Chúng ta có thực sự cần một “Ngày Võ thuật Việt Nam”?

Có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã có ngày kỷ niệm riêng, từ những ngành đặc biệt quan trọng trong xã hội như Y tế, Giáo dục, Quốc phòng… cho đến những trường hợp đặc biệt như Thương binh liệt sĩ. Bản thân ngành Thể thao cũng có một ngày kỷ niệm riêng (27/3). Vậy còn Võ thuật?

Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016 – thành công không có kết thúc

Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016 khép lại đầy ấn tượng

Trước hết, cần phải hiểu vì sao chúng ta có những ngày kỷ niệm cho các lĩnh vực quan trọng. Việc xác nhận ngày kỷ niệm thể hiện tầm quan trọng của lĩnh vực trong xã hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà nước và các nguồn lực xã hội đối với lĩnh vực đó. Ngày kỷ niệm còn là dịp để tổ chức các sự kiện – chuỗi sự kiện liên quan đến lĩnh vực đó, giáo dục và kêu gọi toàn dân quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, các ngành nghề, các tầng lớp xã hội đặc thù.

Di sản Võ thuật cổ truyền Việt Nam và thành quả của võ thuật Việt Nam hiện đại đã xứng đáng với một Ngày kỷ niệm riêng?

Nói một cách “dân dã” và đậm tính cá nhân hơn, ngày kỷ niệm riêng còn là dịp để mỗi người ở các ngành nghề, lĩnh vực được nhắc nhớ về tầm quan trọng của bản thân trong xã hội, trong cộng đồng. Hẳn mỗi chúng ta đều luôn rất tự hào khi có một ngày nghỉ đặc biệt, cùng mời bạn bè quây quần bên bữa ăn để chúc mừng “Ngày thầy thuốc Việt Nam”, “Ngày nhà giáo Việt Nam” của riêng mỗi người vậy.

Nói cách khác, sự tồn tại của ngày kỷ niệm cũng là sự ngầm thừa nhận tính quan trọng và độ ảnh hưởng của một lĩnh vực, ngành nghề hay cộng đồng nào đó.

Vậy Võ thuật có quan trọng đối với người Việt hay không?

Nhìn lại trọn vẹn lịch sử 4000 năm của dân tộc văn hiến này, hơn một nửa là những cuộc chiến tranh vệ quốc khỏi các thế lực hùng mạnh, từ các cuộc xung đột lãnh thổ, nạn phỉ cướp cho đến những cuộc xâm lược thực sự. Sự tồn tại cho đến tận ngày nay là thành quả của quá trình chống giặc ngoại xâm, và thành công đó đến từ rất nhiều yếu tố: sự đoàn kết dân tộc, chiến lược đại tài, mưu trí, sức mạnh kinh tế và công nghệ của người Việt cổ… và một phần liên quan mật thiết đến nền võ học dân tộc. Bất chấp nhiều tranh cãi hiện nay rằng di sản võ cổ truyền Việt Nam đã mai một đi rất nhiều, những tài liệu còn lại cho thấy tinh hoa võ thuật Việt Nam như Vật cổ truyền Từ Sơn – Bắc Ninh hay võ cổ truyền Tây Sơn – Bình Định đã từng là những tên tuổi sánh ngang với mọi nền võ thuật cổ truyền của các dân tộc lận cận.

Võ thuật là một cộng đồng lớn, và họ cũng cần một dịp kỷ niệm cho đam mê, tài năng và vai trò của mình.

Ngày nay, bên cạnh các môn võ thuật cổ điển, võ thuật đối kháng thể thao hiện đại cũng trở thành một phần quan trọng trong làng võ thuật nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Hầu hết các môn võ thuật phổ thông đã phát triển toàn thế giới như Boxing, Judo, Vật, Taekwondo, Karate… đều đã có tại Việt Nam, thu hút tỷ lệ lớn người tập luyện thường xuyên. Nhiều môn võ thuật (đặc biệt là Silat, Taekwondo, Karate, Fencing…) trở thành “mỏ vàng” thực sự của thể thao Việt Nam trên các đấu trường khu vực, quốc tế.

Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM (22/4/2016), một “ngày võ thuật” không chính thức đã đi vào lòng người yêu võ Việt.

Sự tồn tại và phát triển của võ thuật còn đem lại tác động to lớn đến với xã hội. Với các giá trị tâm lý đặc thù, võ thuật là một công cụ hiệu quả để giáo dục xã hội nhiều đức tính như nỗ lực, bác ái, tự lực tự cường… Năm 2016, Tổ chức Văn hóa thế giới UNESCO cũng đã tuyên bố công nhận “Võ thuật là một trong những công cụ giáo dục thanh thiếu niên hiệu quả nhất” và hiện chính UNESCO cũng đang vận hành dự án Trung tâm Võ thuật thanh thiếu niên Thế giới (Chungju, Hàn Quốc). 22/4/2016 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016 lần đầu tiên (tiếp nối Liên hoan Võ thuật Thế giới đã được tổ chức tại Chungju, Hàn Quốc từ năm 1998). Ngoài ra, còn có vô số sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí tại Việt Nam dần xuất hiện hình bóng võ thuật.

Đội Võ nhạc Taekwondo Việt Nam (V-SKY Taekwondo Kids và V-LIONs) tham gia biểu diễn ở Chương trình Điền Quân Fan Fest vào tối 6/8/2017

Xét về thứ tự ưu tiên, võ thuật có thể phải đứng sau rất nhiều ngành nghề để có một “ngày kỷ niệm” riêng. Cũng có nhiều người cho rằng khái niệm “võ thuật” đã được bao hàm trong “thể thao” nên có thể lấy ngày kỷ niệm 27/3. Dẫu vậy, với những tính chất đặc thù và sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây, võ thuật hoàn toàn xứng đáng với một ngày kỷ niệm thực thụ, một ngày mà cả xã hội đều phải dừng lại một phút giây để nhìn nhận giá trị của võ thuật trong đời sống, ngày mà người võ sẽ bắt tay vào hàng loạt sự kiện ý nghĩa, vừa để tôn vinh vai trò của võ – nghệ, vừa đóng góp những hành động ý nghĩa cho cộng đồng.

Hồ Võ