Năm Kỷ Hợi nói chuyện võ Heo

(VoThuat.vn) – Một trong những nét đặc sắc của võ thuật là dựa trên sự nghiên cứu tập tính và tư thế chiến đấu của loài vật.

Trải qua nhiều thế kỷ, đặc tính của các loài vật được mô phỏng, rút tỉa tinh hoa, tái tạo thành kỹ thuật chiến đấu của con người. Vì vậy, loài heo và heo rừng cũng là nguồn cảm hứng cho các bậc danh võ sáng tác ra các đòn thế, bài quyền, bộ pháp.

Bando được coi là nghệ thuật phòng thủ trong chiến đấu của võ thuật Myanmar. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ võ thuật Trung Quốc và cả Ấn Độ, nhưng Bando không lấy hệ thống Ngũ hình quyền (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc) làm căn bản mà lại dựa theo phong cách chiến đấu của rất nhiều loài vật khác, tiêu biểu có lợn rừng, trăn và bọ cạp.

Trong chiến đấu, giống như nhiều môn võ khác thì Bando cũng dùng nhiều bộ phận trên cơ thể như đầu, vai, khuỷu tay, cánh tay, đầu gối, bàn chân… để ra đòn. Môn võ này có đòn cước đặc trưng rất nổi tiếng, đó là đòn đá bọ cạp, đây là một đòn đá vòng cầu ở tầm cao mô phỏng theo cách tấn công bằng đuôi của loài bò cạp.

Bando bắt chước loài lợn rừng với các đòn đẩy ngã và tấn công bằng khuỷu tay, đầu gối; bắt chước loài trăn để khóa siết đối phương. Không chỉ nở rộ ở Myanmar, Bando còn được phát triển ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước phương Tây, tiêu biểu là Mỹ.

Bando

Kalaripayattu là môn võ cổ truyền Ấn Độ, bắt nguồn từ bang Kerala vào thế kỷ 13. Môn võ này là một trong những trường phái võ thuật cổ nhất. Môn võ này còn là xuất nguồn của phái Thiếu Lâm tại Trung Hoa qua sự truyền đạt của Tổ sư Bồ đề Đạt ma. Hầu hết các thế công thủ mô phỏng theo động tác của các loài linh thú.

Trong nhiều năm tập luyện, các môn sinh phải bắt chước và luyện tập không mệt mỏi những động tác giống nhau dựa từ các động tác của 8 vật thần: Voi, rắn, cá, ngựa, mèo, gà trống, heo rừng và sư tử. Các tư thế đều phải giống in những con vật nói trên khi chúng tấn công hoặc tự vệ. Toàn bộ nghệ thuật của môn sinh là hòa nhập được hai, ba hoặc bốn kỹ thuật của các con vật khác nhau trong một động tác.

Kalaripayattu

Công phu mô phỏng chiến đấu của loài vật gồm 8 môn võ thuật chiến đấu được dùng ở trường nghệ thuật chiến đấu Hoàng gia ở Denver Colorado. Những môn võ hỗn hợp rất nguy hiểm và dành cho lớp võ sĩ thực thụ, đòi hỏi nhiều năm rèn luyện và rèn luyện đến thành thạo. Mỗi một môn võ trong 8 môn võ mô phỏng công phu chiến đấu của loài vật đều là môn võ sáng tạo hoàn chỉnh được sáng tạo để chiến đấu với độ sát thương cao.

Theo triết lý Đạo giáo, nhìn vào đồ hình Bát quái thấy 8 quẻ tương ứng với 8 con vật (Hổ, Chim ưng, Hạc, Bọ ngựa, Rắn, Heo, Báo đen, Báo đốm). 4 động vật Dương theo đồ hình là động vật có vú đại diện cho cảm xúc và sức mạnh thể chất. 4 loài động vật Âm là chim, côn trùng và bò sát đại diện cho phong cách máu lạnh vô cảm.

Công phu Heo rừng là một môn võ nghệ thuật hoàn chỉnh với mức cao nhất của tôi luyện, huấn luyện chiến đấu mãnh liệt và là vũ khí chiến đấu vô cùng nguy hiểm. Để thành thạo công phu Heo rừng, các môn sinh phải phát triển cấp độ cao nhất của việc rèn luyện tay, dẻo dai chân và điều hòa cơ thể. Có rất nhiều bài tập, hàng trăm đòn thế cho các cú đánh, đá, ném và cầm nã.

Trong đòn tay, công phu Heo rừng phát huy uy lực bằng ngón tay cái và đòn tấn công bằng đốt ngón tay. Công phu Heo rừng có thể làm gãy vài inch gỗ chỉ bằng ngón tay cái và dùng để tấn công vào cổ họng và xuyên qua xương sườn của đối thủ. Đây là những vũ khí thực sự dụng để chiến đấu sinh tử.

Công phu Heo rừng được huấn luyện với các bài tập nặng để tăng cường sức mạnh cho cơ thể khi va chạm với đối phương. Khi công phá sẽ làm gãy gậy hoặc tấm ván với bất kỳ bộ phận nào từ ngón chân đến đầu. Sử dụng công phu Heo rừng ít di chuyển, tuy nhiên mỗi động tác đều dữ dội và mạnh mẽ. Nó là môn võ thuật chiến đấu đầy hiệu quả và tàn bạo.

Những người tập luyện võ Heo rừng sử dụng nhiều đòn tấn công bằng ngón tay cái, đấm bàn tay, chọt ngón tay, khủy tay, đầu gối và đá vào các thiết bị chuyên dụng riêng. Có thể mất nhiều năm tay, cánh tay và chân trở nên dẻo dai và mạnh mẽ qua quá trình tập luyện. Tập luyện với tốc độ nhanh đòi hỏi sức bền đáng kể.

Trong thế giới cổ đại, Heo rừng là biểu tượng của lòng dũng cảm và bậc thầy công phu Heo rừng sáng tác các đòn thế chiến đấu mô phỏng những tiếng gầm gừ, cơn thịnh nộ của loài Heo rừng và có những đòn đánh mãnh liệt đến quyết tử khiến cho các đối thủ khiếp sợ.

Ở Việt Nam ta, trong Võ lâm chánh tông của thầy Đoàn Tâm Ảnh có Địa chi quyền gồm bài chính là Địa chi và 12 bài còn lại mang tên 12 con giáp: Hoa hồ điêu (Tý), Thần ngưu chuyển giác (Sửu), Hắc hổ án nham (Dần), Miêu tẩy diện (Mão), Lưỡng long tranh châu (Thìn), Xà hàm tinh (Tỵ), Mã lâm đao (Ngọ), Dương hồi sơn (Mùi), Hầu thực quả (Thân), Kê xuất noản (Dậu), Tuất (Cẩu cuồng phong), Hợi (Trư ngộ hóa).

Trong Âm dương võ phái do võ sư Liên Văn Răng sáng lập có sử dụng Trư bộ trong Thập bộ tấn mã (Long, Dương ngưu, Tý ngọ, Miêu, Kê, Xà, Hầu, Hổ, Khuyển, Trư bộ).

Anh Thư (T.H)