Huyền thoại võ Việt khiến giặc Pháp nhìn là sợ

Võ sư Ngô Bông được xem như huyền thoại võ Việt. Vóc người nhỏ bé nhưng lão võ sư tinh thông rất nhiều tuyệt kỹ, ông được xem như huyền thoại võ Việt khiến giặc Pháp chỉ cần nhìn là đã sợ.

Thực hư về khinh công “bay nhảy như chim” của Thiếu Lâm Tự
Huyền thoại võ Việt là “sư huynh” Lý Tiểu Long.

 Huyền thoại võ Việt khét tiếng

Võ sư Ngô Bông sinh năm 1928 trong một gia đình nghèo ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cha bị quân Pháp sát hại, mẹ mất sớm nên ông phải về nhà ngoại ở.

Năm 11 tuổi, Ngô Bông bắt đầu tầm sư học đạo, khổ luyện võ thuật. Ở Tây Sơn, ông được 2 cậu ruột truyền dạy nhiều bài quyền, một trong số đó là Hùng kê quyền (một tuyệt kỹ do danh tướng Nguyễn Lữ sáng tạo từ thế đánh của gà chọi). Hồi trẻ, võ sư Ngô Bông còn theo học võ Thiếu Lâm với 2 người thầy nổi tiếng ở Quảng Ngãi là Bảo Truy Phong (Gấu già) và Lâm Võ. Võ sư Ngô Bông nhiều lần thượng đài thi đấu quyền Anh và võ tự do. Mặc dù sở hữu vóc dáng nhỏ bé, gầy guộc nhưng với những tuyệt kỹ võ công, ông đã từng thắng nhiều võ sĩ khét tiếng lúc bấy giờ như Đinh Hổ (võ sĩ Campuchia), Đinh Đam (võ sĩ người Huế), Trực Hùng, Trực Ninh… và được giới ‘giang hồ’ thời đó hết sức kính nể. Dõ sư Ngô Bông thông thạo được nhiều loại vũ khí như: đao, thương, kiếm, côn…

huyền thoại võ Việt

Thời đó, 2 người thầy của Ngô Bông là võ sư Bảo Truy Phong và Lâm Võ đã đặt cho ông biệt danh Lâm Hổ. Qua nhiều năm khổ luyện, võ sư Ngô Bông đã luyện thành công các bài Hắc hổ, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm… Để có bộ trảo lợi hại như hổ, cố võ sư Ngô Bông đã trải qua nhiều năm khổ công luyện Thiết sa chưởng với cát và sỏi. Tương truyền, những đòn trảo của ông có uy lực khủng khiếp tới nỗi có thể chọc thủng tường gạch, phá tan đá, gỗ.

Một danh sư trong làng võ khẳng định về Ngô Bông rằng: ‘Ngoài bài Hùng Kê quyền, lão võ sư này còn nhiều bài quyền mà làng võ Việt Nam sắp thất truyền. Võ sư Ngô Bông còn khiến giới làng võ khâm phục bởi ở thời điểm ông sắp bước vào độ tuổi bát tuần, ông vẫn sở hữu thân pháp mềm mại như rồng, mau lẹ như báo, mãnh liệt như hổ, mỗi lần tung đòn, uy lực của ngũ trảo vẫn ào ạt như vũ bão.

Giặc chỉ cần nhìn là sợ

Thời trai trẻ, Ngô Bông cũng đã mang võ học đi đánh giặc. Rất nhiều địa danh ở khu vực miền Trung đều lần lượt in dấu chân ông. Ông cũng trở thành lính của Tiểu đoàn 365 đóng quân tại Phú Yên.

Tại tiểu đoàn này, trong một lần nghe Tiểu đoàn trưởng Hà Duy Tùng tuyên bố: ‘Ai vật khỏe nhất sẽ được thưởng’. Ngô Bông với thân hình nhỏ bé đã xông ra đọ sức với người cận vệ của tiểu đoàn trưởng có sức khỏe như voi, to lớn hơn ông rất nhiều. Nhờ học võ kết hợp cùng những thế quật của Hùng kê quyền nên Ngô Bông dễ dàng hạ gục chàng cận vệ này.

huyền thoại võ Việt

Đối đầu với giặc Pháp trong nhiều trận đánh giáp lá cà, tên tuổi của Ngô Bông lại nổi như cồn. Nhiều tên giặc chưa kịp nổ súng thì đã gục ngã trước ngũ trảo của Ngô Bông. “Lúc bom rơi, đạn nổ, sức mạnh của ngũ trảo dường như khó có thể lường được” – ông cho biết. Với sức vóc như hổ, nhiều trận ông cõng đồng đội bị thương chạy băng băng thoát ra khỏi họng súng. Rồi trong 1 trận đánh, ông bị thương nặng và phải trở về quê để an dưỡng.

Gắn bó nghiệp võ cả đời, cố võ sư Ngô Bông luôn tâm niệm rằng: ‘Võ thì cả đời cũng không thể biết hết được, học võ cốt để giúp đời’.

Các học trò của võ sư Ngô Bông có nhiều người thành danh. Ngô Ân, Ngô Lâm, Ngô Sĩ, Ngô Ngân, Nguyễn Văn Thiều, Ngô Dung… từng đoạt rất nhiều HCV tại các giải võ cổ truyền Quảng Ngãi và giải vô địch toàn quốc. Võ sư Ngô Bông chọn và dạy học trò rất kỹ lưỡng do ông quan niệm ngoài việc dạy võ, người thầy phải dạy cho võ sinh cách sống ở đời. Thông thường, ông hay tìm hiểu và thử thách võ sinh một thời gian, nếu xét thấy siêng năng, cần cù, biết vâng lời, chung thủy, có tư cách, không tự ái, không bê tha tửu sắc thì mới nhận làm học trò chính thức.

Với những đóng góp to lớn cho kho tàng võ cổ truyền, võ sư Ngô Bông đã được Ủy ban TDTT tặng huy chương Vì sự nghiệp TDTT. Ông mất năm 2011, hưởng thọ 83 tuổi.

V.Đ (Bài viết có tham khảo tư liệu Võ cổ truyền Việt Nam)