Hồi ký của một chưởng môn (Phần VII)

Hồi ký của một chưởng môn (Phần VII) – Được Sáng Tổ ủy thác thay người tiếp tục sự nghiệp của môn phái, tôi quy tụ lớp môn đệ theo Sáng Tổ từ năm 1955, bồi dưỡng thành võ sư cốt cán để cùng góp sức phát triển môn phái. Sau này chính các vị đó đã trở thành lớp võ sư ưu tú cùng với tôi phát triển Vovinam rộng rãi khắp các tỉnh thành miền Nam.

Hồi ký của một chưởng môn (Phần VI)
Hồi ký của một chưởng môn (Phần V)

Ngày 1-11-1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi, lúc đó là Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù cùng một số sĩ quan quân đội vây Dinh Độc lập đòi ông Ngô Đình Diệm từ chức nhưng bị dẹp tan. Sau cuộc chính biến này, chế độ Ngô Đình Diệm cấm các hoạt động võ thuật, do đó tôi phải tạm nghỉ dạy võ.

Một thời gian sau, ông Hải – em trai của Sáng Tổ – gặp khó khăn trong việc khai khẩn đồn điền trồng cao su và ra cây khai thác gỗ ở Ban Mê Thuột và Quảng Đức nên nhờ tôi lên trông coi giúp ông. Tôi nhận lời rời Sài Gòn cho mãi đến năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các võ phái được phép hoạt động lại, tôi mới trở về.

Sau mấy năm ngưng hoạt động, vừa về tới Sài Gòn tôi bắt tay ngay vào việc củng cố, xây dựng và phát triển Vovinam. Kể từ lúc đó, danh xưng Vovinam được nối thêm là Vovinam-Việt Võ Đạo.

Tôi mở Trung tâm huấn luyện Vovinam ở số 61 đường Vĩnh Viễn tại Chợ Lớn, thành lập Ban chấp hành môn phái với hai cơ cấu:

1, Tổng cục huấn luyện.

2, Tổng đoàn thanh niên.

Tổng cục huấn luyện chuyên trách đào tạo võ sư, huấn luyện viên cốt cán, thường xuyên tổ chức các lớp đặc huấn trau dồi kiến thức tổng quát cho các huấn luyện viên cao cấp và võ sư chuẩn hồng đai. Tổng đoàn thanh niên đảm trách phần tổ chức sinh hoạt thanh niên, văn nghệ và cứu tế xã hội.

Tự lượng sức không thể đảm đương trọng trách một mình vì khả năng của tôi chỉ ở mức trung bình về mọi mặt, tôi lựa chọn những môn sinh đã theo Sáng Tổ từ năm 1955 phụ giúp. Trong số này có hai người nổi bật là Trần Huy Phong và Nguyễn Văn Thư.

Võ sư Phong là người giao thiệp rộng, có nhiều bạn bè tuy không phải là người của môn phái nhưng rất nhiệt tình trong việc tình nguyện tiếp tay với chúng tôi để tạo thế cho Vovinam. Về phần dạy võ, thời kỳ này chỉ có hai người đủ khả năng đứng lớp là tôi và võ sư Phong, bình thường tôi giao cho Phong dạy, sau đó khi ông đi quân dịch thì tôi phải đảm nhiệm.

Hai ông Phong và Thư có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau: Võ sư Thư chỉ chuyên tâm vào công việc chuyên môn trong nội bộ, còn ông Phong thì năng nổ, chú trọng đến việc tạo thế bên ngoài. Nếu phô trương mà không làm thì không được việc, nhưng nếu làm mà không có phô trương để gây thanh thế thì không có thế mà làm. Tôi dung hòa và phát huy mặt mạnh của cả hai người, bổ sung cho nhau trong công việc nên rất thành công.

Hai người này mà tách ra thì việc làm của từng người không có hiệu quả. Tuy nhiên khi họ hợp tác với nhau thì thanh thế ông Phong nổi bật hơn ông Thư nhiều. Các hoạt động bên ngoài như tổ chức chương trình văn nghệ, ca nhạc, đi cứu trợ khắp nơi đều do Tổng đoàn thanh niên phụ trách nhưng lực lượng chủ yếu là lực lượng võ sinh của Tổng cục huấn luyện đào tạo. Chính vì vậy mà mọi người tưởng lầm đó là nhân sự của Tổng đoàn thanh niên do ông Phong phụ trách.

Năm 1973, tôi ban hành tiêu chuẩn tuyển chọn người kế nhiệm, theo đó mười võ sư cao cấp trong môn phái sẽ luân phiên đảm nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng Tổng cục huấn luyện (mỗi người một năm).

Võ sư Trần Huy Phong là người đầu tiên được giao phó trọng trách này vào năm 1974, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc văn phòng phát triển Việt Võ Đạo quốc tế.

Khi ban hành tiêu chuẩn này tôi đã đặt kế hoạch xây dựng cho ba miền là miền Đông, miền Tây và miền Trung, mỗi nơi có một trụ sở và võ đường lớn làm Cục huấn luyện Miền.

Cục huấn luyện miền Đông được xây cất xong vào cuối năm 1974 tại Biên Hòa. Đây là đất rừng cao su của ông Võ Thành Tây, tôi chọn một khu đất rộng 75.000 m2  được khoanh vùng, dự kiến xây dựng một làng Vovinam. Do không đủ kinh phí nên tôi đề nghị ông Tây cho trả dần, mỗi lần 1.000 m2, do rất quý mến tôi nên ông Tây đồng ý. Vậy là Cục Huấn luyện miền Đông hình thành trên một khuôn viên 20×50 mét nằm ngay quốc lộ 1 trên đường vào thành phố Biên Hòa. Việc xây dựng kéo dài hai năm, với võ đường bề thế, bề ngang 12 mét, bề sâu 30 mét, thêm một dãy năm căn nhà làm văn phòng trụ sở rất khang trang, có cả bãi đậu xe và vườn hoa xinh xắn. Nhưng rất tiếc chúng tôi chưa kịp làm lễ khánh thành thì tới ngày giải phóng, sau đó khu nhà này thuộc về Nhà nước quản lý.

_Hết phần VII_

Còn tiếp…

Theo Vovinamnghean.vn