Ấn tượng tuyệt kỹ khinh công của võ Việt Thiên Môn Đạo

Từ xưa đến nay, trong dân gian vẫn tồn tại những giai thoại kể về các cao thủ có võ công thâm hậu dùng cây lau vượt sông, dùng nón vượt biển để nói về tuyệt kỹ khinh thân hay khinh công.

Các câu chuyện trên đều mang màu sắc ly kỳ huyền bí, không ít người cho rằng, đó là việc thêu dệt của dân gian để thần thánh hoá tài năng của một ai đó.

Tuy nhiên, khi môn phái Thiên Môn Đạo – Một môn phái của võ cổ truyền Việt Nam biểu diễn kỹ thuật chạy trên nước với chiều dài 200m, người ta mới nhìn nhận một cách nghiêm túc về khả năng kỳ diệu này của con người. Điều càng đặc biệt hơn, bí kíp này được cho rằng, nó có từ thời Đinh Bộ Lĩnh, lưu truyền trong dân gian và được dòng họ Nguyễn Khắc ở Dư Xá Thượng, xã Hoà Nam, Ứng Hoà, Hà Nội bảo lưu cho đến tận ngày nay.

Tỷ thí võ công với lục lâm thảo khấu

Dư Xá Thượng được nhiều người biết đến là vùng đất nổi danh về võ nằm bên dòng sông Đáy hiền hoà. Nơi đây còn để lại nhiều dấu tích vua Đinh Bộ Lĩnh luyện quân và ngôi đền Bách Linh ghi tên tuổi của tổ sư môn phái Thiên Môn Đạo – Người có công lớn trong việc đánh bại quân Thanh Tết Kỷ Dậu 1789.

Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn chụp ảnh lưu niệm với các Chưởng môn các môn phái nổi tiếng châu Á (ông Nguyễn Khắc Phấn ở giữa cùng với môn sinh Thiên Môn Đạo).
Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn chụp ảnh lưu niệm với các Chưởng môn các môn phái nổi tiếng châu Á (ông Nguyễn Khắc Phấn ở giữa cùng với môn sinh Thiên Môn Đạo).

Nói về môn phái của mình, Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn khẳng định rằng, tuy tổ sư là võ tướng Tây Sơn nhưng nền tảng võ học của Thiên Môn Đạo khác biệt hoàn toàn với võ Tây Sơn Bình Định. Các tên gọi quyền, cước của Thiên Môn Đạo hiện nay rất khác với võ Tây Sơn. Nhiều tuyệt kỹ của Thiên Môn Đạo có nhưng Tây Sơn Bình Định không có.

Ông cho rằng, gốc gác của Thiên Môn Đạo là ở chính ngôi làng ven sông Đáy này và người truyền võ cho dân làng có thể là vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X) hay một võ tướng nào đó của ông và được dân làng bảo lưu hàng ngàn năm nay. Sở dĩ vị Chưởng môn này đưa ra giả thuyết như vậy là vì vùng đất Dư Xá Thượng từng là nơi được Đinh Bộ Lĩnh làm nơi huấn luyện quân sỹ.

Các kiến thức và bí kíp võ học từ đó được một số người làng lưu giữ và truyền cho nhau để phòng thân, đánh lại bọn phỉ (theo chuyện kể lại thì Dư Xá Thượng trước đây là vùng phỉ hoạt động mạnh, chúng tiến hành cướp bóc trong vùng).

Đến nay, dân làng còn kể lại nhiều câu chuyện tỷ thí võ công của các cao thủ trong làng với lục lâm thảo khấu chuyên cướp bóc này như một minh chứng cho việc học võ để phòng thân, bảo vệ làng nước.

Cũng liên quan đến câu chuyện luyện võ, bảo vệ làng và ra sức giúp nước mỗi khi lâm nguy, Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn có nhắc tới người khai sinh ra môn phái Thiên Môn Đạo, võ tướng Nguyễn Khắc Công. Theo nhiều câu chuyện lưu truyền kể lại, khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh ở Đống Đa, Hà Nội vào Tết Kỷ Dậu 1789.

Trước khi đánh thành, quân đội Tây Sơn tổ chức tuyển quân, ông Nguyễn Khắc Cống kéo trai tráng trong làng gia nhập đội quân. Bằng tài năng võ thuật hơn người và sử dụng điêu luyện cây Thanh Long đao trên tay, ông Nguyễn Khắc Cống được bố trí tham gia đánh trận Ngọc Hồi, một cứ điểm quan trọng của quân Thanh. Chủ tướng giữ thành là đề đốc Hứa Thế Hanh bên cạnh hắn là tay kiếm tiên phong Trương Sỹ Long và “thần thương” Tả dực Thượng Duy Thăng.

Theo một số tư liệu chúng tôi thu thập được, chính ông Nguyễn Khắc Cống với cây Thanh Long đao đã hạ thủ tay kiếm tiên phong Trương Sỹ Long và dồn “thần thương” Thượng Duy Thăng vào đường cùng, tạo cơ hội cho quân ta giết chết. Công sức của Nguyễn Khắc Cống đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân ta.

Chiến công của Nguyễn Khắc Cống làm rạng rỡ người làng Dư Xá Thượng. Noi gương ông, dân làng thi đua rèn luyện võ nghệ. Nhờ truyền thống luyện võ, ngôi vị vô địch lễ hội vật võ Hà Tây (trước đây) luôn nằm trong tay người Dư Xá. Đi đến đâu người Dư Xá cũng được nể trọng. Từ đó, Dư Xá nổi danh vùng đất võ.

Để giữ gìn võ học của làng, ông Nguyễn Khắc Cống lập nên Thiên Môn Đạo đưa truyền thống luyện võ, đánh giặc trở thành một đạo sống thiêng liêng của làng. Các chưởng môn đời tiếp theo noi gương tiền tổ ra sức luyện tập, truyền bá võ học, nghĩa hiệp giúp đời.

Tuyệt kỹ khinh thân nức danh thiên hạ

tuyet-ky-khinh-cong-thien-mon-dao-2
Các môn sinh Thiên Môn Đạo biểu diễn khinh thân trên hồ Thiền Quang.

Nói về kho tàng bí kíp võ học của môn phái Thiên Môn Đạo, võ sư Nguyễn Khắc Phấn cho rằng, môn phái có đủ các bài tập của thập bát ban binh khí, có nội công, ngoại công, khí công, y võ, khí công dưỡng sinh, khí công chữa bệnh… Đó là một kho tàng võ học, võ đạo không chỉ luyện cho cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng mà còn rèn đức tính kiên trì, chịu khó để làm người. Học trò của môn phái hiện nay có đến hàng ngàn người.

Chính vì Thiên Môn Đạo là môn võ cổ truyền mang đậm bản sắc Việt Nam nên môn phái luôn được Nhà nước cử đi giao lưu võ thuật với các nước châu Á và thế giới. Các pha biểu diễn của Thiên Môn Đạo luôn mang đến sự kinh ngạc cho bạn bè yêu võ thuật được ghi nhận là môn phái đào tạo ra nhiều môn sinh có khả năng phi phàm.

Có thể dùng mọi bộ phận trên cơ thể để nâng vật nặng như việc đóng đinh vào người rồi dùng sức kéo ô tô, dùng lưỡi nâng cả xô nước… đều được thực hiện một cách thành thục. Trong nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu võ thuật châu Á, môn phái Thiên Môn Đạo luôn được đánh giá cao và được bạn bè quốc tế nể trọng.

Điểm đặc biệt nhất của môn phái Thiên Môn Đạo đó chính là khả năng phi thân (hay còn gọi là khinh công) phi phàm. Hiện nay, các đệ tử trong Thiên Môn Đạo có tới hàng chục người đã luyện thành công tuyệt kỹ này. Nhiều lần, Thiên Môn Đạo đã biểu diễn làm loá mắt người xem, thậm chí, khoa học cũng rất khó để giải thích vì sao các đệ tử của Thiên Môn Đạo có thể chạy băng băng trên những chiếc chiếu thả trên mặt nước.

Trước sự chứng kiến của hàng ngàn người, các đệ tử của Thiên Môn Đạo biểu diễn tuyệt kỹ võ học này chạy trên sông Đáy, hồ Thiền Quang (Hà Nội), chạy trên hồ Hoàn Kiếm (trong những ngày lễ kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm Thăng Long). Điều kỳ lạ, các môn sinh của Thiên Môn Đạo chạy theo đội hình, cùng một lúc, nhiều người cùng chạy đang thách thức các nhà khoa học giải thích. Với trọng lượng cơ thể bình thường nhưng chạy trên chiếc chiếu có chiều dài từ 100m lên đến 200m là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Bàn về tuyệt kỹ khinh thân này, võ sư Chưởng môn Nguyễn Khắc Cống cho rằng, để chạy được như thế đòi hỏi người luyện võ phải có nội công giỏi. Tuy nhiên, luyện thành công không phải là điều gì đó quá khó khăn. Một người bình thường biết dành thời gian ngoài công việc vẫn có thể luyện được tuyệt kỹ này.

Cũng theo vị Chưởng môn này, các truyền thuyết xưa kể về những vị cao nhân như tổ sư Đạt Ma hay thiền sư Minh Không có thể vượt sông trên bông lau, vượt biển trên nón lá để chỉ về tài năng khinh thân của họ có thể là sự thật. Bởi, các vị này đã dành thời gian chú tâm vào việc luyện võ nên tài năng của họ rất cao và đây là điều không có gì lạ.

Theo Người Đưa Tin