Lời khuyên – Những bí quyết để giữ mình luôn…dễ mến tại nơi tập võ

Lời khuyên sau đây có thể sẽ không giúp gì nhiều trong việc cải thiện kỹ năng võ thuật, nhưng chắc chắn sẽ là những lưu ý cần thiết để bạn bớt trở thành “người ngoài hành tinh” của phòng tập luyện võ thuật – nơi mà rất nhiều người trong số chúng ta luôn gắn bó và xem đó như gia đình thứ hai. 

Lời khuyên – 5 lý do để có một người bạn đam mê võ thuật

4 Lý do thầy dạy võ của bạn hay quát to

Có rất nhiều lý do – dù vô tình hay cố ý – khiến chúng ta bị… ghét tại CLB, tại phòng tập võ thuật. Hãy cố hạn chế điều đó, tạo nên một môi trường tập luyện thoải mái cho chính bạn và những người xung quanh. Đây cũng là cách gián tiếp để có được thành quả tập luyện như ý.

Về dụng cụ tập luyện

Cần hiểu rằng nếu so sánh với mức sống chung thì dụng cụ tập luyện võ thuật ở VN (đặc biệt là đồ chất lượng, chuyên nghiệp) có giá thành không hề rẻ và cũng không dễ tìm mua như tìm một chiếc áo bình thường.

Nếu đó là dụng cụ chung của phòng tập, hãy sử dụng đúng cách dưới sự cho phép của chủ phòng tập, HLV. Dụng cụ dùng chung rất mau hư hỏng, nên mỗi người đều tự giác cẩn thận một chút sẽ đỡ đi gánh nặng tài chính cho chủ phòng tập. Nên nhớ, dạy võ ngày nay cũng là một kiểu kinh doanh, nhưng kinh doanh võ thuật cực khổ đủ mọi đường mà lợi nhuận vốn không bằng những ngành khác. Hãy tôn trọng người đang quản lý nơi bạn tập!

Sử dụng đồ võ, cần phân biệt được đâu là thứ dùng chung, đâu là đồ cá nhân.

Nếu đó là dụng cụ của người khác thì càng phải tuyệt đối cẩn thận. Những dụng cụ có thể dùng chung như dây nhảy cũng cần được xin phép rõ ràng khi muốn sử dụng. còn những dụng cụ mang tính chất cá nhân như khăn lau mồ hôi, chai nước, dây quấn tay, găng thì tuyệt đối hạn chế chạm đến. Nếu là một người tập luyện võ thuật phong trào, bạn có thể sẽ hơi bất ngờ khi tôi nhắc đến những đôi găng đấm. Vâng! Có thể bạn không biết, nhưng đối với những người tập luyện đàng hoàng, đôi găng đấm Box có thể có giá trị tiền triệu, và nó cũng mang tính chất cá nhân như điện thoại di động của họ vậy – một phần vì họ không muốn người khác làm hư hỏng nó, một phần vì họ không muốn chạm tay vào mồ hôi của người khác. Có người còn nói đùa: đối với dân chuyên nghiệp thì đôi găng cũng như… đồ lót vậy, bạn muốn mặc chung đồ lót với tôi không?

Cũng có nhiều phòng tập mua dụng cụ như bảo hộ đầu, ống chân, găng đấm… để các học viên có thể mượn dùng chung với nhau. Xin hãy nhìn lại nguyên tắc đầu tiên: sử dụng cẩn thận, tôn trọng và dưới sự cho phép của chủ sở hữu.

Về thái độ

Võ thuật động chạm đến niềm tự tôn của nhiều người, vì vậy, hãy tế nhị trong lời ăn tiếng nói, đặc biệt là trong những tình huống hay gặp sau đây:

  • Nếu bạn vô ý gây chấn thương cho người khác khi tập luyện hay thi đấu? Tập luyện võ thuật, đả thương lẫn nhau là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, hãy nhớ rằng người vừa làm bạn bị thương cũng là người đang giúp bạn tiến bộ. Hãy biết tôn trọng những chấn thương của người khác, nhất là khi chấn thương đó do bạn gây nên. Đừng lấy đó là điều gì hay ho hay đáng tự hào.
  • Đừng trêu đùa hay làm phiền người khác khi họ đang tập trung. Nếu tập luyện võ thuật đàng hoàng, bạn sẽ hiểu võ thuật đòi hỏi sự tập trung cao độ như thế nào. Những lời chọc phá hay làm phiền của bạn có thể ảnh hưởng đến thành quả tập luyện của họ, nặng hơn nữa là khiến họ tự gây chấn thương cho mình.
Võ thuật có thể mang đến cho bạn những người bạn, hoặc cả một gia đình. Nhưng trước hết, bạn phải là một người dễ mến.
  • Bất kể bạn đúng hay sai, hãy góp ý một cách tế nhị, chân thành và kín đáo. Vâng, lại là vấn đề của sự tự tôn. Cái tôi của dân võ rất lớn, đừng xúc phạm đến điều đó kể cả khi bạn đúng. Nếu như bạn chắc chắn mình nghĩ đúng, và đủ logic để thuyết phục, hãy nói riêng với người mà bạn đang nhắm tới. Cố chứng minh người khác sai trước mặt toàn bộ tập thể không chỉ khiến mối quan hệ của bạn xấu đi, mà những người khác cũng sẽ tự hỏi: “Không biết khi nào tới lượt mình bị gã này bắt bẻ”.
  • Hãy rõ ràng chuyện tiền bạc. Dĩ nhiên, tùy vào mức độ tình cảm giữa bạn và HLV mà sẽ có những lúc bạn không thể đóng học phí kịp thời, nhưng vẫn được thoải mái bỏ qua. Tuy nhiên, cần nhắc lại điều ở trên: Dạy võ không hề sung sướng gì cả. Hay một câu khác vẫn được giới nghệ thuật truyền miệng: “Tôi làm nghệ thuật không có nghĩa là tôi làm nó miễn phí. Tôi cũng có những hóa đơn cần trả giống như bạn. Xin cảm ơn vì đã thấu hiểu.”

Có rất nhiều tình huống, hành vi phức tạp có thể xảy ra tại một lớp võ, rất khó để nêu lên đầy đủ. Tuy nhiên, những vấn đề mấu chốt ở trên là những gì chúng ta thường gặp nhất, và cũng thường xuyên dính rắc rối nhất. Hãy cẩn thận!

Phạm Vũ