Cảnh tỉnh võ đạo Việt (Kì 1):- Từ những vụ án của người luyện võ…

Vụ việc võ sư Đoàn Đình Lân – cựu tuyển thủ Karate Việt Nam vừa bị bắt về tội hiếp dâm nhanh chóng trở thành một trong những điểm tin nóng nhất làng võ Việt cuối 2015.

Khoa học đã chứng minh Bạo Lực là phẩm chất…tốt của con người

3 cái phẩm chất cần có của một người học võ

Ngày 24/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy (Công an thành phố Hà Nội) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đoàn Đình Lân (39 tuổi, ngụ ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa) để điều tra về hành vi Hiếp dâm. Theo đó, Đoàn Đình Lân khai nhận đã sử dụng mạng xã hội Zalo để làm quen và dụ dỗ nữ sinh viên N.T.B (19 tuổi) làm mẫu chụp ảnh, và thực hiện hành vi đồi bại với cô tại khách sạn.

Võ sư Đoàn Đình Lân, người từng sở hữu tiền án trước khi tiếp tục phạm tội hiếp dâm.

Được sự dạy dỗ từ người cha võ sư Đoàn Đình Long nổi tiếng là cánh chim đầu đàn của làng Karate Việt Nam, Đoàn Đình Lân lớn lên cùng bộ môn này và trở thành tuyển thủ quốc gia. Tháng 5 năm 2005, khi đang làm huấn luyện viên Trung tâm thể dục thể thao quận Đống Đa, Hà Nội, Lân bị bắt vì hành vi cướp tài sản tại quận Đống Đa và bị Tòa án nhân dân quận Đống Đa tuyên phạt 30 tháng tù. Sau vụ án làm chấn động làng võ, cũng như một “vết đen” tội lỗi cho gia đình, Đoàn Đình Lân im hơi lặng tiếng một thời gian dài – nhưng khác với niềm hi vọng hoàn lương mà người thân, bạn bè và đồng môn đặt ở nơi anh, Đoàn Đình Lân lại tiếp tục sa ngã.

Trước đây, làng võ Việt cũng đã không ít lần “dậy sóng” trước những vụ án lớn mà thủ phạm lại chính là những người VĐV tài năng, thậm chí các võ sư. Từ những vụ án của Nguyễn Tiến Tuấn (10 năm làm VĐV chuyên nghiệp cho Boxing Hải Phòng,  can tội gây rối trật tự công cộng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân và cuối cùng là hành hung gây chết người trong trại tam giam), HLV Taekwondo Võ Văn Vạn cùng 2 em trai ở TP.HCM (can tội giết người, gây rối trật tự công cộng năm 1996), võ sĩ Wushu Trần Xuân Anh (can tội hiếp dâm trẻ em năm 2007), võ sư Trần Quang Hưng (can tội giết người ở Bắc Ninh, tháng 3/2015). Tất cả liên tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho sự xuống cấp trầm trọng của nền võ đạo Việt.

Được nhắc đến như những biểu tượng của đạo đức, cùng trách nhiệm xây dựng bản lĩnh ở mỗi con người – mấu chốt trong việc đảm bảo sự bình yên cho xã hội, tại sao nhiều nhân vật võ thuật, bao gồm các VĐV và cả các võ sư liên tục rơi vào vòng lao lý?

Với khả năng sử dụng vũ lực hơn hẳn những người bình thường, các võ sĩ, võ sư rất dễ trở thành tội phạm nguy hiểm nếu như không có sự tự kiềm chế, kiểm soát hành vi. Tại nhiều quốc gia, luật pháp cũng quy định rõ những người đã và đang tập luyện võ thuật khi thực hiện hành vi gây án có liên quan đến vũ lực phải chịu mức phạt cao hơn, thậm chí được coi ngang hàng như gây án có sử dụng hung khí.

Song song với việc rèn luyện với võ thuật, đó là giảng dạy võ đạo. Đó không chỉ là truyền thống từng ngàn xưa của một dân tộc Việt Nam 4000 năm văn hiến, mà đó còn là trọng trách thiết thực trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, khi những người luyện võ cũng là những con người bình thường trong cuộc sống này, cũng đứng trước cám dỗ, cũng đôi lúc bị chèn ép đến mức  buộc phải sử dụng vũ lực, cũng đôi khi cái đầu nóng ra lệnh cho nắm đấm, cú đá.

Trước những tiếng chuông cảnh báo đáng lo ngại về thực trạng nền võ đạo chung, từ lâu đã có không ít người cho rằng môi trường võ thuật hiện nay, nơi những “phòng tập” mọc lên nhiều hơn các “võ đường” chính là nhân tố lớn làm suy giảm ý thức chung của những người luyện võ đối với võ thuật. Cuộc sống bận rộn khiến con người dành ít thời gian cho võ thuật hơn, nhưng lại cần có được kết quả tập luyện tốt hơn, thời gian cho việc rèn dạy võ đạo, truyền đạt nhân cách, lối hành xử chuẩn mực của người luyện võ cũng vì thế ít dần đi. Nhiều người cũng cho rằng lối luyện võ theo kiểu “phòng tập” cũng làm giảm đi sự gắn kết giữa thầy – trò trong võ thuật.

Nhiều người cho rằng lối giảng dạy võ thuật kiểu “phòng tập” là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái các giá trị võ đạo. Nhưng liệu đó có phải sự thật?

 Thế nhưng, nếu nhìn lại vụ việc Đoàn Đình Lân – một người gần như gắn trọn cuộc đời mình với Karate, một trong những bộ môn nổi tiếng nghiêm khắc và kỷ luật, lớn lên trong sự giảng dạy của người cha nổi tiếng đức độ, tài năng trong làng võ, tại sao sau những điều kiện giáo dục tuyệt vời đó, anh vẫn tiếp tục sa ngã?

Một HLV từng dạy Đoàn Đình Lân hơn chục năm về trước cho biết: “Tôi nghĩ rằng hành động của Lân là rất đáng lên án. Lân đã làm xấu hình ảnh của làng võ, của thể thao Việt Nam. Khi còn dạy, tôi luôn dạy các em phải khắc cốt ghi tâm 3 điều: Đối nhân xử thế, sống có văn hóa và tinh thần tập luyện, có nghị lực vươn lên. Trường hợp của Lân thật đáng tiếc vì em đã không làm chủ được bản thân, đã gây hậu quả lớn”.

Nhắc đến những câu chuyện sa ngã của người luyện võ, ắt hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ  Võ sư Trần Văn Bình can tội Giết người do vượt quá khả năng phòng vệ nhưng sớm được giảm án, trở về gia đình và trở thành lương y nổi tiếng tại Nha Trang. Thế nhưng, võ sư Trần Văn Bình vẫn chỉ là một phần thiểu số. Mỗi năm, những vụ việc người luyện võ, hay thậm chí các VĐV chuyên nghiệp, các võ sư liên tục rơi vào vòng lao lý vẫn tiếp diễn.

Vì lý do nào mà những người luyện võ – lẽ ra là “khuôn vàng thước ngọc” trong lối hành xử của con người thuộc xã hội đầy vấn nạn này, lại chính là những người dính “vết nhơ” tội phạm?

(Còn tiếp)

Võ sư Lê Đình Phước (Vovinam) nói về “Võ và Đạo” trong chương trình “Khách của VTV3”, đài truyền hình Việt Nam

[jwplayer player=”1″ mediaid=”86054″]

Y.N