Vụ cướp ngân hàng bí ẩn nhất trong lịch sử Nhật Bản

Bất chấp việc thu thập được tới 120 bằng chứng các loại tại hiện trường, cảnh sát vẫn không thể đi xa hơn trong việc điều tra, tìm ra hung thủ.

Cách tự vệ chống cướp hiệu quả hơn cả võ thuật
Cướp túi xách giữa đường, thanh niên nhận cái kết đắng lòng

300 triệu Yen đột nhiên biến mất dù thủ phạm không gây đổ máu, không bắt cóc con tin, không sử dụng vũ khí nóng, vụ cướp ngân hàng xảy ra năm 1968 vẫn là một trong những vụ án gây chú ý nhất trong lịch sử đất nước mặt trời mọc.

Giả mạo cảnh sát

Vào những ngày đầu tháng 10/1968, ngân hàng Nihon Shintaku Ginko nhận được lời đe dọa nặc danh sẽ đánh bom nhà riêng của vị giám đốc, trừ khi ngân hàng này trả một khoản tiền lên tới 300 triệu Yen (tương đương 817.000 USD).

Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, lực lượng cảnh sát đã liên tục được điều động tới bảo vệ, theo dõi tình hình ngôi nhà. Tuy nhiên, suốt những ngày tiếp theo, không có vấn đề gì xảy ra và cảnh sát cho rằng đây chỉ là một trò đùa ác ý.

c2
Hình ảnh phác hoạ của tên trộm bí ẩn. Ảnh: SCMP.

Ngày 10/10, một xe chuyển tiền chở đúng 300 triệu Yen rời bánh khỏi ngân hàng dưới sự giám sát của 4 cảnh vệ, gấp đôi số lượng thông thường.

Ôtô đi được nửa đường thì bị một chiếc xe máy của cảnh sát ép vào gần vỉa hè, đề nghị chiếc xe dừng bánh. Cảnh sát trên xe thông báo nhà của giám đốc ngân hàng đã bị đánh bom và chiếc xe chở tiền có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của bọn cướp.

Đột ngột, lửa và khói lan ra từ gầm xe, viên cảnh sát cuộn tròn người, hét lên thông báo quả bom chuẩn bị phát nổ. 4 cảnh vệ trên xe hoảng sợ, vội mở tung cửa và chạy về phía góc đường. Lúc này, một cảnh sát điềm tĩnh bước vào buồng lái, vội vàng bỏ trốn cùng toàn bộ số tiền. Khi bốn cảnh vệ chạy lại, họ nhận ra mình đã bị một cú lừa ngoạn mục.

Sau khi điều tra, cảnh sát khẳng định không hề có quả bom nào gắn trên xe. Khói báo động giả được gắn dưới mặt đường đã cháy xém. Căn nhà của giám đốc vẫn trong tình trạng an toàn và không có chứng cứ cho thấy bị đe dọa.

Tuy nhiên, số tiền 300 triệu Yen đã “không cánh mà bay”, bằng chiêu thức hết sức đơn giản bởi kẻ giả mạo cảnh sát và những tin đồn thất thiệt.

Cuộc điều tra kéo dài 30 năm

Bất chấp việc thu thập được tới 120 bằng chứng các loại tại hiện trường, cảnh sát vẫn không thể đi xa hơn trong việc điều tra, tìm ra hung thủ. Tất cả chứng cứ, bao gồm cả chiếc môtô của cảnh sát giả mạo, đều bị sơn trắng nhằm xóa dấu vết.

Nghi phạm lớn nhất của vụ án lúc này là một thiếu niên 19 tuổi, con trai của cảnh sát sở hữu chiếc xe môtô. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi tạm giam, nghi phạm thiệt mạng vì trúng độc tố kali xyanua.

Mặc dù anh ta thiếu các bằng chứng ngoại phạm khi vụ án diễn ra, cảnh sát không thể tìm được số tiền hay bất kỳ thông tin nào liên quan đến vụ việc. Theo báo cáo, chàng thanh niên được cho đã tự tử vì không chịu nổi áp lực và được miễn truy tố.

Năm 1975, cảnh sát Nhật Bản phát hiện một người bạn của nghi phạm năm xưa đang cố gắng tiêu thụ khoản tiền lớn bất thường không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, số tiền này sau đó được xác nhận không hề liên quan tới vụ cướp.

c7
Chiếc môtô bị xóa hoàn toàn dấu vết tại hiện trường. Ảnh: Day.

Theo quy định của luật pháp nước Nhật, một vụ trọng án được điều tra trong vòng 20 năm mà không tìm ra được thủ phạm hay chứng minh được là thủ phạm đang bị truy bắt thì phải gác lại.

Về nguyên tắc, đến năm 1988, vụ án giả mạo cảnh sát để cướp xe chở tiền vào tháng 10/1968 cũng phải nằm trong “danh sách tạm hoãn”, bởi không bắt giữ được thủ phạm. Tuy nhiên, do tính chất nghiêm trọng của vụ án, chính phủ Nhật cho phép kéo dài cuộc điều tra.

Vào ngày 3/1/2001, cảnh sát thành phố Kagoshima tạm giam một thiếu niên 15 tuổi sử dụng 2.500 Yen loại tiền mệnh giá 500 Yen để mua hàng tại một cửa hàng tạp hoá. Điểm đặc biệt là số sêri trên các tờ 500 Yen này lại trùng khớp với số sêri của số tiền trong vụ cướp lịch sử.

Khi bị thẩm vấn, cậu bé thừa nhận rằng đó là số tiền được nhận từ một người bác. Ngay lập tức, cảnh sát liền lần theo lời khai và tạm giữ Yuji Ogata, 49 tuổi, chủ một nhà hàng địa phương.

Ông Ogata khẳng định mình và đồng phạm đã giấu tiền trên một xe tải nhỏ chở kính, nhằm qua mặt các chốt chặn của cảnh sát và trốn được tới nhiều vùng xa xôi của Nhật Bản.

Tuy nhiên, giới truyền thông cũng như chính người thân của Ogata đặt ra nghi vấn với những lời khai này. Ogata được mệnh danh là kẻ thường xuyên dựng chuyện để thu hút sự chú ý. Đặc biệt, theo lời kể của hàng xóm, Ogata vẫn phải vay mượn để duy trì cuộc sống suốt một thời gian dài sau khi vụ cướp diễn ra.

Vì vụ án đã qua thời hạn truy tố, Ogata không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, những dấu hỏi xoay quanh cái chết của thiếu niên 19 tuổi hay cuộc sống khốn khó của Ogata vẫn chưa được giải đáp.

Cho tới nay, đây vẫn là một trong những vụ cướp ngân hàng thành công và gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử thế giới, cũng như đất nước mặt trời mọc.

Theo Zing