BÀI HỌC TỰ VỆ: Húc đầu trên đường phố – đúng và sai

Trong thời đại mà mọi môn võ đều cần được thể thao hóa để tồn tại, những cú húc đầu nghiễm nhiên trở thành “đặc sản” trên đường phố. Tuy nhiên, bạn có nên dùng nó như một “đòn tủ”?

Cười té ghế với chiêu tự vệ hot nhất quả đất

Cần xóa bỏ “ảo tưởng” về tự vệ và thực chiến

Trong các môn combat sport (thể thao đối kháng) ngày nay, có lẽ Lethwei (Myanmar) là môn võ duy nhất cho phép sử dụng những cú húc đầu, hoặc nếu tính rộng ra thì ta có thể kể thêm số ít những trận đấu võ tự do underground vẫn còn tồn tại đâu đó ở Nam Mỹ. Từ những môn võ truyền thống đang phải thể thao hóa như Silat, Võ cổ truyền Việt Nam, Muay Thái… cho đến những đấu trường võ tổng hợp như UFC, Bellator, OneC… những cú húc đầu bị cấm hoàn toàn.

Vậy còn những cú húc đầu trên đường phố? Hãy cùng VoThuat.VN tìm hiểu 3 điều thú vị:

RẤT ÍT NGƯỜI DÙNG ĐÒN HÚC ĐẦU

Nếu có thời gian xem thật nhiều video clip street fight (ẩu đả đường phố) trên toàn thế giới và lập thống kê, bạn sẽ thấy được điều đó. Đây là một điều dễ hiểu. Chúng ta có thể chia đại đa số những người tham gia street fight thành hai loại:

  • Người có tập luyện võ thuật: Họ chịu ảnh hưởng bởi thói quen thi đấu thể thao nên cú húc đầu gần như không nằm trong phản xạ và thói quen ra đòn của họ. Hơn thế nữa, họ có khả năng đối kháng hoặc tự vệ đơn thuần tốt hơn với những cú đấm – đá hiệu quả, các kỹ thuật vật hoặc khóa siết cũng vượt trội hơn người bình thường.
Những cú húc đầu có lẽ xuất hiện trên sân bóng đá còn nhiều hơn trên đường phố.
Những cú húc đầu có lẽ xuất hiện trên sân bóng đá còn nhiều hơn trên đường phố.
  • Người không tập luyện võ thuật: Nhóm người này, trừ khi có đủ độ “tỉnh” và “lỳ” nhờ có… kinh nghiệm ẩu đả, họ sẽ rơi vào trạng thái “bơi sải”. Vâng, đó là những gì bạn hay thấy trong các video clip: những nắm đấm cú đá vung vẩy loạn xạ khi hai mắt có thể đang nhắm tịt, túm lấy nhau, ghì chặt và cố vật đối thủ khi có thể. Cơ bản là họ không những yếu tố như sự bình tĩnh, phán đoán và kiểm soát tình huống như các võ sĩ đối kháng. Họ sẽ nghĩ đến những động tác bản năng như đấm hoặc vật chứ không phải cú húc đầu.

HÚC ĐẦU LÀ MỘT KIỂU “ĐÁNH NGUỘI” VÀ CÓ TÍNH TOÁN

Nếu như những cú húc đầu xuất hiện rất ít thì điều thú vị rằng hầu hết những cú húc đầu đều xuất hiện từ những tình huống “đánh nguội” – đánh bất ngờ. Khác với trạng thái “đánh nóng” là khi cả hai (hoặc nhiều người) đều đã sẵn sàng tâm lý ẩu đả, những cú đánh nguội chớp nhoáng, bất ngờ và hiệu quả hơn rất nhiều. Húc đầu không phải là một đòn khó, phần trán con người tương đối cứng và đủ sức đập gãy sống mũi của đối thủ. Tất cả những gì cú húc đầu cần là một khoảng trống và thời gian vừa đủ. Bạn không thể lao tới húc đầu một người đang sẵn sàng chống trả, nhưng lại dễ dàng làm điều đó khi đối thủ đang mặt đối mặt với bạn và chỉ tập trung vào việc to tiếng.

Húc đầu là một phương án được nhiều môn võ tự vệ tin tưởng.
Húc đầu là một phương án được nhiều môn võ tự vệ tin tưởng.

Đó cũng là lý do vì sao cú húc đầu cũng được đưa vào giáo trình huấn luyện của nhiều môn võ chuyên tự vệ như Krav Maga. Và dĩ nhiên, nó đều là những tình huống “đánh nguội”. Khi bạn là kẻ yếu và cần tự vệ, tấn công bất ngờ bằng một cú đập trán vào mũi đối thủ, khiến hắn đau đớn, chảy nước mắt, không thể nhìn rõ mọi thứ là một chiến thuật hay để chạy thoát.

Vùng đầu có khả năng chịu va đập tốt nhất.
Vùng đầu có khả năng chịu va đập tốt nhất.

Húc đầu cũng là một lựa chọn hợp lý khi cả hai tay bạn đang bận kiểm soát đối thủ. Video clip sau là một tình huống (gần giống) như vậy. Tuy nhiên, cách dùng này đòi hỏi bạn phải “quen đòn”, yêu cầu bạn phải tập luyện sao cho cú húc đầu nằm trong thói quen ra đòn kể cả khi bạn trong trạng thái mất bình tĩnh hoặc kiểm soát không tốt tình huống.

(Chú ý: Video clip chứa nội dung nhạy cảm, cân nhắc trước khi xem).

BẠN CÓ NÊN HÚC ĐẦU?

Nếu như chưa từng đọc bài Bạn có nên tung cú đấm trên đường phố, bạn nên dành ít phút với bài viết này trước khi đọc tiếp.

Cơ bản mà nói, cú húc đầu là một đòn an toàn nếu như bạn biết cách thực hiện. Có hai kiểu húc đầu thường thấy là dùng phần giữa trán và đỉnh đầu để húc cằm đối thủ từ dưới lên hoặc dùng trán đập vào mũi đối thủ.

Phần da vùng trán - đầu rất dễ bị "cắt" và tạo thành vết thương hở lý tưởng để lây nhiễm những căn bệnh, hội chứng nguy hiểm.
Phần da vùng trán – đầu rất dễ bị “cắt” và tạo thành vết thương hở lý tưởng để lây nhiễm những căn bệnh, hội chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, cái gì cũng có rủi ro. Trong bài viết về cú đấm vừa nhắc tới ở trên, chúng ta đã nói về rủi ro bị nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS khi nắm đấm có các vết thương hở với tiếp xúc với máu đối thủ. Trán cũng chúng ta cũng vậy, rất dễ “dính” những vết thương hở. Nếu như bắp tay của bạn có cơ bắp thì thì đầu của bạn là một cấu trúc hoàn toàn khác. Xương sọ như tấm thớt và những cú đấm, răng (hay bất cứ thứ gì đủ cứng) cũng giống như lưỡi dao, nó sẽ “cắt” da đầu bạn và tạo các vết thương hở một cách dễ dàng – điều bạn cũng thấy trong Muay Thái và MMA. Nếu như các võ sĩ luôn được kiểm tra sức khỏe thì những tên côn đồ ngẫu nhiên bạn gặp trên đường phố lại có thể mang căn bệnh thế kỷ. Và bạn hiểu nguy cơ xấu nhất rồi đấy. Bạn có chấp nhận đánh đổi liều lĩnh để thực hiện cú đòn này hay không? Đó là lựa chọn của bạn.

Y.N