Thiếu Lâm, đế chế mãi võ: Thương hiệu hái ra tiền…

Vụ bê bối Thích Vĩnh Tín, trụ trì chùa Thiếu Lâm nổi tiếng ở Trung Quốc liên quan đến tiền và gái một lần nữa khiến giới chỉ trích tình trạng thương mại hóa biểu tượng võ thuật Trung Quốc xôn xao…

Sư trụ trì Thiếu Lâm “chỉ biết chơi gái, không biết võ công”
Chuyện đời học viên châu Phi đầu tiên của Thiếu Lâm Tự?

Từ lâu, chùa Thiếu Lâm nói riêng và môn phái võ Thiếu Lâm là niềm tự hào của Trung Quốc. Tuy nhiên, tạp chí National Geographic của Mỹ nhận định, các “quan chức” và “sư điều hành” của ngôi chùa trong nhiều năm qua ngày càng quan tâm đến việc “xây dựng thương hiệu” Thiếu Lâm thay vì bảo tồn giá trị tinh thần của ngôi chùa – địa chỉ võ thuật nổi tiếng này.

Chùa Thiếu Lâm nay là điểm thu hút du khách với các buổi biểu diễn thương mại
Chùa Thiếu Lâm nay là điểm thu hút du khách với các buổi biểu diễn thương mại

Trong hàng chục năm qua, Thích Vĩnh Tín, 50 tuổi, trụ trì Thiếu Lâm tự, người được nói có bằng thạc sỹ kinh doanh, đã xây dựng một đế chế thương mại quốc tế, gồm các đoàn lưu diễn kungfu (công phu – võ thuật), các dự án phim và chương trình TV, một cửa hàng trên mạng bán trà và xà phòng mang nhãn hiệu Thiếu Lâm, nhượng quyền thương hiệu Thiếu Lâm ở nước ngoài. Có dự án mang tên Thiếu Lâm ở Australia gắn với một khu phức hợp golf-resort.

Nhiều người ở chùa Thiếu Lâm tuy cũng cạo đầu mặc đồ tu hành nhưng thừa nhận họ không phải nhà sư mà được trả tiền để làm một số việc cho chùa, ví dụ như canh gác các hòm công đức.

Lên sàn

Vào thời điểm cuối năm 2009, chùa Thiếu Lâm 1.500 tuổi, cái nôi của võ thuật Trung Quốc ráo riết chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng, trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 100 triệu USD). Tờ Telegraph của Anh trích nguồn quan chức chính phủ Trung Quốc nói một liên doanh giữa thành phố Đăng Phong nơi tọa lạc chùa Thiếu Lâm và Cty nhà nước China Travel Service (CTS), sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc ở Hong Kong hoặc ở Thượng Hải vào năm 2011.

Người ta nói Cty TNHH Du lịch văn hóa CTS Tung Sơn Thiếu Lâm sẽ thu hằng năm từ số vé tham quan bán ra ở mức khoảng 150 triệu nhân dân tệ, là một phần doanh thu của Cty. Tuy nhiên, quan chức chính phủ giấu tên cũng nói các tòa nhà của chùa Thiếu Lâm không thuộc sở hữu của Cty. Tính ở thời điểm 2008, hơn 1,6 triệu du khách tới thăm ngôi chùa nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam, chủ yếu để lễ bái và xem các nhà sư trình diễn võ.

Đoàn võ thuật của chùa cũng thường xuyên tổ chức các chuyến lưu diễn và London (Anh) hay New York (Mỹ) đều nằm trong các điểm đến. CTS dự định thu 51% lợi nhuận sau khi đầu tư tiền mặt vào dự án. Thông tin về chuyện lên sàn của chùa Thiếu Lâm khiến nhiều người chỉ trích trụ trì Thích Vĩnh Tín, người được cho là đã biến chùa Thiếu Lâm từ một thiền đường thành một địa chỉ thương mại tầm thường. Cho dù sau này, bị chỉ trích quá mạnh, kế hoạch lên sàn phải đình hoãn thì thực tế về hoạt động mang nhiều phần thương mại hóa của trụ trì chùa Thiếu Lâm vẫn tiếp tục.

Năm 2008, sư Thích Vĩnh Tín bắt đầu mở rộng hoạt động nhượng quyền thương mại, nói nôm na là bán danh tiếng của chùa Thiếu Lâm qua việc đứng ra quản lý một loạt các ngôi chùa ở Vân Nam, tỉnh phía nam Trung Quốc giáp với Việt Nam. Có tin nói “quan chức” Thiếu Lâm từ hồi đó đã để mắt tới một ngôi chùa tận Đài Loan….

Một cô gái làm dáng chụp ảnh tại chùa Thiếu Lâm (Tân Hoa Xã)
Một cô gái làm dáng chụp ảnh tại chùa Thiếu Lâm (Tân Hoa Xã)

Mặt tiền chùa Thiếu Lâm cũng không bị bỏ phí tiềm năng: người ta cho thuê làm bối cảnh cho các cuộc thi võ tự do và thậm chí là cả một cuộc thi áo tắm. Những người ủng hộ sư Thích Vĩnh Tín, người thường được báo chí Trung Quốc gọi là “sư thầy CEO”, nói rằng chùa đã bị hủy hoại trong Cách mạng Văn hóa, bị bỏ hoang hóa trước khi sư Thích Vĩnh Tín đến quản lý. Nhưng nói gì thì nói, người ủng hộ Thích Vĩnh Tín không thể phủ nhận thực tế là kungfu đã trở thành một công việc kinh doanh béo bở dưới thời vị trụ trì, tên thật là Lưu Ứng Thành, quê ở tỉnh An Huy, đại biểu quốc hội Trung Quốc này.

Ăn theo phim ảnh

Các nhà sư ở Thiếu Lâm tự đã hoàn thiện các kỹ thuật chiến đấu và truyền lại công phu võ thuật của mình trong suốt 15 thế kỷ qua. Nhưng đa số không thể tưởng tượng sự nghiệp của họ góp phần tạo ra một “thương hiệu” mang lại bộn tiền như bây giờ. Làng Thiếu Lâm, bao bọc lấy ngôi chùa nay thực sự trở thành một “xí nghiệp võ thuật”. Theo hãng tin ABC, hiện khu vực chùa Thiếu Lâm có 50 trường dạy võ và khoảng 50.000 học viên. Chùa Thiếu Lâm bỗng trở nên nổi tiếng khắp thế giới sau cơn sốt võ Thiếu Lâm được khơi lên từ loạt phim truyền hình “Công phu” những năm 1970 và những phim kiểu như “Chùa Thiếu Lâm”, ra đời năm 1982. Rồi tiếp đó là bộ phim được xem là hiện tượng điện ảnh, đoạt giải Oscar danh giá với tiêu đề “Ngọa hổ tàng long”. Cơn cuồng võ Thiếu Lâm một lần nữa lại được thổi bùng trong các đám đông. Từ khắp nơi trên thế giới, người hâm mộ ùn ùn kéo tới tỉnh Hà Nam “cổ súy các giá trị truyền thống”, chịu đựng trong nhiều năm các biện pháp tập luyện và kỷ luật hà khắc và những đau đớn về thể chất nhằm đạt ước mơ vươn tới sự hoàn hảo, trở thành “cao thủ võ lâm”, dùng đầu đánh gãy thanh sắt như các tiền bối Thiếu Lâm tự….

Ở Thiếu Lâm tự, chuyện cổ súy các giá trị truyền thống chỉ là thứ yếu, kiếm tiền mới là chính...
Ở Thiếu Lâm tự, chuyện cổ súy các giá trị truyền thống chỉ là thứ yếu, kiếm tiền mới là chính…

Một người Mỹ tên là Ruselis Perry đã phải trả hàng chục ngàn đô la để được liên tiếp quăng quật xuống đất trong bốn ngày nhừ tử cắm trại tại Thiếu Lâm tự. “Đây là động lực của chúng tôi: được tập luyện với các sư phụ. Đó là điều hiếm có”, anh này nói. Nhưng ở Thiếu Lâm tự, chuyện cổ súy các giá trị truyền thống chỉ là thứ yếu, kiếm tiền mới là chính. Hiện tượng hâm mộ võ Thiếu Lâm trong 20 năm qua trùng khớp với xu hướng coi trọng tính thương mại, lợi nhuận, “tôn giáo mới” của xã hội Trung Quốc. Những ngôi làng Thiếu Lâm này nằm trong số những làng giàu có nhất ở Trung Quốc thông qua các dịch vụ cung cấp cho giới cuồng võ Thiếu Lâm từ cái ăn, thức uống và đủ thứ khác, thêm vào đó là 1 triệu du khách mỗi năm….

Theo nongnghiep.vn