Làng võ Trung Hoa: Mối mâu thuẫn chỉ đợi người châm ngòi

Chưa bao giờ làng võ Trung Hoa bị kích động theo cách… lãng xẹt đến thế. Một võ sĩ MMA lần đầu tiên xuất hiện trước giới truyền thông, một “võ sư hàng đầu giới Thái Cực” cũng xa lạ như thế, một trận đấu ngắn ngủi… Vậy mà tất cả đã thổi bùng lên làn sóng tranh cãi lớn nhất từng có.

Thách đấu Chân Tử Đan: Từ Hiểu Đông đã chọn lầm đối tượng

Cách tự vệ chống đám đông đơn giản và hiệu quả nhất

Vaughn Anderson – cựu võ sĩ MMA, người được xem “sứ giả” đã đem MMA đến làng võ Trung Quốc và hiện đang giảng dạy cho CLB MMA lớn nhất nhì Trung Quốc từng chia sẻ trong một lần đến thăm Việt Nam: “Trung Quốc à? Những ngày tháng đầu tiên tôi làm MMA ở Trung Quốc là rất khổ cực, đặc biệt là vì suy nghĩ của họ. Đối với người Trung Quốc, kungfu (ý chỉ các môn võ cổ của họ) không chỉ là môn võ, nó được xem như một tôn giáo. Điều đó có nghĩa là họ có niềm tin to lớn và tuyệt đối vào kungfu. Nếu bạn đánh bại một người tập kungfu, anh ta sẽ không nghĩ về lý do mình thất bại. Anh ta vẫn tin rằng môn kungfu của mình là nhất, và anh ta sẽ tập luyện tiếp cho tới khi đạt được cái nhất đó”.

Cao thủ Thái cực Lôi Lôi bị giã đổ máu sau 10 giây.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền văn hóa võ thuật lâu đời nhất. Dù vẫn xếp sau một số nền văn hóa cổ đại như Hi Lạp hay Ấn Độ, võ thuật Trung Quốc vẫn tự xem mình là tâm điểm, là cái nôi của hầu hết các dòng võ châu Á. Trong các tác phẩm văn học, điện ảnh… câu nói “Võ thuật thiên hạ xuất Thiếu Lâm” (võ thuật toàn thế giới bắt nguồn từ chùa Thiếu Lâm) xuất hiện rất nhiều lần. Cũng như nhiều môn văn hóa – nghệ thuật khác, người Hán cổ luôn xem mình có vị trí đúng như cái tên “Trung Hoa” – Tinh hoa ở giữa đất trời. (Có một giả thuyết khác ít được chấp nhận, đó là chữ “Hoa” ám chỉ vùng đất Hoa Hạ chứ không phải tinh hoa). Dẫu sao, không thể phủ nhận rằng niềm kiêu hãnh của người Trung Hoa với võ thuật truyền thống của họ là vô cùng lớn.

Từ Hiểu Đông và cú đấm vào niềm kiêu hãnh Trung Hoa

Và niềm kiêu hãnh là điều rất dễ thổi bùng một cuộc xung đột khi bị tổn hại tới. Khoan nói đến việc đúng sai hay “môn võ nào hơn môn võ nào”, việc một võ sĩ MMA đả bại cao thủ Thái Cực trong 10 giây và rồi lấy đó làm cái để tuyên bố võ thuật cổ truyền Trung Hoa không thực tế, rồi buông lời thách đấu với nhiều cao thủ, đó là một điều rất khó chấp nhận. Nó xúc phạm tới niềm kiêu hãnh của người Trung Hoa, và trớ trêu thay lại bởi chính một người Trung Hoa.

Kể từ khi Wushu bắt đầu xuất hiện cách đây không đầy 50 năm, làng võ Trung Quốc đã gặp một cuộc thách thức lớn. Nhiều môn võ cổ điển như Thái Cực, Thiếu Lâm… gặp không ít khó khăn khi đối đầu với phong cách chiến đấu hiện đại. Trong số rất nhiều môn võ rơi rụng khỏi lôi đài Tán Thủ, đồng thời mang tiếng “thiếu thực chiến” chỉ có một số rất ít các môn võ thuần cổ điển như Thái Lý Phật còn tồn tại và chứng minh bản lĩnh thực.

Chân Tử Đan cũng nằm trong danh sách thách đấu của Từ Hiểu Đông

Có nhiều người nguồn tin cho rằng Wushu mang gốc gác của Sambo (Nga) nhưng ít ra nó vẫn được xem như một môn võ “nội địa”. MMA thì khác, nó xuất phát hoàn toàn từ phương Tây và ngay tại thời điểm bây giờ, Trung Quốc vẫn có tỷ lệ người tập và thi đấu MMA cực kỳ thấp. Nó hoàn toàn mang dáng dấp phương Tây, đại diện cho võ thuật ngoại quốc, và nó đã chiến thắng. Cú đấm của Từ Hiểu Đông vào mặt Lôi Lôi là cú đấm của võ thuật ngoại quốc, và nó đã đấm thẳng và niềm kiêu hãnh của võ thuật Trung Hoa trước cả khi lời thách đấu những cao thủ còn lại được buông ra.

Cả làng võ Trung Hoa bừng tỉnh và sôi sục. Hàng chục lời thách đấu nhắm thẳng vào Từ Hiểu Đông. Tất cả không phải chuyện ngẫu nhiên. Nó là một mâu thuẫn hết sức “đúng quy trình”, một cuộc tranh đua danh dự đã có từ rất lâu. Chỉ là, nó chưa có dịp được châm ngòi, được công khai.

Phạm Vũ