản diện đều phải biết võ...
Trong hát tuồng, vai chính diện lẫn phản diện đều phải biết võ…

Ngoài có bề dày về võ thuật cổ truyền, Bình Định còn được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật tuồng (hát bội). Hai loại hình nghệ thuật tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại tương tác với nhau rất lớn. Bởi, ai muốn vào nghề hát bội, dẫu có “mã mề” đẹp, giọng hát tốt mà không biết võ thì kể như… bỏ. Võ trong tuồng Nói về chuyện võ trong tuồng, NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó GĐ phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định), cho biết ở Bình Định, võ thuật thâm nhập sâu vào đời sống của người dân, từ làng quê đến thành phố, thậm chí còn tác động nhiều đến các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tuồng. Nghệ thuật hát tuồng ở Bình Định chủ yếu xoay quanh các đề tài về quốc quân, tôi trung gặp nạn, giết gian thần… Mà trong những đề tài này phải có nhân vật anh hùng để trừ quan, diệt bạo. Và, muốn nhập vai các nhân vật anh hùng thì không thể không biết võ thuật, không biết sử dụng binh khí…

Bởi thế, trong giới hát tuồng ở miền Trung có câu rằng: “Bình Định hát tuồng võ, Quảng Nam hát tuồng văn”. Do đó, Nhà hát tuồng Đào Tấn phải mời các võ sư về dạy võ cho các diễn viên. Thưở sinh thời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn thường kể chuyện này: Năm ấy, Học bộ đình của cụ Đào Tấn ở Nghệ An tuyển dụng thêm diễn viên nhằm bổ sung cho gánh hát của mình. Trong số các ứng viên lọt vào “mắt xanh” của cụ Đào, có một chàng ngoại hình đạt điểm, sắc diện khôi ngô, giọng hát thì vừa ngọt ngào, vừa có âm vực cao… rất lý tưởng để tuyển dụng.

Thế nhưng khi diễn xuất thì chàng trai này bộc lộ điểm yếu: Tay chân vụng về, cầm thương cầm giáo lóng ngóng như người Tây cầm cuốc. Cụ Đào hỏi: “Xưa nay con có học được chút ít võ nghệ nào không?”. Chàng trai thú thật: “Bẩm cụ, con chưa hề học võ”. Cụ Đào nói: “Đáng tiếc, con hội đủ nhiều ưu thế trong hát tuồng, chỉ thiếu là chưa học võ. Vậy cho con lui về nhà nửa năm, thời gian này con phải tìm thầy học võ, đặc biệt học nhiều về môn sử dụng binh khí rồi trở lại đây”. Theo NSND Xuân Hợi, thời kháng chiến chống Mỹ trở về trước, các diễn viên tuồng ở Bình Định rất giỏi võ, có thể kể như các nghệ sĩ Hề Công, Bá Cảnh, vợ chồng NSƯT Hoàng Chinh – Hồng Thu……

Cảnh diễn võ trong hát tuồng...
Cảnh diễn võ trong hát tuồng…

Nghệ sĩ giỏi võ khi diễn không chỉ có được vũ đạo đẹp trên sân khấu, làm hài lòng khán giả mà khi gặp sự cố bất trắc khi đi diễn ra còn có thể áp dụng để cứu thân, cứu mạng bạn diễn. Đả cọp bằng cây dù NSND Xuân Hợi kể: Cha của nghệ sĩ Hồng Thu (vợ của NSƯT Hoàng Chinh) là nghệ sĩ Hà Quang, trong làng nghệ thuật thường gọi ông là Thập Có. Nghệ sĩ Thập Có vốn là diễn viên của Học bộ đình Vinh Thạnh của cụ Đào Tấn, nức tiếng giỏi giang võ nghệ. Có lần nghệ sĩ Thập Có dẫn đoàn tuồng của mình đi biểu diễn về, ngang qua Truông Bà Đờn nằm trên QL 19 thuộc địa bàn phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn, Bình Định), khi ấy còn là vùng núi hoang vắng, thú dữ thường tập trung về ở. Khi đoàn hát đi ngang qua Truông Bà Đờn trời đã khuya khoắt, bỗng dưng có ông Cọp từ trên núi nhảy xuống, chặn đường anh em trong đoàn hát đang dắt díu nhau đi bộ về nhà.

Nghệ sĩ Thập Có đi trước dẫn đầu nên là người đầu tiên nhìn thấy ông Cọp, ông ra dấu cho anh em dừng lại rồi ngồi thụp xuống, nói vẻ cầu xin: “Con xin thầy, con ngồi xuống đây để thầy ăn cho rồi, nhưng xin thầy tha mạng cho bạn diễn của con” (ngày xưa dân học võ gọi cọp bằng thầy). Khi nghệ sĩ Thập Có vừa ngồi xuống thì ông cọp bung chân nhảy vào vồ ngay. Nhanh như điện, nghệ sĩ Thập Có dùng cây dù trên tay đâm thẳng vào hạ bộ ông cọp. Đau như bị thiến, ông cọp quên ngay con mồi ngon đang ngồi trên đường, chạy thục mạng lên núi, cả đoàn thoát nạn. Sau vụ đả cọp, nghệ sĩ Thập Có được giới hát tuồng biết đến như một kỳ nhân, võ nghệ của ông cũng được truyền lại cho những lớp nghệ sĩ hậu duệ. Nghệ sĩ Hồng Thu cũng thừa hưởng được ở người cha tài hoa những ngón võ gia truyền….

Anh Hoàng Việt, nguyên là diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa TP Quy Nhơn, con trai của NSƯT Hoàng Chinh và Hồng Thu, kể: “Không chỉ học võ của ông ngoại, rảnh rỗi, mẹ tôi còn tìm đến thầy Hương Kiểm Lài, một võ sư danh tiếng thời đó ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) để học thêm. Sau này, khi đào tạo diễn viên, ba mẹ tôi rất nghiêm khắc và cũng yêu cầu học trò phải học võ. Như tôi và NSND Xuân Hợi đều là học trò của ba mẹ tôi”. Trong giới hát tuồng ở Bình Định còn lưu truyền câu chuyện “Mỹ nhân chống sàm sỡ” của nghệ sĩ Hồng Thu.

Chuyện rằng, hồi trẻ, diễn viên Hồng Thu nhan sắc rất mặn mà nên mỗi khi biểu diễn đều “hút hồn” khán giả thanh niên. Dân ở nhiều làng quê còn đồ rằng, có nhiều chàng chẳng biết gì về hát tuồng cũng đi xem, chỉ để ngắm diễn viên Hồng Thu. Trai quê thấy gái đẹp hay trêu chọc. Lần nọ, khi Hồng Thu đang đóng vai Phương Cơ giả trong vở “Tam nữ đồ vương” trên sân khấu, thì đám thanh niên trong làng thách đố nhau ai sàm sỡ được bà sẽ thắng cược. Anh chàng bặm trợn, liều mạng nhất trong nhóm lẻn ra sau cánh gà rồi bất ngờ lao ra sân khấu, xông thẳng vào nghệ sĩ Hồng Thu.

Khi chàng trai này vừa ra tay “sàm sỡ” thì Hồng Thu đã nhanh tay dùng đòn “lau” gạt ra, rồi dùng một thế võ khóa tay chàng trai lại. Càng vùng vẫy, tay càng bị khóa chặt, sau đó mũi của kẻ sàm sỡ kia lập tức bị “ăn trầu” bởi một cú đấm chí mạng của nữ nghệ sĩ. Để răn đe thêm, nghệ sĩ Hồng Thu tung cước đá văng nhân vật sàm sỡ kia văng khỏi sân khấu. Sự việc diễn ra quá nhanh nên khán giả bên dưới chưa kịp hiểu chuyện gì, nhưng cũng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Sau lần đó, danh tiếng nghệ sĩ Hồng Thu xinh đẹp, giỏi võ vang lừng khắp Bình Định. Nhiều thanh niên nhìn người đẹp biểu diễn trên sân khấu mê lắm, nhưng không còn dám manh động, chỉ dám “kính nhi viễn chi”…

“Võ thuật trong đời sống khi vào tuồng Bình Định đã hóa thành một loại hình nghệ thuật, nghệ thuật múa tuồng, hay còn gọi là vũ đạo. Các bài quyền, thập bát ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định đều được các nghệ sĩ tuồng, kể cả vai chính diện lẫn phản diện thể hiện khi lên sân khấu”, NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó GĐ Nhà hát tuồng Đào Tấn, nói….

Có thể bạn quan tâm: Màn trình diễn Võ thuật Trung Hoa hoành tráng trên truyền hình 2015

[jwplayer player=”1″ mediaid=”63364″]

Theo Nongnghiep.vn