Charlie Nguyễn bật mí hậu trường “Ngọa hổ tàng long 2”

Bộ phim được quay làm hai lần tại New Zealand và Trung Quốc.

Võ sĩ MMA Arnaud Lepont đấu giá từ thiện vì trẻ em mồ côi Việt Nam
Học trò của Nguyễn Trần Duy Nhất háo hức được thượng đài.

Trong một quán cà phê trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (TP HCM), đạo diễn Charlie Nguyễn vừa trở về từ trường quay phim Ngọa hổ tàng long 2, nơi anh được mời làm đạo diễn võ thuật, cười tươi và mở đầu câu chuyện: “Ngọa hổ tàng long 2 có sự tham gia của bốn đạo diễn, trong đó có tôi”. 

Mê cảnh cao bồi

Nhâm nhi ly cà phê, Charlie Nguyễn thổ lộ: “Từ nhỏ tôi đã rất thích đọc truyện tranh bởi đó là lối tư duy kể chuyện bằng hình ảnh. Có lẽ những hình ảnh đó đã định hình ban đầu về tư duy làm phim trong tôi…”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn hướng dẫn thí sinh tham gia làm phim
Đạo diễn Charlie Nguyễn hướng dẫn thí sinh tham gia làm phim

Charlie Nguyễn nhớ lại: “Năm học trung học tôi thường quay, cắt và dán những đoạn clip ngắn trong trường cũng như trong gia đình giống như một trò chơi. Đến khi dì ruột dẫn tôi đến một rạp chiếu phim ở Sài Gòn xem phim có cảnh những anh cao bồi Mỹ đấu súng với người “da đỏ” tôi rất ấn tượng. Những hình ảnh đó cứ hiện lên trong đầu tôi. Vốn là một võ sinh nên tôi rất đam mê phim võ thuật. Tôi bắt đầu lập một nhóm bạn và thực hiện các đoạn phim ngắn với các màn võ thuật.

Bộ phim đầu tay của Charlie Nguyễn là Thời Hùng Vương 18 được sản xuất năm 1999. “Phim được công chiếu tại rạp chiếu phim võ thuật của Hồng Kông ở Mỹ. Bộ phim đầu tay vì không có chuyên môn, nghiệp vụ nên thiếu công tác đạo diễn và rất “tệ”, chỉ có võ thuật là hay…”, đạo diễn Charlie Nguyễn thẳng thắn nhìn nhận.

Năm 2000, Charlie Nguyễn về Việt Nam làm bộ phim thứ hai mang tên Vật đổi sao dời cùng hãng phim Giải Phóng với kinh phí 35 nghìn USD. Qua bộ phim này, Charlie Nguyễn nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cộng sự. Tiếp theo là hàng loạt phim anh thực hiện và để lại tiếng vang như Dòng máu anh hùng, Tèo em, Để mai tính 2…

Những ngày “Ngọa hổ tàng long” cùng siêu sao Hollywood

Anh có thể bật mí thông tin về bộ phim Ngọa hổ tàng long 2 mà anh là một trong bốn đạo diễn?

Ngọa hổ tàng long bắt đầu từ một tiểu thuyết gồm 6 cuốn. Ngọa hổ tàng long 1 sử dụng cuốn 4 cònNgọa hổ tàng long 2 sử dụng cuốn thứ 5.

Ngọa hổ tàng long 2 do Mỹ sản xuất. Diễn viên tham gia trong phim đến từ khắp nơi trên thế giới chứ không riêng Trung Quốc. Chỉ có diễn viên Dương Tử Quỳnh đóng Ngọa hổ tàng long 1 tiếp tục góp mặt trong Ngọa hổ tàng long 2, còn lại là mới hết. Bộ phim được quay làm hai lần trong vòng 106 ngày. Lần đầu tại New Zealand trong 100 ngày, sau đó quay tiếp tại Trung Quốc và khi cảnh quay cuối cùng vừa kết thúc được một tuần thì tôi về Việt Nam.

Trước khi bấm máy Ngọa hổ tàng long 2, nhà sản xuất của Mỹ liên hệ và mời tôi cùng tham gia. Bộ phim có sự tham gia của bốn đạo diễn trong đó có tôi, nhưng chỉ để tên một người. Ngọa hổ tàng long 2 có sự tham gia của ba đoàn làm phim chứ không phải một.

Duyên do từ đâu mà anh được các nhà sản xuất phim Hollywood mời tham gia sản xuất Ngoại hổ tàng long 2?

The Weinstein là công ty đã mua bộ phim hành động – dã sử Dòng máu anh hùng do tôi đạo diễn để phân phối trên toàn thế giới. Vì thế, họ đã đề nghị tôi tham gia thực hiện các phân đoạn hành động trong Ngọa hổ tàng long 2.

Dương Tử Quỳnh trong Ngọa hổ tàng long
Dương Tử Quỳnh trong Ngọa hổ tàng long

Các cảnh hành động lớn của bộ phim Ngọa hổ tàng long 2 được quay thế nào, thưa anh?

Những cảnh quay hành động lớn của bộ phim được quay tại Trung Quốc. Đoàn làm phim của Mỹ đã sang Trung Quốc trước hai tháng để chuẩn bị. Trong đoàn làm phim có bốn người làm ở bộ phận phục trang là người New Zealand và nhà thiết kế từng giành giải Oscar.

Bối cảnh quay của Ngọa hổ tàng long 2 phải cần 700 người đóng vai quần chúng mặc quần áo cổ xưa. Các nhà phục trang người New Zealand đã nhờ sự trợ giúp của đoàn làm phim Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thấy các nhà phục trang Trung Quốc đứng phát quần áo cho các vai quần chúng đang xếp hàng, các nhà phục trang New Zealand ngạc nhiên. Họ phân tích cho các nhà phục trang Trung Quốc hiểu quần áo phải phù hợp với khuôn mặt, ngoại hình và công việc chứ không thể phát tùy tiện. Theo đó, người thư sinh sẽ mặc quần áo riêng chứ không thể mặc quần áo nông dân và một cô gái da đen, chân tay chai sần, thô kệch không thể mặc quần áo tiểu thư đài các.

Từng bộ phận trong đoàn làm phim, dù là công việc rất bình thường nhưng họ đều tư duy làm sao cho tốt nhất. Họ luôn luôn gánh lấy trách nhiệm trong công việc, dù không ai nói nhưng tất cả tự ý thức để có một bộ phim chất lượng tốt nhất.

Những học hỏi lớn nhất anh thu được sau khi tham gia những dự án phim quốc tế lớn, đặc biệt là Ngọa hổ tàng long 2?

Có rất nhiều kinh nghiệm quý báu mà tôi học hỏi được từ họ. (Charlie Nguyễn nghĩ hồi lâu để tìm từ tiếng Việt diễn đạt sao cho đúng ý mình – NV). Ê kíp quốc tế thực hiện phim Ngọa hổ tàng long 2 đã làm việc ở một trình độ và công nghệ đỉnh cao trong làm phim. Sự thông minh, đầu tư chất xám, tinh thần, thái độ… từ cái lớn đến tiểu tiết khi sản xuất phim đều hoàn hảo.

a3

Nói là làm

Đi nhiều nước, tiếp xúc với các nền điện ảnh nhất nhì thế giới như Mỹ, anh nhận định thế nào về điện ảnh quốc tế và những điều khác biệt với điện ảnh Việt Nam?

Các thành viên trong đoàn làm phim của Mỹ đều dồn hết cái tâm của mình vào công việc. Khi làm việc mà dồn hết cái tâm vào đó thì nó giống như nấu một món ăn mà mình “tâm đắc”. Họ làm việc với thái độ trân trọng và tự hào với nghề nghiệp mình đang làm. Đó là bằng chứng gián tiếp chứng minh phim của họ tốt. Họ luôn tư duy và gánh trách nhiệm trong công việc chứ không nghĩ phim là của riêng đạo diễn.

Khi làm việc, người phương Tây không bao giờ có khái niệm về từ qua loa hay đại khái trong đầu. Tôi nói như vậy để mọi người tự nhìn nhận, điện ảnh Trung Quốc có từ rất lâu, hơn chúng ta cả về trình độ và sự chuyên nghiệp. Nhưng so với cách làm phim của Mỹ, điện ảnh Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa, chứ chưa nói đến điện ảnh Việt Nam. Chúng ta còn thiếu từ sự sâu sắc, tư duy, đam mê, trách nhiệm và sự tự hào để có thể làm ra một bộ phim xuất sắc. Người phương Tây nói làm được là phải làm được, không làm được thì nói không.

Theo anh, làm cách nào để thay đổi tư duy nói trên?

Tư duy này nên thay đổi bắt đầu từ lớp trẻ. Bởi lớp trẻ Việt Nam hiện còn nhút nhát, rụt rè khi thể hiện mình. Không dám tách ra khỏi đám đông để bảo vệ quan điểm đúng của mình mà luôn đứng theo đám đông để lấy sự an toàn. Ở phương Tây họ ủng hộ những cái mới và những ý tưởng độc lập, tách riêng ra khỏi đám đông. Một ông chủ thường xuyên đi tìm những người giỏi hơn họ để làm việc cho mình. Khi đó họ sẽ có những cống hiến, những ý tưởng rất hay mà ông chủ không có.

Giúp các em phát triển đam mê làm phim

Bận ngập đầu với công việc làm phim nhưng anh vẫn nhận lời làm BGK cuộc thi làm phim về “An toàn giao thông”?

Những sự kiện ý nghĩa như thế này bằng mọi giá tôi phải dành thời gian tham gia. 7 Film Fest – “An toàn giao thông” (gọi tắt 7FF) được tổ chức trên cả nước nhằm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông trong tương lai. Đây là một chủ đề thuần khiết và rất ý nghĩa với cộng đồng. Hơn nữa, tôi luôn muốn ủng hộ và giúp đỡ các bạn trẻ có tiềm năng và đam mê làm phim, đạo diễn, biên kịch… Tôi mong qua dự án 7FF này có thể giúp các em phát triển đam mê, có sự nghiêm túc với nghề làm phim này.

Một câu hỏi riêng tư, anh đi suốt như vậy con gái có bao giờ trách ba? Anh có định hướng cho con gái theo nghề đạo diễn phim?

Con gái tôi cũng mê võ thuật như tôi. Ở Mỹ, trẻ thường bắt đầu học năng khiếu từ 5 tuổi nhưng đến năm 11 tuổi con gái tôi mới tham gia võ thuật và trong vòng vài năm thì cháu đại diện cho Mỹ tham gia quốc tế và đạt nhiều giải. Có lẽ con gái cũng đã quen với cảnh ba vắng nhà nên chưa bao giờ trách tôi cả, chỉ khi nhớ ba cháu nhắn “con rất nhớ ba”.

Nghề làm phim vô cùng khắc nghiệt và không ổn định nên tôi không định hướng con gái theo nghề của mình. Tôi tôn trọng con gái theo sở thích và đam mê của cháu. Hiện giờ cháu đang làm huấn luyện viên võ thuật cho các em nhỏ tại trường nơi đã đào tạo cháu.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Charlie Nguyễn tên thật là Nguyễn Chánh Trực, sinh ngày 25/11/1968 tại Sài Gòn. Năm 1992, Charlie Nguyễn lập công ty sản xuất phim/video mang tên Cinema Pictures, sau này đã được đổi thành Hãng phim Chánh Phương (Chánh Phương Films). Các phim tiêu biểu của anh như: Vật đổi sao dời (biên kịch/đạo diễn), Để mai tính (đạo diễn), Long Ruồi (đạo diễn/đạt kỷ lục doanh thu/đạo diễn xuất sắc cánh diều vàng), Cưới ngay kẻo lỡ (biên kịch/đạo diễn), Khát vọng Thăng Long (biên kịch), Tèo em (biên kịch/đạo diễn) và Dòng máu anh hùng (đạo diễn/biên kịch/sản xuất).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cảnh quay cực đẹp trong Ngọa hổ tàng long

[jwplayer player=”1″ mediaid=”76226″]

Theo Nhã Huyền/Báo Giao Thông