Đại võ sư Võ cổ truyền Việt Nam hai lần đối chiêu cùng cao thủ nước ngoài

(VoThuat.vn) – Với tuyệt kỹ ngũ trảo công có đôi bàn tay cứng như sắt đá, võ sư Phạm Văn Bằng từng dùng nó để khiến nhiều võ sư nước ngoài phải lăn lộn vì đau đớn. Đó là hai lần đối chiêu vào các năm 2007 và 2014.

Đại võ sư Phạm Văn Bằng hiện đang là chưởng môn sáng lập của môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải từ năm 1982. Môn phái  lấy hình tượng của chim đại bàng (Bằng) mang ý nghĩa sức mạnh trên không, loài rồng dưới nước (Long) cũng đầy sức mạnh và cuối cùng là Hải vì nó rộng lớn, mênh mông. Theo quan điểm của ông, võ thuật là sức mạnh và sự đoàn kết.

Theo võ sư Bằng, nét độc đáo nhất của Thiếu Lâm Bằng Long Hải là chú trọng quyền pháp tập trung vào sức mạnh của đôi tay và chân. “Đôi tay và đôi chân của mình giống như một hàng rào, nếu không có động tác kín thì khó bảo vệ mảnh vườn thân thể lắm. Người học võ cần chú ý rèn luyện 4 tố chất: nhanh, mạnh, bền và chính xác, phải tập sao cho được trình độ cao để có thể hóa giải chính xác những đòn thế hiểm độc của đối thủ”, ông nói.

Môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải.
Môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải.

Trong sự nghiệp võ thuật, võ sư Phạm Văn Bằng từng nhiều lần được các võ sư nước ngoài mời giao lưu, thử chiêu. Trong đó, nổi bật nhất là vào các năm 2007 và 2014 theo lời ông kể.

Võ sư Bằng nói: “Năm 2007, tôi sang Mỹ để dạy cho một số võ sinh của môn phái Thái Cực Đạo. Vị võ sư bên đó thấy tôi ở Việt Nam sang nên có ý định mời thử chiêu để xem có gì khác biệt.

Tôi thì không muốn thử nhưng họ cứ muốn đánh. Không còn cách nào khác nên tôi đành ra chiêu, tôi chỉ dùng 1-2 đòn điểm nhẹ vào vùng hiểm là khiến họ đau đớn, vẫy tay xin thua không dám thử nữa. Sau đó họ bắt tay làm bạn”.

Đại võ sư Phạm Văn Bằng.
Đại võ sư Phạm Văn Bằng.

Lần thứ hai diễn ra năm 2014 khi một đoàn võ cổ truyền của Ý sang Việt Nam để giao lưu. Trước sự chứng kiến của nhiều người, vị chủ tịch của Võ cổ truyền Ý mời võ sư Bằng thử chiêu.

“Nói là đánh giao lưu nhưng thực ra là họ đánh thật, còn tôi lúc đầu chỉ đưa ta ra đỡ, không đánh lại. Họ nhận ra điều đó nhưng vẫn cố tình đánh, vì thế tôi đành tung chiêu vào những chỗ hiểm nhưng ra đòn nhẹ rồi dừng lại đúng lúc. Vị võ sư đó đau đớn quá nên xin thôi, không giao lưu nữa”, võ sư Bằng nhớ lại.

Đó là hai trong số nhiều kỷ niệm đáng nhớ của vị chưởng môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải khi nói về những cuộc đối chiêu trong nghiệp võ của mình.

Hiện nay, trước những cuộc thách đấu lẫn nhau giữa các võ sĩ, võ sư của các phái, kèm theo đó là tranh cãi về tính thực chiến của võ cổ truyền, võ sư Phạm Văn Bằng nhận định: “Thật ra, võ cổ truyền của ta có nhiều đòn đánh rất hiểm và ra đòn nhanh. Khi giao đấu có thể đánh vào các yếu điểm của đối phương là họ sẽ bị đau đớn rất nhiều. Tôi cho rằng nói võ cổ truyền không có tính thực chiến là không đúng mà ngược lại nó rất hữu dụng. Tuy nhiên, cao thủ thì ít khi lộ diện. Vì thế, những võ sĩ bây giờ sẽ rất ít có cơ hội đánh thắng nếu đối đầu thật sự”.

V.Đ