Nam Huỳnh Đạo – Từ nhân văn tiến lên thượng võ

­

Bài dự thi: “Võ thuật trong trái tim tôi”.

Từ lâu tôi luôn tìm kiếm, khao khát hình ảnh của một bậc võ gia thứ thiệt như trong phim “Đại sư thái cực quyền”. Nội dung phim kể về một vị đại sư Thái cực quyền sống ẩn danh trong một ngôi chùa cũ kĩ, và ông chỉ thâu nhận một đồ đệ duy nhất là Tiểu Hổ. Từ việc có tiền để sửa sang lại ngôi chùa, Tiểu Hổ dần bị đánh mất sự thánh thiện, tự chủ trong bản chất vì dần bị tha hóa bởi sức mạnh của đồng tiền và cám dỗ của danh vọng. Trong cuộc đọ thí gần cuối phim, vị đại sư đã giúp cho Tiểu Hổ nhận ra bản ngã chính là thứ anh phải vượt qua.

Với tôi, một bậc võ gia thứ thiệt trước hết phải là một bậc Đại nhân cách, dùng võ để trấn áp cái ác và nuôi dưỡng lòng lương thiện. Bởi vì chỉ có nhân cách mới sản sanh ra tài năng thật sự (Giới-Định-Huệ), còn nếu không, nó chỉ là thứ trí trá, xảo quyệt, mưu lược dùng để lợi mình, hại người. Có thể hình tượng võ thuật trong phim rất đẹp, rất hoàn mĩ nhưng ở ngoài đời liệu có thể tìm thấy một hình tượng như vậy chăng, trong khi khắp nơi là những đấu trường, võ đài – nơi mà người ta sẵn sàng tước đoạt mạng sống lẫn nhau trong tiếng vỗ tay gào thét bên dưới, nhưng rồi lại khoác vai nhau đầy “tình nghĩa hiệp” khi kẻ thắng người thua đã được phân định. Tất cả diễn ra như một màn kịch mà bản tính hung hăng, ích kỉ, lợi danh đang trương phồng lên, và người ta đang cố đậy nó bằng một cái bình rỗng mang tên “thượng võ” ở cuối mỗi trận đấu. Thật vô lý khi treo chính mạng sống, tương lai của mình vào những hình tượng bóng bẫy, chớp nhoáng (huy chương, bằng cấp). Con đường Võ Đạo chân chính có đi tìm những sĩ danh? Đó chính là lý do nhiều bậc đạo sư, võ sư chân chánh tìm cách ở ẩn để tích cực nhập thế giúp đời. Có những lúc tôi lúc chán chường thất vọng, tuy nhiên tôi đã có một niềm tin rằng dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra biết bao thế hệ anh hùng dân tộc Văn-Võ song toàn, và con đường Võ Đạo tôi đang tìm kiếm nhất định nằm trên mảnh đất truyền thống này.

Biểu diễn đồng trận vào ngày lễ Bế Môn thường niên của môn phái (Nguồn: internet)
Biểu diễn đồng trận vào ngày lễ Bế Môn thường niên của môn phái (Nguồn: internet)

Và rồi như một cái duyên từ thuở nào không hay, tôi đã tìm thấy ánh sáng chân lí, sau nhiều năm khát khao một môi trường Võ Đạo trong sáng, lành mạnh. Ánh sáng chân lí – không phải là một danh từ bóng bẫy, nhưng bởi vì nó là ánh sáng của Đạo Đức. Và ánh sáng đó được tìm thấy trong môn phái Nam Huỳnh Đạo.

Trong những ngày đầu đặt chân vào Nam Huỳnh Đạo, tôi rất ấn tượng với võ đường đậm chất Việt Nam. Với không gian và kiểu kiến trúc của mái đình Việt Nam, khi bước chân vào, tôi cảm nhận được một chút gì rất hoài cổ, nó gợi nhắc tôi đến không gian sinh hoạt văn hóa của ông bà ta ngày xưa với “mái đình, giếng nước, cây đa”.

Người sáng lập ra Nam Huỳnh Đạo chính là sư phụ chưởng môn: Huỳnh Tuấn Kiệt. Tôi nghĩ ai mới vào học buổi đầu tiên sẽ có cảm giác vừa ngỡ ngàng, lạ lẫm nhưng cũng vừa gần gũi khi chạm mặt với Văn Hóa dân tộc – những điều sư phụ đang truyền dạy và ấn chứng. Vì sao là Nhân Văn-Thượng Võ (mà không phải là Nhân Văn và Thượng Võ), vì sao lại “lấy Võ kết bạn” (mà không phải là ‘Lấy Văn kết bạn’). Dần dần, tôi hiểu ra rằng “võ” ở đây không còn ở phạm trù “võ thuật” nữa mà chính là sự vận động đi từ Nhân Văn tiến lên Thượng Võ, là kết tinh của Nhân Văn được thực thi bằng Thượng Võ. Nếu võ thuật chỉ dừng lại ở những món nghề trảo, công phu đơn thuần, thì Võ Đạo chính là nơi xây dựng con người thành những “anh hùng áo vải” ngay trong thời đại mới: sẵn sàng cống hiến cho xã hội, sẵn sàng dấn thân bảo vệ Tổ Quốc. Con người không thể giúp đỡ lẫn nhau chỉ bằng vài câu nói suông được, mà phải thực hiện bằng hành động cụ thể thiết thực, có khoa học tổ chức đầy chuyên nghiệp trong sự chỉ đạo của lương tâm, Đạo Đức chân chánh: “Của cho không bằng cách cho”. Mỗi buổi giảng của sư phụ đều mang giá trị riêng, và cứ đều đặn đến lớp như vậy, tôi dần dần có thể cảm nhận được độ sâu và sự thiêng liêng của Văn Hóa Dân Tộc.

Sau khi nói về Võ Đạo, sư phụ bắt đầu nói phần thực hành công phu. Sư phụ cử hai vị sư huynh lên cân sức với nhau để đảm bảo tính khách quan và khoa học. Sau đó sư phụ truyền dạy cho một vị đệ tử về chân lí “lấy thua thiệt làm dưỡng phúc”. Khi áp dụng, rõ ràng sức của người này có thể đẩy người kia lùi về sau vài thước. Điều này khiến không ít những môn sinh, đặc biệt là những người mới tới học lần đầu đều trầm trồ ngạc nhiên, thích thú. Đằng sau những đòn thế uyển chuyển, đầy nội lực chính là sự thấm đẫm, nhuần nhuyễn những triết lý Nhân Văn mà sư phụ thường đúc kết trong những bài giảng. Không giáo điều, không khô khan, không viễn vông… tất cả những gì tôi học được đều rất minh triết, khoa học.

Nam Huỳnh Đạo thăm trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn
Nam Huỳnh Đạo thăm trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn

Ngày 11/ 2 / 2015 là ngày lễ bế môn của môn phái. Theo thông lệ hàng năm, vào ngày này môn phái sẽ tổng kết lại những hoạt động võ thuật – võ đạo trong năm vừa rồi như ghi lại một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ. Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia vào ngày lễ lớn như thế này. Điều khiến tôi hài lòng nhất chính là đoạn clip ghi lại những hoạt động từ thiện của môn phái như quyên góp gạo, áo quần, tới thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiến máu nhân đạo… Mặc dù cuộc sống sinh hoạt ăn uống của các huynh đều hết sức đạm bạc, còn những môn sinh thì hầu hết đều là học sinh, sinh viên không ai dư dả gì mấy nhưng kì lạ là những hoạt động, sự kiện của môn phái dù nhỏ hay lớn, tưởng chừng là không thể gánh vác nổi, đều kết thúc thành công tốt đẹp. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những kết quả tốt đẹp đó là bằng chứng cho sự trưởng thành về SỨC NGƯỜI, SỨC LỰC và SỨC TÂM. Có lẽ chỉ khi nào đặt chân đến đây và tham gia đầy đủ lớp VÕ ĐẠO cùng các hoạt động của môn phái, bạn mới thật sự trải nghiệm được 2 chữ thiêng liêng NHÂN VĂN – THƯỢNG VÕ trong tinh thần của một người võ gia.

Quãng thời gian tôi học ở Nam Huỳnh Đạo không dài nhưng môi trường ở đây ít nhiều giúp tôi hiểu được nội lực mạnh mẽ của Văn Hóa dân tộc Việt. Khi tôi được xem màn biểu diễn đồng trận của các em đồng nhi và của các huynh trưởng, tôi không khỏi xúc động trước những động tác điệu nghệ đòi hỏi công phu khổ luyện từ nhiều năm này đến nhiều năm khác. Khoan nói đến những tuyệt kĩ cao siêu, nhưng hãy để ý đến những chi tiết hết sức nhỏ và tinh tế: từng ánh mắt, từng cú đấm, từng cú giậm chân, từng tiếng la hét… đều thể hiện nội lực, sức vóc của một tinh thần, một ý chí thép. Tất cả đều rất thật, thật giữa Trời Đất. Không chỉ đơn thuần là một màn biểu diễn thỏa mãn tính thẩm mỹ cho người xem mà trên hết, tôi nghĩ bất cứ ai nếu một lần được chứng kiến đều sẽ cảm thấy sức vươn của thế hệ bên trong mình đang rạo rực và khao khát tới một lí tưởng chân mĩ. Bởi vì Văn Hóa dân tộc chính là đây, Văn Hóa của Việt Nam chính là đây.Tương lai về một thế hệ con cháu Việt Nam với đầy đủ Đức – Tài  – Trí – Dũng luôn là điều mà tôi và mỗi mỗi môn sinh Nam Huỳnh Đạo ở đây đều tin tưởng và ngày đêm phấn đấu rèn luyện.

“Bằng khí phách hào hùng, bằng niềm tin vĩnh cửu

Ta hiên ngang vững chãi bước đi kiên cường

Ở phía trước có nhiều khi, nhạt nhòa sương khói phủ

Tu rèn tin vào đạo lý, ta vượt lên chính mình”

                                       (Trích lời bài hát Nam Huỳnh Đạo)

    Huỳnh Anh Duy