Con đường MMA VN (Phần 1): MMA cho người Việt, có nhất thiết phải đổ máu?

Con đường MMA VN phần này sẽ đề cập đến vấn đề nhức nhối nhất: yếu tố đổ máu. Nhắc đến MMA – võ tổng hợp, nhiều người thường nghĩ đến một đấu trường với luật thi đấu “tự do”, những tấm thảm đẫm máu và các pha đòn không khoan nhượng kể cả khi đối thủ đã ngã xuống. Nhưng liệu đó có phải sự thật tuyệt đối?

Hàng loạt võ sĩ MMA chuyên nghiệp chuyển đến Việt Nam sinh sống

Giải MMA One FC đang chọn Việt Nam làm điểm đến kế tiếp?

Chưa bao giờ có một bộ môn (nói chính xác thì MMA là một thể thức thi đấu, không phải một bộ môn) có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy tại Việt Nam – kể cả khi số lượng những phòng tập MMA tại Việt Nam vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và việc tổ chức thi đấu vẫn chưa được cho phép thì các giải đấu lớn trên toàn thế giới (UFC, One FC, Bellator) đã gây được tiếng vang lớn, và hình ảnh những võ sĩ với đôi găng hở ngón chiến đấu trong lồng sắt trở nên quen thuộc ngang ngửa với các võ sinh mặc võ phục trắng của Karate, Taekwondo…

Khán giả tham dự một giải MMA tại Việt Nam. Do các sai phạm về tổ chức, giải đấu này đã bị đình chỉ sau đó. Tuy nhiên, những hình ảnh này đã để lại một thực trạng không thể chối cãi: sự ủng hộ của giới trẻ Việt đối với MMA.
Khán giả tham dự một giải MMA tại Việt Nam. Do các sai phạm về tổ chức, giải đấu này đã bị đình chỉ sau đó. Tuy nhiên, những hình ảnh này đã để lại một thực trạng không thể chối cãi: sự ủng hộ của giới trẻ Việt đối với MMA.

Từ đó, chúng ta có thể tin chắc rằng nếu MMA tại Việt Nam đạt được một trong những bứt phá lớn – đó là việc tổ chức thành công một giải đấu, hay một sự kiện thi đấu (do võ sĩ nước ngoài thi đấu) thì chắc chắn võ tổng hợp sẽ càng phát triển, nói đúng hơn là tự phát triển một cách mạnh mẽ.

Thế nhưng, MMA tại Việt Nam gặp 2 định kiến rất lớn, đó là việc “Tiếp tục tấn công người đã ngã xuống, phi nhân tính” (vấn đề này sẽ được đề cập trong bài viết sau) và việc các võ sĩ đổ máu quá nhiều trong các trận đấu – điều mà chúng ta sẽ đề cập đến hôm nay.

Chắc chắn, nếu đã từng nhiều lần xem các trận đấu ở UFC – giải MMA lớn nhất hành tinh, chắc chắn bạn đã từng nhìn thấy máu đổ. Đó là sự thật. Găng của MMA mỏng và có nhiều góc cạnh hơn găng Boxing, cộng thêm sự cho phép của các đòn gối chỏ cho nên việc tạo nên các vết cắt trên cơ thể đối thủ (chủ yếu là vùng mặt) là điều khả thi. Tỉ lệ các trận đấu phải đổ máu trong MMA khá cao, đôi khi cao hơn Boxing và Muay Thái (nếu xét trên mặt bằng chuyên nghiệp).

Muay Thái – một bộ môn hết sức tàn khốc (thậm chí có phần hơn MMA) nhưng vẫn được người Việt tiếp nhận và phát triển rộng rãi.

Từ đó, nhiều người cho rằng MMA là môn thể thao đối kháng bạo lực. Chuyện các võ sĩ thi đấu với gương mặt đầy máu là điều mà thậm chí chúng ta còn phải kiêng dè trong Muay Thái thì đó lại là việc hết sức bình thường ở MMA. Và việc các võ sĩ lăn lộn với máu chảy tràn trên mặt, ngực, và cả thảm đấu là điều tương đối đáng sợ với phần đông người xem.

Chúng ta dần dần hình thành một định kiến: “MMA là một bộ môn đẫm máu. Họ lấy việc các võ sĩ đổ máu để mua vui, để kiếm tiền vé, bản quyền truyền hình”.

Rất khó để chối cãi điều này. Điển hình trong video clip sau đây, chúng ta sẽ thấy điều mà chúng ta vừa nói.

Top 10 trận MMA đẫm máu nhất lịch sử

[jwplayer player=”1″ mediaid=”90915″]

Nhưng đó có phải sự thật về MMA?

MMA đã từng là đấu trường để các môn võ cạnh tranh với nhau, tận dụng mâu thuẫn vốn có của giới võ thuật về câu hỏi “Môn võ nào là thực chiến nhất?” để tạo nên những trận đấu khốc liệt – những trận đấu mà việc thắng, bại còn là danh dự của môn võ. Những đòn hiểm được cho phép để đảm bảo sự công bằng của các môn võ, sự tàn bạo của MMA thời kì đầu là điều không ai chối cãi.

MMA thời kì đầu là đấu trường để các môn võ định đoạt ngôi vương.

Cho đến khi các võ sĩ nhận ra rằng việc tìm kiếm một môn võ đứng đầu là điều hoàn toàn sai lầm, họ tìm cách tổng hợp võ thuật lại với nhau, chắt lọc tinh hoa ở cả 3 trường phái striking (tấn công bằng va chạm trực tiếp), wrestling (vật) và grappling (khóa siết), khái niệm MMA (võ tổng hợp) được hình thành với xu hướng thể thao thực sự. Và dĩ nhiên, trong thể thao (ở đây là thể thao võ thuật đối kháng) việc đảm bảo an toàn cho các võ sĩ là điều quan trọng. Danh sách đòn cấm ngày càng dài. Các đòn tấn công hạ bộ, đạp đối thủ khi đã ngã…dần dần bị loại bỏ khỏi đấu trường khắc nghiệt này.

Vậy tại sao MMA vẫn có máu đổ?

Điều thứ nhất: có một sự thật rằng các đòn thế trong MMA dễ gây đổ máu hơn. Các góc cạnh trên găng MMA, hay các điểm nhọn của cơ thể như cùi chỏ, khớp ngón tay, gót chân… có thể “cắt” da đối thủ ở những vị trí như chân mày, trán, miệng… Các chấn thương ở mũi cũng gây chảy máu rất nhiều. Tỉ lệ đổ máu của MMA rõ ràng là tương đối cao.

Điều thứ hai – và cũng là điều quan trọng nhất: Chính các giải đấu để cho võ sĩ đổ máu.

Yếu tố đổ máu trong MMA là điều mà những người hâm mộ cũng không thể phủ nhận.

Hãy lấy UFC làm ví dụ. Nên nhớ rằng MMA cũng là một ngành giải trí – truyền thông đem lại lợi nhuận, và các hãng tổ chức luôn phải tìm cách để các võ sĩ hái ra tiền. Đổ máu là một trong những cách như thế. Việc để các võ sĩ tiếp tục thi đấu dù đã chấn thương đổ máu là cách hay để tăng độ kịch tính và máu lửa, từ đó đem lại lợi nhuận lớn. Dĩ nhiên, việc để các võ sĩ đổ máu trong giới hạn an toàn là điều khó khăn, đòi hỏi trình độ của các võ sĩ lẫn trọng tài và công tác y tế. Sự thật rằng số người chết trong toàn bộ lịch sử MMA chuyên nghiệp không bằng số người chết 1 nặm trên sàn Boxing. Vấn đề này sẽ được bàn đến trong bài viết sau.

Ở các giải đấu nhỏ, hoặc không quá đặt nặng tính thương mại, việc để các võ sĩ đổ máu quá nhiều là không cần thiết. Bản thân các võ sĩ cũng không có trình độ và uy lực khủng khiếp như các đấu trường lớn như UFC để có thể gây nên quá nhiều vết cắt nghiêm trọng. Trong các tình huống này, các võ sĩ có thể được yêu cầu ngừng thi đấu ngay khi bắt đầu xuất hiện các vết cắt chảy nhiều máu.

Thi đấu MMA tại Việt Nam.
Thi đấu MMA tại Việt Nam.

Tháng 9/2015, võ đường Liên Phong của diễn viên Johnny Trí Nguyễn tổ chức một giải đấu MMA. Tuy nhiên, vì không đảm bảo được các yêu cầu về y tế, chưa xin phép các đơn vị quản lý thể thao, giải đấu đã được yêu cầu đình chỉ cùng mức phạt.

Tạm gác lại các vấn đề về việc tổ chức thi đấu ở MMA tại Việt Nam, thế nhưng giải đấu vội vã của Liên Phong đã vô tình chỉ ra một điều: MMA cho người Việt không nhất thiết phải đổ máu.

Hai võ sĩ sau khi thi đấu MMA tại Việt Nam (giải đấu bị phạt đã nói ở trên).
Hai võ sĩ sau khi thi đấu MMA tại Việt Nam (giải đấu bị phạt đã nói ở trên). Có thể ví họ như những “cuộc thí nghiệm liều lĩnh”, nhưng đã chứng minh được sự thật về việc đổ máu trong MMA nói chung và MMA nghiệp dư nói riêng.

Tại giải đấu, các võ sĩ đã thi đấu hết mình với bảo hộ kỹ càng (có thêm bảo hộ ống chân và cùi chỏ – khác với các giải MMA chuyên nghiệp). Trình độ của các võ sĩ cũng được giới hạn ở mức độ an toàn, cũng như công tác trọng tài đã ý thức được các võ sĩ thi đấu với tinh thần đam mê, không “máu me sát phạt” vì phần thưởng hay những danh hiệu lớn lao – họ có thể dừng lại khi bắt đầu xuất hiện những chấn thương đáng lo ngại, không nhất thiết phải liều lĩnh tiếp tục. Liên Phong đã thực hiện một giải đấu không thành công trong công tác tổ chức, nhưng đã để lại bằng chứng thuyết phục cho sự phát triển trong tương lai của MMA Việt Nam, để lại một niềm tin hợp lý.

MMA cho người Việt, không nhất thiết phải đổ máu.

Trong tương lai, rất khó để nói về việc Việt Nam sản sinh ra những thế hệ võ sĩ tầm cỡ và thi đấu ở những đấu trường lớn. Thế nhưng, hiện tại, tại những trận đấu nhỏ của MMA Việt Nam, hay thậm chí là những giải đấu – nếu chúng ta có được sự tổ chức, công tác y tế và trọng tài tốt, cũng như những tính toán và sự cho phép cẩn thận từ những đơn vị quản lý thể thao, việc đổ máu là điều không đáng lo ngại.

Một trận đấu khá hay nhưng không để lại nhiều chấn thương tại Kiện tướng võ thuật.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”90901″]

(Đón đọc phần 2: MMA nguy hiểm đến mức nào?)

Hồ Võ