“Chiếc Kimono của Thầy tôi” – Câu chuyện về tinh thần Tôn sư trọng đạo trong Karate

(VoThuat.vn) – Sở hữu chiếc đai đen cao quý huyền đai đệ thất đẳng, nguyên Trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo nhiệm kỳ 1995 – 2006, đồng thời là một nhà văn tài năng, võ sư Nguyễn Văn Dũng thường có những bài viết chia sẻ thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý của cộng đồng Karate. VoThuat.vn xin giới thiệu một bài viết rất hay về những chiếc áo Kimono trong đời võ sư và những kỷ niệm liên quan.

CHIẾC KIMONO CỦA THẦY TÔI

Thầy tôi – Chưởng môn Choji Suzuki, là người Nhật đầu tiên đem môn Karate truyền vào Việt Nam, thiết lập mặt bằng vững vàng cho Karate Việt Nam hội nhập với Karate quốc tế, hiện đại.

Thầy có nhiều chiếc Kimono, mỗi lần ra sân tập thầy mặc một chiếc, mà bao giờ cũng được cô Leiko Suzuki ủi thẳng ro và trắng tinh.

Chiếc Kimono của Chưởng môn Choji Suzuki, người Nhật đầu tiên đem môn Karate truyền vào Việt Nam

Sau 1975, những chiếc Kimono của thầy lăn lóc theo gió bụi cuộc đời; một chiếc trôi dạt về tay Võ sư Ngọc Anh (hiện là Chủ tịch Liên đoàn Võ Cổ truyền TT-Huế). Phải năm lần bảy lượt tôi mới “thỉnh” được chiếc Kimono của thầy từ nhà Ngọc Anh về Võ đường.

Những ngày lễ, tiếp khách, hay dịp thi lên đai tôi mới mặc chiếc Kimono của thầy. Mỗi lần mặc, bao giờ tôi cũng có cảm giác như nghe được hơi ấm của thầy mình.

Chiếc Kimono của thầy, mà trước đây võ sư Nguyễn Văn Dũng thường mặc vào những dịp đặc biệt.

Sau này, đặc biệt từ năm 1995, khi được thầy bổ nhiệm làm Trưởng tràng đời thứ 13 Hệ phái Suzucho Karate-Do, tôi nhận ra, đó không chỉ là chiếc Kimono của thầy mà còn là một biểu tượng, là một bảo vật. Thế là tôi không mặc nữa, tôi niêm phong lại và giữ gìn nó như một tài sản vô giá.

Cách đây 6 năm, Võ sư Lê Công ghé thăm (hồi ấy anh còn là HLV Trưởng Đội tuyển Karate Việt Nam). Anh nói, “Công tặng anh bộ Kimono Công mua trong chuyến sang Nhật vừa rồi. Hy vọng anh mặc vừa”. Tôi mặc, không chỉ vừa, mà còn đẹp, tôi rất thích. Thế là từ đó, vào những ngày lễ, tiếp khách, hay dịp thi lên đai bao giờ tôi cũng mặc chiếc Kimono của Võ sư Lê Công tặng.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng trong chiếc Kimoni của Võ sư Lê Công, cựu HLV Trưởng Đội tuyển Karate Việt Nam.

Thời trai trẻ, duyên may tôi có được chiếc Kimono của thầy Chưởng môn Hệ phái Suzucho Karate-Do Việt Nam. Nay về già, tôi có thêm chiếc Kimono do Huấn Luyện viên Trưởng Đội tuyển Karate-Do Việt Nam trao tặng. Những ai từng dành trọn đời cho sự nghiệp Karate hẳn sẽ hiểu được niềm vui của tôi khi bộ sưu tập Kimono của mình vừa đầy đặn vừa chan chứa ân tình.

Bài viết của võ sư Nguyễn Văn Dũng

[themeum_alert close=”no” type=”alert alert-info” title=””] Đôi nét về võ sư Nguyễn Văn Dũng

Võ sư Nguyễn Văn Dũng (sinh ngày 8/10/1941) tại làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau khi tốt nghiệp Tú tài năm 1962, ông theo học khoa Văn trường Đại học Sư phạm – Huế và tốt nghiệp năm 1965, ông trở thành giáo sư Việt văn các trường Trần Quốc Tuấn – Quảng Ngãi, Gia Hội – Huế, Quốc Học – Huế. Sau năm 1975, ông làm hiệu trưởng trường cấp 3 Gia Hội, sau đó làm cán bộ thanh tra Sở Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế; Huấn luyện viên Trưởng Đội tuyển Karate các trường Đại học và Chuyên nghiệp Việt Nam; là thành viên Hội đồng sáng lập trường Đại học Phú Xuân; Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Thể chất và Quốc phòng trường Đại học Phú Xuân.

Từ năm 1992, ông là chuyên viên Karate của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 1995, ông được bầu là Trưởng tràng đời thứ 13 của Hệ phái Suzucho Karate-Do Việt Nam và là người thứ 10 giữ ngôi vị này. Ông là người có nhiệm kỳ giữ vị trí lãnh đạo hệ phái dài thứ 2 với 11 năm, chỉ sau võ sư Lê Văn Thạnh (nhiệm kỳ liên tục 13 năm và tổng các nhiệm kỳ là 25 năm).

Năm 1978, sau khi Chưởng môn Suzuki Choji cùng gia đình hồi hương về Nhật, võ sư Nguyễn Văn Dũng thành lập Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do, trung tâm đặt tại số 8 Trương Định – Huế. Thập niên 1980, khi chính quyền bắt đầu xu hướng cởi mở, nới lỏng việc kiểm soát tập luyện võ thuật, với vị trí cán bộ phụ trách Văn – Thể – Mỹ của Sở Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế, ông dốc sức truyền bá Karate, phát triển tại Huế và lan ra các tỉnh lân cận, như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng. Là một cựu giáo viên, ông bắt tay vào viết và cho xuất bản nhiều đầu sách về kỹ thuật và tinh thần của Karate Suzucho.

Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do trở thành một trong những Phân đường lớn của Hệ phái Suzucho Karatedo Việt Nam. Hiện Phân đường có gần 50 Phân đường chi nhánh ở các tỉnh, thành, ngành trong nước và 6 Phân đường chi nhánh nước ngoài, với hơn 20.000 môn sinh thường xuyên tập luyện.

Lễ khai giảng khoá tập năm 2017 của võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do

[/themeum_alert]

Anh Thư