Đại tá đặc công khiến tướng cướp phải “kinh hồn, bạt vía”

Sở hữu võ thuật cao cường, Đại tá đặc công Phan Đình Long từng khiến những tên cướp sừng sỏ nhất phải sợ hãi, cứ gặp là cắm đầu chạy thoát thân.

Đòn hồi mã thương làm gã giang hồ gục ngã
Tuyệt chiêu võ thuật của đặc công Việt Nam

Từ cậu bé chăn trâu, cắt cỏ tới huyền thoại võ thuật của đặc công Việt Nam

Thủa nhỏ, Phan Đình Long đã sớm làm quen với võ thuật, cụ thể là vật cổ truyền. Nhưng thời điểm đó, chưa khi nào Đình Long có thể nghĩ mình sẽ đi theo con đường võ thuật chuyên nghiệp. Nhưng trong suốt cuộc đời tiếp theo, cái duyên với võ thuật liên tục đến với Phan Đình Long, hun đúc trong ông một bản lĩnh siêu việt.

Ngoài việc được ông nội, ông ngoại truyền thụ cho các miếng vật cổ truyền, Phan Đình Long còn được các chiến sĩ bộ đội chỉ giáo thêm về kĩ năng vật. Vốn thuộc gia đình có truyền thống cách mạng, Phan Đình Long cũng nhập ngũ sớm. Một lần khi đang hành quân, ông thấy một sĩ quan đặc công đối chọi và thắng cùng lúc nhiều tên du côn.

Đại tá Phan Đình Long.
Đại tá Phan Đình Long.

Sau lần ấy, Long càng quyết tâm luyện võ để bảo vệ đất nước, lẽ phải và quyết ý vào lực lượng đặc công Việt Nam. Năm 1983, ông thi đỗ vào trường đào tạo sĩ quan đặc công Việt Nam. Phan Đình Long đã tiếp thu rất nhanh võ thuật của các thầy giáo trong trường đào tạo. Ngoài ra, ông còn rất chăm chỉ tầm sư, học đạo ở bên ngoài.

Thời đó, có một vị võ sư ẩn cư gần trường nên Phan Đình Long đã tìm tới để cầu làm học trò. Vị võ sư này đã yêu cầu Phan Đình Long đứng ra cho mình đá thử chiêu Bàng Long Cước.Trước thế đòn hiểm, Phan Đình Long không chỉ né tránh được, mà còn đáp trả bằng việc đánh về phía bộ hạ vị võ sư kia. Nhận thấy tố chất của Phan Đình Long, vị võ sư ẩn danh đã thu nạp sĩ quan này làm học trò và chỉ điểm cho bộ võ thuật thiên về cước pháp.

Trong khoảng năm 83-86, Phan Đình Long nhận thêm người thầy thứ 2 là võ sư Trọng Đại. Vị võ sư này cũng nổi tiếng về cước pháp, với cú đá giò lái rất nguy hiểm.

Đến năm 1986, lúc này Phan Đình Long đã tốt nghiệp và được giữ lại làm giáo viên ở trường đào tạo sĩ quan đặc công. Ông tìm tới võ đường của võ sư Trần Hưng Quang, võ Bình Định Gia để nghiên cứu võ học, hòng về bổ sung thêm vào giáo án cho trường.

Vốn chuyên về các đòn chân nên võ Bình Định Gia phù hợp đặc biệt với Đại tá Phan Đình Long. Môn võ này chủ yếu dùng các đòn đánh ở tầm thấp như quét chân, lên gối, trỏ, cắt kéo, bẻ tay, thoát hiểm. Các thế đòn bẻ tay cũng khá phù hợp với môn vật thầy Long đã được học hỏi từ tấm bé.

Chính sự phù hợp ấy đã giúp Phan Đình Long sớm nắm được tinh hoa của võ Bình Định Gia để soạn nên giáo án cho trường đào tạo sĩ quan đặc công. Bộ giáo án này sau đó được đánh giá rất cao. Song song với việc rèn luyện, nghiên cứu võ thuật cận chiến, Phan Đình Long còn trau dồi khả năng phi dao, phi tiêu.

Nhờ đó, ông có thể hạ gục kẻ địch từ những khoảng cách rất xa, góp phần giúp hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn.

Những trận chiến bảo vệ đá đỏ

Năm 1991, khu vực khai thác đá đỏ ở Nghệ An có nhiều phức tạp, nhiều thành phần côn đồ, thậm chí là cướp hoành hành, tác oai tác quái. Vì thế, Đại tá đặc côngPhan Đình Long đã được cấp trên chỉ thị đến “dẹp loạn”. Ngay thời điểm đầu tới tiếp quản khu vực, Đại tá Phan Đình Long đã gặp tình huống khó là việc hàng ngàn người, trong đó có các đối tượng du côn, tràn vào khu vực khai thác. Ngay trong đêm, trung đội của Đại tá Long đã bắt giữ gần 200 đối tượng. Riêng Phan Đình Long quật ngã tới 7 người.

Điều đặc biệt là 7 người ấy sau khi bỏ chạy đã tự tìm đến Đại tá Long do lo sợ tin đồn ai bị cao thủ này quật ngã sau đó sẽ mất mạng vì nội thương. Sau lần dẹp loạn ấy, tên tuổi của Đại tá Phan Đình Long đã nổi khắp xứ Nghệ và reo rắc nỗi kinh hoàng cho bè lũ xấu.

Cũng trong năm 1991, băng cướp của tên đầu xỏ tên Phong tác quái rất dữ dội. Chỉ cần va chạm nhỏ với y, người dân thường cũng có thể mất mạng. Nhưng dù hùng hổ đến đâu, mỗi khi nghe tên Phan Đình Long, Phong và các thuộc hạ đều sợ hãi bỏ chạy.

Khi Phong tác oai quá dữ, Đại tá Long chỉ đạo cho lính đi “bắt hết những kẻ tóc dài” (Phong có đặc điểm nhận dạng là để tóc dài). Chỉ sau vài ngày, người ta bỗng thấy băng cướp của Phong chuyển hết sang… trọc. Nghe tin như vậy, Đại tá Long lại chỉ đạo quân lính “bắt hết những kẻ trọc đầu”. Tức thì, đám cướp của Phong trốn hết lên núi.

Thậm chí, vì quá sợ Đại tá Phan Đình Long, Phong còn chỉ đạo bất cứ thuộc hạ nào nếu bị bắt cũng phải nhận là y, để hi vọng quân đội biên phòng không truy bắt thêm nữa.

Theo Trí Thức Trẻ