Cà Phê Võ Thuật: mỗi người yêu võ nên làm một người truyền bá võ thuật

“Mỗi người yêu võ nên trở thành một người truyền bá võ thuật” – Đó là điều quan trọng nhất tôi muốn nói đến trong Cà Phê Võ Thuật lần này.

Cà Phê Võ Thuật: Không Cà Phê, cũng chẳng phải Võ thuật

Cà Phê Võ Thuật : góc nhìn khác về Võ đạo – đạo của người võ sĩ

Câu nói trên cũng là điều tâm niệm của tôi lúc vào nghề, và cho tới tận bây giờ. Nếu quý độc giả đã từng yêu mến chuyên mục Cà Phê Võ Thuật này, tôi xin phép lấy đi của các bạn một vài phút để trải lòng về chuyện không của riêng tôi – tôi tin vậy, dù những gì tôi sắp kể đây có vẻ hơi cá nhân một chút.

Tôi còn nhớ lúc tôi còn bé, 5 hay 6 tuổi gì đấy, con đường võ thuật của tôi bắt đầu in những dấu chân đầu tiên. Thời gian đó, võ thuật như một thứ tài sản gia truyền vậy. Cha chú tôi tranh luận với nhau, và dạy cho tôi. Ngoài kia không ai dạy cho tôi. Và tôi không hề biết cái thế giới võ thuật ngoài kia nó tròn méo như thế nào.

Tạp chí Võ thuật - một trong những ấn phẩm được đầu tư kỹ lưỡng nhất về võ thuật Việt Nam hiện nay. Và đây cũng chính là nơi tôi nhận ra Võ Thuật xứng đáng được xuất hiện trên mặt báo như những niềm đam mê khác, xe, bóng đá chẳng hạn.
Tạp chí Võ thuật – một trong những ấn phẩm được đầu tư kỹ lưỡng nhất về võ thuật Việt Nam hiện nay. Và đây cũng chính là nơi tôi nhận ra Võ Thuật xứng đáng được xuất hiện trên mặt báo như những niềm đam mê khác, xe, bóng đá chẳng hạn.

Thời gian từ lúc tôi 6 tuổi cho tới khi tôi 15 tuổi nó không liên quan gì đến những chuyện tôi muốn nói lắm, bỏ qua nhé!

15 tuổi, tôi bắt đầu biết đến thứ gọi là “võ online”. Thực ra tôi biết dùng Internet từ 13 tuổi, nhưng lại đâm đầu vào các forum…văn học. Có thể nhiều người bạn bè của tôi không biết điều này: khả năng viết báo võ của tôi không đến từ võ, mà đến từ…truyện ngắn tình cảm học trò. À mà thôi bỏ qua giai đoạn này đi.

Tôi đang muốn nói về cái thời tôi đặt tay xuống bàn phím gõ tên đăng kí nickname của tôi trên Vietnamfight.com – một trong những diễn đàn võ thuật lớn nhất VN thời bấy giờ.

Tôi thề có danh dự của mình! Nửa năm trong Vietnamfight mở ra cho tôi một thế giới mà 15 năm trước đó của cuộc đời tôi không nhìn thấy!

Xin phép khoe một chút: Đây là nơi tôi thường ngồi viết về võ. Và đằng sau chiếc màn hình đó, tôi thấy trọn vẹn mảnh đất hình chữ S này, từng nơi, từng người một đang chơi võ như thế nào. Sức mạnh của công nghệ thật kì diệu đúng không? Sao chúng ta không tận dụng nó cho đam mê.
Xin phép khoe một chút: Đây là nơi tôi thường ngồi viết về võ. Và đằng sau chiếc màn hình đó, tôi thấy trọn vẹn mảnh đất hình chữ S này, từng nơi, từng người một đang chơi võ như thế nào. Sức mạnh của công nghệ thật kì diệu đúng không? Sao chúng ta không tận dụng nó cho đam mê?

Sức mạnh của Internet thật kì diệu – và bây giờ tôi đang nói về sự kì diệu đó trong cuộc đời võ của tôi. Và sẽ còn là của nhiều người khác

Ở đó, qua màn hình máy tính, tôi nhìn thấy những người anh em ở đủ mọi miền đất nói về võ thuật (à, cần nói thêm rằng lúc đó tôi đang học lớp 10). Tôi biết rằng ở Hà Nội đang có những người anh em của bộ môn Tán thủ – một trong những bộ môn phát triển nhất ở mảnh đất rồng bay. Tôi biết rằng ở TP.HCM – nơi cách tôi chỉ có 120km nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân đến, người ta “chơi” võ như thế nào. Và rồi tôi biết những mảnh đất xa lạ, những màu da màu cờ xa lạ có những môn võ mà tôi lần đầu nghe nói đến: Jiujitsu, Capoeira, và cả khái niệm mà ngày đó tôi đọc là “mờ mờ a” (MMA đấy!)

Xin lỗi đã hơi dài dòng, tôi hơi phấn khích mỗi khi nghĩ về quãng thời gian đó. Hãy nghĩ xem, một đứa trẻ 16 tuổi sống ở tỉnh lẻ, với một trái tim đập bằng dòng máu võ thuật truyền lại từ gia đình, lần đầu tiên nhìn thấy cả một thế giới võ thuật rộng lớn hơn hàng trăm ngàn lần chiếc sân nhà nhỏ bé mà tôi tập những thế tấn đầu tiên.

Tôi không bao giờ quên được cảm giác đó.

Xin lỗi vì phải dùng khá nhiều ảnh riêng tư, nhưng đây là lúc tôi...trộm viết báo võ trong giờ trực quán cafe, nơi tôi từng làm. Bạn thấy đấy, chúng ta vẫn có thể viết về võ, nói về võ kể cả khi chúng ta đang quay cuồng giữa những công việc đời thường. Vấn đề là bằng cách nào thôi!
Xin lỗi vì phải dùng khá nhiều ảnh riêng tư, nhưng đây là lúc tôi…trộm viết báo võ trong giờ trực quán cafe, nơi tôi từng làm. Bạn thấy đấy, chúng ta vẫn có thể viết về võ, nói về võ kể cả khi chúng ta đang quay cuồng giữa những công việc đời thường. Vấn đề là bằng cách nào thôi!

Sau này, Vietnamfight tan rã (tôi xin phép không nói sâu vào vấn đề này). Tôi làm việc (phi lợi nhuận) cho cho môn fanpage về võ thuật – và công việc của tôi lúc đó, một thằng nhóc 18 tuổi, đó là chép lại những gì mà tôi cảm thấy đúng, và chia sẻ lại cho cộng đồng. Tôi từ từ bắt đầu có những bài viết đầu tiên do chính mình viết nên. Cái nickname Cáo Già của tôi dần dần được bạn đọc nhớ đến (vâng, có thể lúc này đây vài độc giả đã nhận ra tôi – nếu như thế, tôi xin gửi lời nhắn đến các bạn rằng dù đã đột ngột rời vị trí và cái tên cũ gần hơn 2 năm rồi, tôi vẫn đang phục vụ các bạn như ngày xưa).

Trong đầu tôi dần dần hình thành những khái niệm đầu tiên về người truyền bá võ. Những con người biết những điều đúng đắn để chia sẻ lại cho cộng đồng, những người cùng đam mê, những người mà chúng tôi gọi là “anh em”.

Tôi xin phép “lái” sang một hướng khác để tiếp tục nói về chuyện làm báo võ. Lúc còn bé, cha xứ dạy tôi thế này:

“Để truyền bá Thiên Chúa giáo, con phải hành xử lương thiện, để những người ngoại giáo có thể nhìn vào con, yêu mến con và từ đó yêu mến Thiên Chúa”.

Tôi xin lỗi nếu như bạn thuộc một tôn giáo khác (điều tôi vẫn tôn trọng) và cảm thấy lạ lẫm về câu nói trên – chỉ là ví dụ này vừa nảy ra trong đầu tôi, và tôi cảm thấy dễ dàng khi dùng nó để nói với bạn rằng:

“Võ thuật này có được xã hội yêu mến hay không, nó phụ thuộc vào cách bạn thể hiện phẩm chất và kiến thức của bạn.”

Cách các bạn thể hiện “sống võ”, “chơi võ” và “luyện võ” như thế nào để cộng đồng nhìn vào đó và thấy rằng: “Ồ! Võ sĩ! Một hình tượng đáng để học hỏi, theo đuổi và trở thành.”

Quay lại với câu chuyện của tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn tiếp tục viết về võ, nói về võ, và cuộc đời may mắn cho tôi cơ hội được làm báo võ – vâng đó là lí do vì sao giờ đây tôi đang viết Cà phê Võ thuật tại báo VoThuat.vn này.

Tôi tiếp tục công việc tôi rất yêu thích, đó là tìm kiếm và chia sẻ lại những kiến thức võ thuật cho cộng đồng. Và đồng thời, tôi tìm kiếm một con đường nào đó để chứng minh cho cộng đồng thấy rằng võ thuật là một trong những điều tuyệt vời nhất – một niềm đam mê mà chúng ta nên có trong đời.

Ngó lại toàn bộ câu chuyện, từ lúc tôi 5 tuổi đến giờ, quá trình tôi biết đến võ thuật là những bước chân ngoạn mục. Từ một đứa nhóc – à không, con ếch con ngồi đáy giếng, tôi may mắn gặp gỡ được cộng đồng đã chỉ cho tôi biết thế giới võ thuật rộng lớn đến mức nào.

Cách họ nói chuyện với nhau làm tôi yêu mến khí phách con người võ. Cách họ chia sẻ với nhau đủ chuyện buồn vui làm tôi thấy tôi muốn được ở trong đại gia đình võ thuật này đến mức nào. Đó là cái tình của người võ. Tôi tin rằng thứ giữ tôi lại với võ thuật, một nửa là do đam mê, một nửa là do cái tình giữa những người chơi võ. Đó là những con người đã uốn nắn cho tôi từng kiến thức, từng nhận thức.

Và ngẫm lại, việc bây giờ tôi viết về võ, để mọi người biết thêm về võ, nó chỉ là tấm gương phản chiếu lại chính xác những gì cộng đồng võ thuật đã tác động đến tôi: khiến tôi yêu mến võ thuật, và không thể sống thiếu nó.

Và đó cũng chính là lí do vì sao tôi nói rằng: “Mỗi người yêu võ nên là một nhà báo võ thuật, một người truyền bá võ thuật”.

Có nhiều người, họ có thể không nói chuyện trôi chảy như một nhà báo. Họ có thể không chụp ảnh giỏi, không giỏi đưa tin, không giỏi giật title, không giỏi bám sát những sự kiện nóng như những phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp. Nhưng trái tim võ trong họ đã “đốt” tôi một lần, tôi tin họ sẽ còn “đốt” được nhiều người nữa. Tôi tin rằng ngoài kia đang có rất nhiều đứa trẻ mới lớn như tôi đã từng, chưa hiểu biết gì nhiều về võ, nhưng sẽ! Sẽ bước đi trong niềm kiêu hãnh và hạnh phúc, sẽ quay lại để phục vụ cộng đồng này với vai trò một người truyền bá cảm hứng và kiến thức.

Đất nước 90 triệu người này đang có khoảng 20 người làm việc nghiêm túc trong lĩnh vực báo chí võ thuật. Chúng ta cần nhiều hơn thế. Chúng ta cần những “nhà báo” võ thuật ngay trên mọi bàn cafe, mọi sân tập, mọi cuộc hội ngộ nói về võ thuật. Mỗi người yêu võ đều nên nói về đam mê của mình, và truyền nó lại cho những người bên cạnh. Hoặc, theo một cách thầm lặng hơn, đó là sống võ, hành xử theo cách của những người luyện võ chân chính. Để cộng đồng này nhìn vào và trở nên yêu mến cách sống của võ thuật.

Đôi khi, những lúc ngồi viết một mình thế này, tôi tự hỏi 20 viết về võ/90 triệu người là đủ hay chưa? Bạn nghĩ thế nào?
Đôi khi, những lúc ngồi viết một mình thế này, tôi tự hỏi 20 người viết về võ/90 triệu người là đủ hay chưa? Bạn nghĩ thế nào?

Những điều hôm nay tôi nói ở đây, không chỉ là tiếng nói của riêng một mình tôi. Tôi tin rằng tiếng nói đó tồn tại trong mỗi con người yêu võ thuật, những con người luôn sẵn lòng truyền lại đam mê đó ngay khi có thể. Viết về võ, đối với tôi đó không chỉ là niềm đam mê, mà còn là cách để trả nợ cho cộng đồng võ thuật, món nợ ân tình về những gì họ đã dạy cho tôi. Họ đã cho tôi biết võ thuật là điều tuyệt vời đến như thế nào. Còn bạn?

Với tư cách là một người đã được cuộc đời may mắn cho cơ hội làm người viết báo võ (một cách đàng hoàng), lời cuối cùng trong tập Cà Phê Võ Thuật này, tôi chỉ muốn nói một điều:

“Tôi mong muốn tất cả những người yêu võ, những người mà tôi từng, đang và sẽ gọi là anh em, tất cả đều sống và nói về võ như một người làm báo võ, một người truyền bá võ thuật. Những con người truyền lửa võ giữa cộng đồng nguội lạnh này.”

Bằng tất cả lòng yêu mến và tôn trọng, tôi xin được gọi tên các bạn – những con người Võ khác trong cuộc đời này, những người đang làm cho cộng đồng này yêu mến và đi theo con đường Võ Thuật. Tôi xin được gọi tên các bạn: “Đồng nghiệp!”.

Thay lời cảm ơn đến những bạn đọc đã dành thời gian cho bài viết này, xin gửi tặng quý độc giả một video clip: Những khoảnh khắc tuyệt vời của con người với võ thuật.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”89276″]

Hồ Võ