Jinichi Kawakami và bí mật của người ninja cuối cùng

(VoThuat.vn) – Ninja từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa của đất nước Nhật Bản và in sâu vào tâm trí của mọi người về hình ảnh của những chiến binh bất khả chiến bại. Tuy nhiên, trải qua nhiều thời kì lịch sử, cả Nhật Bản giờ đây chỉ còn lại một nịnja duy nhất là Jinichi Kawakami.

Ninja là những chiến binh bí ẩn và đáng sợ bậc nhất của lịch sử chiến tranh. Ninja sở hữu những kỹ năng bí ẩn, độc đáo, hành động trong im lặng và gây ra cái chết một cách bất ngờ. Ninja từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa của đất nước Nhật Bản và in sâu vào tâm trí của mọi người về hình ảnh của những chiến binh bất khả chiến bại. Tuy nhiên, trải qua nhiều thời kì lịch sử, cả Nhật Bản giờ đây chỉ còn lại một nịnja duy nhất là Jinichi Kawakami

Jinichi Kawakami là ninja cuối cùng còn sót lại

Đối với Jinichi Kawakami – người ninja cuối cùng, nghệ thuật ninjutsu không chỉ là một câu chuyện cổ tích hay một phương tiện để quảng cáo về ninja. Ninjutsu là một nghệ thuật của những chiến binh ninja được sử dụng trong chiến đấu, trong đó cơ thể và tâm trí của những chiến binh hòa làm một. Để đạt được cảnh giới này, Jinichi đã tập luyện trong hàng thập kỷ. Giờ đây, ở tuổi 66, ông có thể nghe thấy cả tiếng một chiếc kim rơi ở căn phòng bên cạnh, trèo tường, tạo ra khói và biến mất trong màn sương, giết chết đối thủ bằng phi tiêu khi đứng xa cả chục mét. Bên cạnh đó, ông cũng chịu được nhiệt độ rất cao hoặc rất thấp, nhịn ăn trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu về tâm lý học, dược học, y học, chiêm tinh học, và hoạt động gián điệp.

Jinichi Kawakami là lãnh đạo đời XXI và cũng là đời cuối cùng của gia tộc Ban – một gia tộc lẫy lừng với hơn 500 năm lịch sử. Chính gia tộc Ban là nơi đã dạy cho ông những kỹ năng của ninja khi ông mới 6 tuổi. Năm 19 tuổi, ông đã được trao tước vị của sư phụ và sở hữu những kỹ năng thượng thừa của một nhẫn giả.

Theo lời kể của Jinichi, ông từng phải dành rất nhiều thời gian chỉ để nhìn một ngọn nến, cho đến khi ông cảm thấy mình đang đứng trong ngọn lửa đó. Để trau dồi thính lực, Jinichi phải lắng nghe một cái kim rơi xuống sàn gỗ ở phòng bên cạnh. Bên cạnh rèn luyện giác quan, Jinichi phải trải qua những ngày tháng khắc nghiệt với tập kiếm, sử dụng phi tiêu, trèo tường, trộn hóa chất, chất độc. Tập chịu lạnh, chịu nóng, chịu đói khát, tập luyện nằm im 3 ngày liền ở một vị trí nhưng có thể tấn công bất cứ lúc nào – Tất cả các kỹ năng chịu đựng của Ninja phải cao hơn người thường.

Kawakami nói chìa khóa của ninjutsu là tấn công bất ngờ, tận dụng sự mất tập trung và sự nhầm lẫn của đối thủ. Nhờ có sự nhầm, ninja có khả năng tấn công và giành chiến thắng, hoặc chí ít là tận dụng cơ hội để trốn thoát trong trường hợp bất lợi. Theo ông, ninja không phải chỉ là những kẻ giỏi ám sát hay giết chóc mà truyền thông hay nói, ninja còn là bậc thầy gián điệp, tàng hình, sáng tạo y học.

Ngày nay, Jinichi đã không còn tiếp nhận đệ tử nữa. Ông chia sẻ: “Những nghệ thuật chiến đấu của ninja ngày nay đã không còn phù hợp nữa. Ninja được đào tạo những kỹ năng gián điệp, pha chế thuốc độc hay giết người. Ngày xưa điều này rất hữu ích, nhưng trong thời đại internet như bây giờ những thứ đó không còn phù hợp nữa. Tôi không thể dạy người khác cách cắt cổ hoặc pha thuốc độc, điều đó rất khó được chấp nhận ở thời đại này, tôi sẽ để nhẫn giả chỉ còn là dĩ vãng thực sự”.

Cũng vì những lý do này, Kawakami đã có một lời thề sẽ chôn vùi những bí mật của nghệ thuật nổi tiếng này vào ngôi mộ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông không trân trọng những di sản của nghệ thuật ninjutsu đã tồn tại nghìn năm. Bây giờ, Jinichi là giám đốc danh dự của Viện bảo tàng Ninja Iga-Ryu, một bảo tàng dành riêng cho lịch sử của ninjutsu, trưng bày các vật dụng của ninja như shuriken và những phân tích khoa học về chúng. Ông cũng nghiên cứu tại Đại học Mie với nhiệm vụ khám phá và phát hiện ra những bí mật của ninjutsu trên góc nhìn khoa học.

Ninja ngày nay không còn phù hợp và nếu một ngày nào đó Kawakami qua đời thì câu chuyện về những nhẫn giả huyền thoại sẽ chỉ còn trong ký ức.

Hoài Phương