Cà Phê Võ Thuật (Kỳ 24) – Phút giật mình trên đỉnh vinh quang

Một câu chuyện mà Cà Phê Võ Thuật vô tình bắt gặp trong tháng ngày tìm kiếm những câu chuyện chân thực về những người đang phải sống với chén cơm manh áo dựa gần như hoàn toàn vào võ thuật – một câu chuyện cũ với ngày đăng đã cách đây 1 năm, nhưng những giá trị của nó vẫn còn nguyên, nhức nhối.

Cà Phê Võ Thuật (Kỳ 23) – “Room 3 only”

Cà Phê Võ Thuật (Kì 22) – Môn võ mạnh nhất

Câu chuyện các vận động viên thể thao mang lại vinh quang cho Tổ quốc nhưng đến khi giải nghệ bỗng lạc lối trong đời sống mưu sinh đã trở nên phổ biến từ lâu.

Trước mỗi giải đấu, các đội tuyển Quốc gia thường tập trung huấn luyện vài tháng, có lúc lên đến 9 tháng. Mặc dù đứng hàng đầu thế giới, nhưng các võ sĩ Silat Việt Nam chỉ nhận 150.000 đồng mỗi ngày lương và 200.000 đồng chế độ dinh dưỡng. Trung bình hàng tháng, mỗi võ sĩ thu nhập khoảng 4 triệu đồng (Ảnh 1). “Thu nhập không phải là vấn đề quá lớn, vì còn rất nhiều người vất vả hơn chúng em, với thu nhập còn thấp hơn nhiều. Điều chúng em quan tâm nhất là tuổi đời thể thao quá ngắn, khoảng 30 tuổi mà chưa tìm ra hướng đi tiếp theo là mối lo đau đáu” – một võ sĩ kỳ cựu tâm sự.

Tại các nước hiện đại với nền kinh tế phát triển, họ có đủ điều kiện về tài chính và cơ chế để khi giải nghệ, các vận động viên dễ dàng có đầu ra công việc như huấn luyện, bình luận, tham gia công tác phát triển cộng đồng, hoặc chí ít, những khoản tiền tiết kiệm từ thời thi đấu đỉnh cao cũng giúp cho vận động viên vượt qua giai đoạn khó khăn khi tìm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, đất nước ta còn nghèo, nhiều nơi dân còn chẳng đủ ăn, chưa thể có điều kiện để có các chính sách đầu tư đầu cuối cho thể thao (Ảnh 2).

Rời khỏi võ đường Silat, chúng tôi đi ngang qua khu vực của đội tuyển Judo quốc gia. Bất chợt tôi nhìn thấy một nữ võ sĩ đang trong quá trình ép cân, mặc lên người những chiếc áo nylon dày cộp. Là một người từng tập luyện thi đấu võ đài, tôi hiểu ép cân thực sự là một thứ cực hình không phải ai cũng chịu đựng nổi. Không chỉ mặc hai lớp áo nylon dày lúc tập luyện, còn phải hạn chế uống nước và hầu như không ăn gì trong khi phải gánh những khối lượng tập luyện nặng hơn các võ sĩ khác. Đối với nữ giới, ép cân còn khổ hơn khi không được ăn vặt, đi qua hàng quán phải cố bước thật nhanh. Đã có những người ép hơn 10kg trong vòng chưa đầy một tháng. Khi đứng dậy, trước mắt chợt thấy ngàn vì sao bay lượn.

Nhẹ nhàng ngồi bên cạnh, tôi giơ máy chụp bức ảnh những giọt mồ hôi túa ra như tắm trên khuôn mặt cô bé cùng với những tiếng thở dốc. Quay sang tôi, nữ võ sĩ cười: “Hay em đổ thêm nước lên đầu cho đẹp anh nhé?”. Thì ra đây chính là Nguyễn Thị Lan – đương kim vô địch quốc gia, Huy chương đồng Đông Nam Á hạng 70kg. Sự đồng cảm đến với chúng tôi chỉ sau vài phút trò chuyện. Tôi bất ngờ với sự hồn nhiên của một người luôn phải chiến đấu hạ gục đối thủ và chiến thắng chính bản thân mình.

Ngày hôm sau, tôi qua thăm Lan. Em đang sống tập trung cùng đội tuyển quốc gia. Lan ở chung phòng với Nguyễn Thị Hường – cũng là đương kim vô địch quốc gia và sở hữu huy chương Bạc Đông Nam Á hạng 63kg. Các em bắt đầu một ngày từ lúc 6h sáng và kết thúc lúc 5h chiều. Tập chạy, tập tạ, luyện kỹ thuật, nâng cao thể lực và thi đấu đối kháng trở thành công việc thường nhật. Mỗi năm, các em thường chỉ được ở nhà 2 tháng, còn lại dành cho tập trung đội tuyển và đi thi đấu.

Giặt giũ quần áo, dọn dẹp phòng ốc luôn được thực hiện theo khuôn phép như trong quân đội. “Mỗi sáng ngủ dậy, bao giờ chúng em cũng dọn giường, mặc dù chẳng ai bắt. Để nơi mình sống gọn gàng, sạch sẽ và cũng để tạo cảm giác mình luôn hoàn thành một nhiệm vụ đầu tiên khi thức giấc, một nhiệm vụ được hoàn thành, các nhiệm vụ tiếp theo cũng phải được thực hiện thành công”, Hường tâm sự (Ảnh 3).

Võ phục như một biểu tượng thiêng liêng trong tinh thần võ đạo, chúng luôn được giặt sạch sẽ và gấp gọn gàng, hướng cờ Tổ quốc lên trên. Dù luôn thể hiện sức mạnh và sự dũng mãnh trên võ đài…. (Ảnh 4)

…nhưng trong cuộc sống đời thường, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ với những nét thơ ngây. Vừa vui vừa ngượng khi biết có các chàng trai khác đang để ý đến mình và không thể không check Facebook trước khi đi ngủ, xem có bao nhiêu người ấn like ảnh chân dung của mình (Ảnh 5).

Cũng giống như các cô gái khác, 2 nhà đương kim vô địch thích được làm đẹp, nhưng một lọ nước hoa và một hộp phấn nằm lọt thỏm trong đống thuốc phục vụ cho thể thao chuyên nghiệp (Ảnh 6).

Lan chia sẻ, hồi bé em đi tập Judo cho đỡ béo, thế rồi theo Judo đến tận bây giờ luôn. “Em thích Judo vì người yếu vẫn có thể đánh bại kẻ mạnh. Đạo làm người được đặt lên hàng đầu cùng với tính khoa học trong cách thực hiện đòn thế là điều em tâm đắc nhất”. Sự khổ luyện không thể mang đến thành công, nếu không có lòng đam mê cháy bỏng. Nếu các cô gái khác đang mải mê xem phim Hàn Quốc, nghe nhạc sến hay đi bar uống rượu thì những cô gái vàng của đội tuyển Judo Việt Nam mò lên Youtube để xem các đòn thế biến hoá, tập luyện với nhau ngay trong phòng và cả trên giường (Ảnh 7).

Lan đang bị chấn thương dây chằng và đầu gối. Kết thúc mỗi buổi tập cũng là lúc những cơn đau kéo đến hành hạ. Bọc nước đá lúc nào cũng phải cất sẵn trong tủ lạnh.

– Đã bao giờ em nghĩ đến việc từ bỏ chưa? – Tôi hỏi.

– Thi thoảng nó cũng loé lên trong đầu những lúc kiệt sức trên võ đường, nhưng em không thể và không bao giờ làm thế. Hai chữ “bỏ cuộc” không bao giờ tồn tại trong tâm thức của võ sĩ đạo (Ảnh 8).

Dòng đời cứ cuốn ta đi mà đôi khi chẳng kịp định thần lại mình sẽ trôi về đâu. Dân văn phòng có thể chỉ mất 10 năm để có chỗ đứng vững chắc trong công việc và cứ thế tiếp tục đi lên theo nấc thang của sự nghiệp. Nhưng 10 năm với các cô gái này cũng đồng nghĩa với việc hy sinh cả tuổi thanh xuân, gánh những tác hại chấn thương lên thể xác. Để sau 10 năm đó, các em để lại những vinh quang sau lưng và lại bắt đầu mưu sinh từ con số 0 tròn trĩnh. Hường và Lan tâm sự, thi thoảng vẫn có những phút giây bất chợt giật mình khi nghĩ đến tương lai, nhưng chưa kịp hoảng hốt thì đã chuẩn bị bước lên võ đài rồi.

Khi đang viết bài báo này, Lan gọi điện cho tôi:

– Anh ơi, ảnh avatar anh chụp cho em đạt kỷ lục hơn 200 likes rồi.

– Cô đúng là thanh niên sống ảo!

Mà cũng phải thôi. Đôi khi, người ta phải sống ảo mới làm được những điều kỳ diệu.

Dương Quốc Bình – Báo Lao Động